Quản lý xe ngoại giao theo đúng mục đích sử dụng

Theo báo Hải quan

Thực tế những năm gần đây, có hiện tượng xe mang biển ngoại giao, nước ngoài do các đối tượng được hưởng ưu đãi, miễn trừ về nước để lại vẫn lưu thông trên đường mà không hoàn thành thủ tục nộp thuế, hủy đăng ký, trả biển theo quy định. Tình trạng này gây thất thoát tiền thuế không nhỏ, đồng thời gây khó khăn trong công tác quản lý phương tiện, an toàn giao thông…

 Quản lý xe ngoại giao theo đúng mục đích sử dụng
Bộ Tài chính đang nghiên cứu nhiều giải pháp để tránh tình trạng trục lợi tiền thuế từ việc mua bán xe mang biển kiểm soát ngoại giao, nước ngoài. Ảnh: S.T

Trước thực trạng trên, Bộ Tài chính đã cùng với các bộ, ngành đã và đang nghiên cứu nhiều giải pháp để vừa đảm bảo công tác ngoại giao vừa tránh tình trạng trục lợi tiền thuế của Nhà nước.

Theo Bộ Tài chính, các văn bản pháp luật hiện hành đã dành quyền ưu đãi, miễn trừ cho đối tượng ngoại giao khi tạm nhập khẩu, tái xuất khẩu, tiêu hủy, chuyển nhượng xe ô tô, xe gắn máy để phục vụ cho nhu cầu công tác và được miễn các loại thuế, lệ phí hiện hành của Nhà nước. Do vậy, không ít đối tượng đã lợi dụng chính sách thuế dành cho đối tượng ngoại giao là xe NK được miễn các loại thuế, để mua bán tiêu chuẩn xe, sử dụng xe miễn thuế không đúng mục đích theo quy định của pháp luật Việt Nam, không làm thủ tục nộp thuế, kiếm lợi nhuận không chính đáng, gây thất thu cho NSNN cũng như khó khăn cho công tác quản lý của các cơ quan.

Thực trạng này đã phản ánh công tác quản lý của cơ quan quản lý nhà nước có liên quan còn nhiều kẽ hở, tạo điều kiện cho các đối tương lợi dụng.

Bộ Tài chính cho rằng, thực tế thời gian qua công tác quản lý nhà nước của mỗi bộ đối với xe ô tô tạm nhập khẩu miễn thuế của đối tượng ngoại giao chưa đồng bộ, chưa thống nhất, dẫn đến quản lý chưa chặt chẽ, khoa học nên có hiện tượng một số cá nhân Việt Nam đã lợi dụng định lượng, chủng loại xe ô tô được tạm nhập khẩu miễn thuế của đối tượng ngoại giao để mua bán tiêu chuẩn xe, sử dụng xe miễn thuế không đúng mục đích, gây hiện tượng tiêu cực trọng mua bán xe giữa người Việt Nam với người nước ngoài, giữa người Việt Nam với người Việt Nam và gây thất thu cho NSNN. Hiện tượng này đã gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước đối với nhóm hàng không khuyến khích NK, đặc biệt là xe ô tô du lịch…

Hiện cũng chưa có quy định về đối tượng ngoại giao được tạm nhập khẩu miễn thuế xe ô tô đã sử dụng và xe ô tô đang sử dụng là tài sản di chuyển của họ mang vào Việt Nam; cũng như chưa xác định cụ thể đối tượng thực hiện thủ tục chuyển nhượng xe và căn cứ tính thuế khi đối tượng ngoại giao chuyển nhượng xe ô tô, xe gắn máy tại Việt Nam.

Xuất phát từ thực trạng quản lý và hiện tượng tiêu cực nêu trên, để đảm bảo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với phương tiện giao thông phục vụ công tác ngoại giao, một số bộ, ngành đang tham mưu với Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định quy định việc tạm nhập khẩu miễn thuế, tái xuất khẩu, tiêu hủy, chuyển nhượng xe ô tô, xe gắn máy phục vụ nhu cầu công tác và sinh hoạt của các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế có trụ sở tại Việt Nam được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ và thành viên các cơ quan này được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ tại Việt Nam.

Bộ Tài chính cũng đề xuất cách tính thuế xe đã chuyển nhượng không đúng quy định, có hoặc không có giấy tờ chứng minh việc mua bán. Theo đó, căn cứ tính thuế là trị giá tính thuế, thuế suất và tỉ giá tại thời điểm chuyển nhượng xe. Trị giá tính thuế được xác định trên cơ sở giá trị sử dụng còn lại tính theo thời gian sử dụng xe tại Việt Nam tại thời điểm chuyển nhượng; thuế suất để tính thuế NK không phân biệt xe NK ban đầu là xe mới hay xe đã qua sử dụng theo mức thuế suất của xe mới tại thời điểm chuyển nhượng.

Thời điểm chuyển nhượng xe là thời điểm thực tế theo kê khai của người quản lý, sử dụng xe khi nhận chuyển nhượng từ cá nhân, tổ chức nước ngoài và không phạt chậm nộp thuế theo quy định.