Nhiều doanh nghiệp đã nộp thuế sau khi bị "bêu" tên

PV

Theo ông Lê Duy Minh - Phó Cục trưởng Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh, đại diện Bến Thành – Sao Thủy đã cam kết sẽ thanh toán dứt điểm tất cả tiền nợ thuế sau ngày 31/12/2018.

Nhiều doanh nghiệp đã nộp thuế sau khi bị " bêu" tên. Ảnh internet
Nhiều doanh nghiệp đã nộp thuế sau khi bị " bêu" tên. Ảnh internet

Theo đó doanh nghiệp này sẽ chuyển trả theo 2 đợt vào tài khoản của Chi cục Thuế quận 1 (thuộc Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh) trung tuần tháng 12/2018, với số tiền chuyển trả đợt 1 là 109 tỷ đồng và đợt 2 là 148,3 tỷ đồng.

Đại diện Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh cũng cho biết tính đến nay, tổng số nợ thuế nội địa có khả năng thu trên toàn địa bàn TP. Hồ Chí Minh tính đến hết ngày 30/11 lên đến 10.236 tỷ đồng, tăng 35% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, các khoản thuế, phí tăng 1.422 tỷ đồng lên 5.104 tỷ đồng; các khoản nợ liên quan đến đất tăng 663 tỷ đồng lên 1.826 tỷ đồng; tiền phạt, tiền chậm nộp tăng 526 tỷ đồng lên 3.221 tỷ đồng.

Nợ thuế chủ yếu tập trung ở các sắc thuế như: Thuế giá trị gia tăng hơn 6.000 tỷ đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp gần 3.000 tỷ đồng, tiền thuê đất hơn 1.600 tỷ đồng, tiền sử dụng đất hơn 1.000 tỷ đồng…

Theo danh sách của Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh, có hàng loạt doanh nghiệp nợ thuế khủng như: Công ty Cổ phần Vốn Thái Thịnh nợ hơn 119 tỷ đồng; Chi nhánh Công ty TNHH Đá xây dựng Bình Dương tại TP HCM nợ trên 118 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Xây dựng Công trình và Đầu tư địa ốc Hồng Quang nợ hơn 92 tỷ đồng…

Nhiều doanh nghiệp bất động sản cũng đang nợ số thuế “khủng” như: Công ty CP Thanh Niên nợ hơn 34 tỷ đồng; Công ty TNHH BĐS Diệp Bạch Dương nợ hơn 35 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Dịch vụ sàn giao dịch Địa ốc Thăng Long nợ hơn 10 tỷ đồng; Công ty Cổ phần BĐS Sài Gòn Phương Nam nợ hơn 14 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Tư vấn thiết kế và Xây dựng Nam Huy Hoàng nợ hơn 17 tỷ đồng; Công ty CP Phát triển BĐS Sài Gòn nợ hơn 12 tỷ đồng; Công ty CP Đầu tư và Phát triển Kim Oanh tại TP HCM nợ hơn 5 tỷ đồng

Bộ Tài chính mới đây đã ban hành Quyết định 1914 trong đó hướng dẫn sử dụng các phương án để xử lý nợ đọng thuế.

Theo đó, Tổng cục Thuế đã đưa ra các giải pháp nhằm thực hiện các biện pháp xử lý nợ đọng thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế.

Một trong những biện pháp đầu tiên được đưa ra áp dụng với người nợ thuế dưới 30 ngày là việc cơ quan thuế sẽ gọi điện thoại, nhắn tin, gửi thư điện tử cho chủ doanh nghiệp hoặc người đại diện theo pháp luật để yêu cầu nộp tiền thuế nợ.

Trong trường hợp nợ thuế từ 31 ngày trở lên, cơ quan thuế sẽ ban hành 100% thông báo tiền nợ thuế, tiền phạt và tiền chậm nộp theo quy định. Thông báo này sẽ được gửi trực tiếp đến địa chỉ người nợ tiền thuế.

Tổng cục Thuế cũng cho biết đối với các trường hợp đã hết hạn không tính tiền chậm nộp, thời gian gia hạn nộp thuế, nộp dần tiền thuế nợ theo quy định Luật Quản lý thuế, cơ quan thuế sẽ ban hành thông báo ngay trong tháng kế tiếp. Trường hợp này, cơ quan quản lý cũng sẽ tổ chức áp dụng các biện pháp cưỡng chế nợ thuế đúng thời hạn quy định.

Trước đó, đại diện Tổng cục Thuế cho biết để bảo đảm thu số tiền nợ thuế mới phát sinh và giảm số thuế nợ đọng, hoàn thành chỉ tiêu thu hồi nợ thuế được cấp có thẩm quyền giao, Tổng cục Thuế đã có công văn chỉ đạo các cục thuế địa phương tăng cường đôn đốc, cưỡng chế thu hồi nợ thuế.

Tổng cục Thuế cũng yêu cầu các cục thuế thực hiện ngay biện pháp cưỡng chế nợ thuế đối với các doanh nghiệp thuộc các đối tượng phải cưỡng chế nợ thuế, hoặc phải chuyển sang biện pháp tiếp theo sau khi đã thực hiện biện pháp cưỡng chế nhưng chưa thu được, hoặc chưa thu đủ tiền thuế nợ theo danh sách doanh nghiệp đã được Tổng cục giao từ đầu năm 2018. Bên cạnh đó, giao các đơn vị tổ chức rà soát, kiểm tra lại toàn bộ hồ sơ phân loại nợ thuế.