Phát huy sức mạnh toàn dân trong công cuộc cải cách thuế

Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Bùi Văn Nam

(Tài chính) Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc của Chính phủ và đoàn thể đã giao... trước nhất là phải tìm mọi cách giải thích cho mỗi một người dân hiểu rõ ràng: Việc đó là vì lợi ích cho họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được...”

Phát huy sức mạnh toàn dân trong công cuộc cải cách thuế
Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Bùi Văn Nam. Nguồn: internet
Sau gần 40 năm thống nhất đất nước, đồng hành cùng với cả nước bắt tay vào công cuộc đổi mới, vừa xây dựng đất nước vừa tiếp tục nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, ngành Thuế đã từng bước đổi mới phương pháp quản lý, vận động nhân dân thực hiện tốt chính sách thuế, tài chính để có nguồn lực phục vụ cho quốc kế dân sinh, đặc biệt là từ khi Đảng ta tiến hành công cuộc đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế. Thực tế những đóng góp sức người, sức của của nhân dân và các thành phần kinh tế đối với ngân sách Nhà nước ngày càng minh chứng rõ hơn ý nghĩa quan trọng trong lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và trở thành phương châm hành động xuyên suốt của toàn ngành.
 
Làm tốt công tác dân vận đối với ngành thuế là một thử thách không nhỏ, bởi các chính sách thuế có liên quan, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi và nghĩa vụ của mọi người dân từ hộ nông dân, hộ tiểu thương cho đến các tổ chức kinh tế có quy mô lớn... Chính vì vậy công tác dân vận của ngành thuế càng đòi hỏi phải có sự đổi mới với những dẫn chứng cụ thể để thuyết phục doanh nghiệp, người dân, thu hút, động viên nhân dân đồng hành cùng ngành thuế hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao phó.
 
Có thể dễ dàng nhận thấy, công tác vận động trong việc thực hiện thu và quản lý thuế rất khác đối với công tác vận động từ thiện xã hội, vận động đóng góp cho các công trình phúc lợi công cộng... bởi thuế là khoản đóng góp mang tính nghĩa vụ bắt buộc của mỗi người dân. Từ tính chất này, qua nhiều giai đoạn phát triển với nỗ lực cải cách mạnh mẽ, đến nay ngành thuế đã từng bước bám sát thực tiễn, nắm bắt kịp thời nguyện vọng của nhân dân, tạo môi trường thuận lợi hơn cho người nộp thuế. Nhất là từ khi chuyển từ mô hình quản lý đối với người nộp thuế thành chế độ tự khai, tự nộp, cơ quan thuế các cấp luôn xem các tổ chức, cá nhân là khách hàng, là bạn đồng hành, sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi, giảm bớt các thủ tục hành chính phiền hà gây khó khăn, áp dụng những tiến bộ của công nghệ thông tin để người nộp thuế phát triển sản xuất kinh doanh và ngày càng nâng cao hơn ý thức chấp hành nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước.
 
Tình hình kinh tế thế giới nói chung và kinh tế nước ta nói riêng hiện nay đang có những diễn biến đầy khó khăn, phức tạp; giá cả thị trường biến động thường xuyên, đặc biệt là các mặt hàng chiến lược làm cho đời sống của nhân dân cũng bị ảnh hưởng không ít, do vậy ngoài những biện pháp kích cầu của Chính phủ như giãn thuế, giảm thuế..., ngành thuế còn phải cân nhắc trong việc quản lý huy động nguồn thu thế nào để đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu công bằng đối với mọi tổ chức và cá nhân, hạn chế tối đa việc thất thu về doanh số, về hộ, cả về nợ thuế. Quán triệt tinh thần này, thời gian qua, ngành Thuế đã từng bước thực hiện tốt các chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, cải cách thủ tục hành chính, không ngừng nâng cao chất lượng quản lý, thường xuyên tạo điều kiện để cán bộ thuế cập nhật thông tin, tổ chức tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn, kỹ năng giao tiếp ứng xử, gắn các tiêu chí về xây dựng đạo đức của người cán bộ, đảng viên, công chức thuế với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về "Cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư"  
 
Trong giai đoạn này, ngành thuế đã và đang thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011 - 2020 theo Quyết định số 732/QĐ-TTg ngày 17/5/2011; Kế hoạch cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011 - 2015 và các Đề án triển khai thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011- 2020 theo Quyết định số 2162/QĐ-BTC ngày 08/9/2011 của Bộ trưởng Bộ Tài chính; Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Theo đó, để cụ thể hoá các quyết sách này, ngành thuế đã triển khai nhiều đề án cải cách thể chế, sửa đổi quy trình quản lý, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm hiện đại hoá, nâng cao chất lượng công tác quản lý. Mới đây nhất, Tổng cục Thuế đã xây dựng để trình Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 119/2014/TT-BTC hướng dẫn sửa đổi, bổ sung về nội dung và mẫu biểu của 7 Thông tư về thuế và Thông tư 151/2014/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định số 91/2014/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều tại các nghị định về thuế. Nỗ lực này không ngoài mục tiêu cải cách, đơn giản  hoá thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người nộp thuế và giảm số giờ thực hiện nghĩa vụ thuế ngay trong năm 2014. 
 
Bên cạnh đó, nhằm thống nhất ý chí và hành động trong toàn ngành trong việc tăng cường cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, thuận lợi cho người nộp thuế, ngày 6/8/2014, Tổng cục Thuế đã ban hành Quyết định số 1201/QĐ-TCT kèm theo Kế hoạch hành động "Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân". Theo đó, Tổng cục Thuế đã và đang khẩn trương sửa đổi bổ sung các thông tư về thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân...; tiến hành xây dựng thông tư đơn giản hoá thủ tục đăng ký, cấp mã số thuế, kê khai, mua hoá đơn, nộp thuế, nhằm giảm số giờ và số lần thực hiện nghĩa vụ thuế cho doanh nghiệp. Cùng lúc, toàn ngành thuế tiếp tục đẩy mạnh hiện đại hoá công tác thu nộp thuế, phấn đấu 100% doanh nghiệp kê khai thuế qua mạng; phát triển đề án nộp thuế điện tử tại 18/63 tỉnh, thành phố... Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế cũng đưa ra kế hoạch kiểm soát, công khai thủ tục hành chính góp phần cải thiện môi trường kinh doanh; xây dựng đề án đánh giá sự hài lòng của người nộp thuế. Hiện nay, Tổng cục Thuế đang chuẩn bị hoàn tất việc xây dựng bộ chỉ số để đánh giá chất lượng đội ngũ dựa trên các tiêu chí của Tuyên ngôn ngành thuế là: Minh bạch, Chuyên nghiệp, Liêm chính và Đổi mới. Ngoài ra, Tổng cục Thuế cũng đang xây dựng đề án quản trị công việc cơ quan thuế các cấp; xây dựng và ban hành chế độ trách nhiệm đối với người đứng đầu; triển khai các biện pháp phát triển đại lý thuế và kế hoạch đổi mới công tác tuyên truyền hỗ trợ trong toàn hệ thống, nhằm tạo ra hiệu ứng tốt cho nỗ lực cải cách - hiện đại hoá của toàn ngành và quan trọng hơn là tạo mọi điều kiện thuận lợi để cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân chấp hành tốt pháp luật thuế. 
 
Cùng với sự phát triển kinh tế -xã hội của đất nước để đảm bảo yêu cầu thu chi, cân đối ngân sách, thì nhiệm vụ của ngành thuế được xác định là ngày càng nặng nề, khó khăn hơn, do đó càng cần làm tốt hơn công tác dân vận để thu hút sự chung tay góp sức của cả cộng đồng. Có được kết quả này, ngoài việc không ngừng thực hiện cải cách thủ tục hành chính, trang bị thêm cho đội ngũ cán bộ công chức về kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp..., ngành Thuế còn phải tranh thủ sự đồng tình hỗ trợ của cấp uỷ, chính quyền, các ngành, các cấp và mọi tầng lớp nhân dân. Có được sự hậu thuẫn tích cực này thì dù công tác động viên nguồn lực có khó khăn đến mấy thì ngành thuế cũng sẽ luôn phấn đấu vượt qua để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó.