Quản lý giá xăng dầu theo Nghị định 84: Đã rất công khai, minh bạch!

Theo Vietnam+

Quản lý giá xăng dầu theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước, thực hiện các quy định của pháp luật, theo Nghị định 84 và bám sát 4 điều cơ bản trong Nghị định. "Cơ chế giá này rất công khai, minh bạch".

Quản lý giá xăng dầu theo Nghị định 84: Đã rất công khai, minh bạch!

Đây là khẳng định của Phó Cục trưởng phụ trách Cục quản lý giá Bộ Tài chính Nguyễn Anh Tuấn, tại buổi tọa đàm trực tuyến "Minh bạch hóa giá xăng dầu theo cơ chế thị trường",diễn ra chiều ngày 20/12.

Ông Tuấn cho biết, quản lý giá xăng dầu theo theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, thực hiện các quy định của pháp luật, trong đó có các Nghị định của Chính phủ. Hiện ta đang thực hiện theo Nghị định 84 và bám sát 4 điều cơ bản trong Nghị định này: Điều 3, 22, 26 và 27, có sự giám sát, kiểm soát giá xăng dầu với các doanh nghiệp. Ông cho rằng, cơ chế giá này rất công khai, minh bạch.

Tính công khai và minh bạch được thể hiện rất rõ ràng. Cụ thể: (1) Nhà nước đã ban hành cơ chế rõ ràng, ban hành Nghị định 84, Thông tư hướng dẫn quy định cụ thể về cấu thành giá, quỹ bình ổn giá; (2) Mỗi lần điều hành giá, đều họp báo thông tin về cách tính giá, điều hành giá, về các công cụ điều tiết, giải thích cụ thể tại sao; (3) Kết quả thanh tra kiểm tra đều được công khai qua báo chí...

Về cách tính giá để tránh xung đột giữa doanh nghiệp, Nhà nước và người tiêu dùng. Ông Tuấn nhấn mạnh 2 ý. Một là, phải thực hiện theo nguyên tắc bám sát tín hiệu thị trường thế giới. Mà hiện nay giá cơ sở được tính theo giá xăng dầu thành phẩm, chứ không phải dựa trên giá dầu thô. Hai là, hiện tính giá cơ sở trong 30 ngày nên phải tính đủ thời gian để tính giá bán lẻ. Thời gian qua, do tính 30 ngày có lẽ hơi dài so với tín hiệu thị trường thế giới nên cần phải xem xét lại vấn đề này, để kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét rút ngắn chu kỳ tính giá, ngắn hơn 30 ngày để không lỗi thời so với tín hiệu thị trường.

Hiện cũng có rất nhiều phương án đặt ra, và chúng tôi cũng đang tính khoảng 10 ngày phù hợp hơn với tín hiệu thị trường thế giới. Trong Nghị định 84 cũng có quy định tối thiểu 10 ngày các doanh nghiệp mới được tăng giá và tối đa 10 ngày phải giảm theo tín hiệu thị trường thế giới. Đây cũng là một cơ sở nhưng chúng tôi thấy chu kỳ 10 ngày thì hơi ngắn, sẽ ảnh hưởng tới vấn đề lưu thông. Do vậy xác định lưu thông phải dài hơn và còn liên quan đến an ninh năng lượng. Vấn đề đặt ra là có nên điều chỉnh chu kỳ 30 ngày không. Chúng tôi đang nghiên cứu để có hướng để báo cáo cơ quan chức năng và có lẽ giảm chu kỳ tính giá độ 15 ngày. Tuy nhiên cũng nên cân nhắc vấn đề lưu thông, ông Tuấn giải thích thêm.

Lại có ý kiến cho rằng Petrolimex độc quyền (hoặc thuộc nhóm có vị trí thống lĩnh thị trường) trong kinh doanh xăng dầu. Liệu việc giao quyền cho doanh nghiệp tự quyết định giá có đi ngược với nguyên lý quản lý?

Giải thích rõ hơn về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú chia sẻ: Khi nhận xét một vấn đề cần phải phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn. Đối với trường hợp của Petrolimex có 2 điều kiện cần xem xét. Thứ nhất, khi chúng ta còn trong cơ chế kinh tế bao cấp thì Petrolimex là đơn vị duy nhất cung cấp xăng dầu cho cả nước.  Đến nay, chúng ta đã có 13 đơn vị đầu mối cung cấp xăng dầu và cần nhiều hơn nữa. Thứ hai, chúng ta tiến từ việc Nhà nước định giá, đến nay doanh nghiệp được định giá 7% trở xuống, khi chúng ta có 13 đầu mối thì việc tự định giá này được thực hiện nhiều hơn.

Nói về độc quyền thì cần nói 2 vấn đề là: thị phần và định giá. Petrolimex hiện nay còn 48% thị phần, rõ ràng từ 100% xuống 48% là bước tiến dài. Về định giá từ ngày 1/10/2009, khi Nghị định 84 có hiệu lực đến nay, cơ bản là hoạt động định giá vẫn là do Nhà nước điều tiết (40 tháng), doanh nghiệp chỉ có 2 tháng.

Cũng cần nói thêm việc tính giá, Thủ tướng giao cho Bộ Công Thương rà soát Nghị định 84 và yêu cầu trong tháng 12 phải trình, chúng tôi đã hoàn thành và sẽ trình  trong 1, 2 ngày tới. Chúng ta phải hình dung Nghị định 84 là văn bản cụ thể, còn có những văn bản khác quy định về vấn đề này và chúng ta không nên nhầm lẫn giữa Nghị định 84 và các văn bản khác đó. Nghị định 84 quy định các vấn đề có tính nguyên tắc về kinh doanh xăng dầu, còn cụ thể hóa dành cho các văn bản cụ thể.

Việc áp dụng quy định kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường, nhưng đã 3 năm thực hiện theo Nghị định 84 mà kinh doanh xăng dầu vẫn chưa theo cơ chế thị trường, giá xăng dầu vẫn chưa lên xuống theo giá thế giới. Vì chúng ta xây dựng nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, xuất phát từ một nền kinh tế tập trung bao cấp. Việc chuyển đổi đó không thể diễn ra trong ngày một, ngày hai. Nghị định 84 chưa phải là bước cuối cùng để kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường, đây là nghị định tiếp nối các Nghị định 187, Nghị định 55 và sau này còn nhiều bước nữa để kinh doanh hoàn toàn theo cơ chế thị trường.