Nhìn từ thực tế…

Theo Bộ Tài chính, tính đến tháng 4/2012, đã có 7 tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước trình Thủ tướng đề án tái cơ cấu. Trong khi 35 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đã và đang hoàn thiện đề án dưới các mức độ khác nhau. Các chuyên gia cho rằng, việc xác định mục tiêu mà quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) phải tiến đến là phá thế độc quyền cũng như ảnh hưởng của các nhóm lợi ích đến khu vực này. Tạo sự cạnh tranh bình đẳng với các khu vực khác cũng như cạnh tranh quốc tế, minh bạch tài chính, xóa bỏ cơ chế xin - cho, cũng như việc bù lỗ từ phía Nhà nước. Việc tái cơ cấu cũng được xác định là vấn đề khó khăn khi nhiều vấn đề đan xen không dễ thực hiện như sắp xếp nhân sự, xử lý nợ, thoái vốn… Cũng như xử lý cá nhân sai phạm và bài học rút ra trong cơ chế quản lý, giám sát đối với các DNNN sau những sự cố tại Vinashin, Vinalines.

Thực tế chúng ta phải thừa nhận rằng, vấn đề nào cũng có cái giá phải trả. Tái cơ cấu DNNN mà trong đó việc thoái vốn phải thực hiện nghiêm túc và mạnh mẽ nhưng vẫn phải bảo toàn hiệu quả, không chỉ về dừng lại ở việc mua 1 đồng bán 1 đồng mà phải cân đối toàn diện. Hiệu quả của tái cơ cấu phải có cái nhìn dài hạn chứ không thể ngắn hạn. Do đó, việc tái cơ cấu DNNN phải bắt đầu từ tái cấu trúc tài chính. Để các tập đoàn, tổng công ty rút nhanh vốn tại các dự án ngoài ngành trong thời gian ngắn từ 2012 đến 2015 là điều không hề dễ. Hiện có 21 tập đoàn, tổng công ty lớn đang tồn tại và để cổ phần hóa càng không đơn giản, bởi đó là cả một tổ hợp. Việc xử lý nợ, hay đánh giá nợ đang tồn tại tại các tập đoàn hiện nay cũng cần phải gấp rút định hình. Nên sớm ban hành cơ chế tài chính, kế toán hoàn chỉnh. Khi báo cáo tài chính được các DNNN đưa ra thì cơ quan chức năng phải xác định đuợc, số nào sai, số nào đúng. Cơ chế tài chính và hoạch toán cần phải rõ ràng và không gật đầu với bất kỳ số liệu nào mà DNNN đưa ra. Mặt khác, cần sớm có ngay cơ chế tài chính cho tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Hiện nay chúng ta chưa có một chế độ kế toán hoàn chỉnh nào cho mô hình tập đoàn kinh tế. Trong khi đó, các đơn vị này lại kinh doanh khá đa dạng, kinh doanh đan chéo dẫn đến không rõ ràng. Từ không rõ ràng dẫn đến báo cáo tài chính hợp nhất, xử lý tài chính nội bộ của tập đoàn, tổng công ty hiện nay rất lúng túng, nói sai cũng được, nói đúng cũng được và dẫn tới khi nào mất vốn, khi nào xảy ra thất thoát, tiêu cực mới xử lý được.

Bên cạnh đó, cần sớm khôi phục lại hệ thống kiểm soát nội bộ tập đoàn, bởi hệ thống kiểm toán nội bộ, kiểm soát nội bộ chính là “cầu chì tự ngắt” khi các hành vi vượt quá giới hạn. Trong quá trình chờ cổ phần hóa hay đang tiến hành tái cấu trúc vẫn phải duy trì hình thức kiểm soát tài chính nội bộ. Vì không có kiểm soát nội bộ nên Vinalines bỏ ra 19.000 tỷ đồng để mua ụ sắt quá đát mà chỉ riêng chủ tịch HĐQT biết trong khi tổng giám đốc, kế toán không ai biết. Phát huy quyền tự chủ của DN là cần thiết nhưng việc kiểm soát cũng cần thiết không kém.

Trước thực tế cũng như yêu cầu, đòi hỏi trên Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 929/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011 – 2015. Động thái này thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc đẩy mạnh cơ cấu, phát huy đồng vốn nhà nước tại DN, nâng cao vai trò nòng cốt trong sự phát triển kinh tế - xã hội.

Biến quyết tâm bằng hành động cụ thể

Đề án được Chính phủ giao cho Bộ Tài chính xây dựng với mục tiêu làm cho DNNN có cơ cấu hợp lý hơn, tập trung vào ngành, lĩnh vực then chốt, cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội và quốc phòng, an ninh, làm nòng cốt để kinh tế nhà nước thực hiện được vai trò chủ đạo, là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng, điều tiết nền kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô. Ngoài ra, việc tái cơ cấu nhằm nâng cao sức cạnh tranh, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu đối với DNkinh doanh; hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội, quốc phòng, an ninh đối với DNhoạt động công ích.

Theo Đề án, DN100% vốn nhà nước sẽ được phân loại theo 3 nhóm cụ thể:

- Nhóm thứ nhất: DNNN nắm giữ 100% vốn điều lệ trong các lĩnh vực độc quyền nhà nước, quốc phòng, an ninh; xuất bản; thủy nông; bảo đảm an toàn giao thông; xổ số kiến thiết; sản xuất, phân phối điện quy mô lớn đa mục tiêu có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng, an ninh; quản lý, khai thác hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đô thị; các cảng hàng không; cảng biển loại I; in, đúc tiền.

- Nhóm thứ hai: , DN cổ phần hóa mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoạt động trong các ngành, lĩnh vực theo quy định tại Quyết định số 14/2011/QĐ-TTg ngày 4/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành tiêu chí, danh mục phân loại DNNN.

- Nhóm thứ ba: Các DNNN thua lỗ kéo dài, không có khả năng khắc phục sẽ thực hiện bán, chuyển nhượng doanh nghiệp; tái cơ cấu lại nợ để chuyển thành công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn nhiều thành viên; giải thể, phá sản.

Cùng với đó, Chính phủ cũng nhấn mạnh, việc tái cơ cấu DN theo ngành, lĩnh vực không phân biệt cấp, cơ quan quản lý. Trước mắt, trong các lĩnh vực xây dựng, thương mại, viễn thông, xuất bản, xổ số kiến thiết, cấp thoát nước, môi trường đô thị, thủy nông, quản lý và sửa chữa đường bộ, đường sắt, đường thủy… Việc tái cơ cấu tập đoàn, tổng công ty nhà nước được thực hiện một cách toàn diện từ mô hình tổ chức, quản lý, nguồn nhân lực, ngành nghề sản xuất kinh doanh, chiến lược phát triển, đầu tư đến thị trường và sản phẩm. Tổ chức lại một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước cho phù hợp với thực trạng và yêu cầu nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng xác định việc sắp xếp, cổ phần DN là một nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2015. Một trong các giải pháp mà Đề án đưa ra là khẩn trương hoàn thành phê duyệt phương án sắp xếp, đổi mới DNNN đến năm 2015 của các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước. Xác định số lượng, danh sách cụ thể các DNNNnắm giữ 100%, nắm giữ trên 75%, nắm giữ từ 65% đến 75%, nắm giữ từ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ và các DNkhác. Trong quá trình thực hiện, căn cứ tình hình thực tế, tiếp tục rà soát để đẩy mạnh cổ phần hóa. Đồng thời, hoàn thiện tiêu chí, danh mục phân loại DNtheo hướng đẩy mạnh đa dạng hóa sở hữu; xác định rõ những ngành, lĩnh vực khi cổ phần hóa DNNN nằm giữ trên 75%, từ 65% đến 75%, dưới 65% vốn điều lệ  hoặc không giữ cổ phần. Đẩy mạnh thực hiện cho được mục tiêu sắp xếp, cổ phần hóa DN theo các phương án đã được phê duyệt; coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong các năm 2012 - 2015.

Ngoài ra, Chính phủ cũng chỉ đạo chấm dứt đầu tư ra ngoài ngành trước năm 2015. Trong đó, từng tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập trình Thủ tướng Chính phủ; từng tổng công ty, DNdo Bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định thành lập trình Bộ, UBND tỉnh, thành phố Đề án tái cơ cấu để phê duyệt trong quý III/2012 và triển khai thực hiện với các nội dung chủ yếu sau: Rà soát, xác định lại nhiệm vụ, ngành nghề kinh doanh chính; Xây dựng chiến lược phát triển đến năm 2015, tầm nhìn đến 2020 phù hợp chiến lược phát triển ngành, nhu cầu của thị trường, khả năng về vốn và  năng lực trình độ quản lý;  Xây dựng phương án tổ chức lại sản xuất kinh doanh, triển khai tái cơ cấu các doanh nghiệp,..Xây dựng phương án tài chính để triển khai thực hiện nhiệm vụ chính được giao và xử lý các tồn tại về tài chính trong quá trình tái cơ cấu;  Đẩy mạnh liên kết giữa các DNthành viên trong tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước; Áp dụng các nguyên tắc quản trị DNtheo thông lệ quản trị DNquốc tế; hoàn thiện cơ chế kiểm soát, kiểm toán nội bộ; Tích cực triển khai nghiên cứu ứng dụng, đầu tư cho đổi mới công nghệ, đổi mới sản phẩm, dịch vụ, từng bước nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm, dịch vụ; Thực hiện công khai, minh bạch trong đầu tư, quản lý tài chính, mua sắm, phân phối thu nhập, công tác cán bộ;Mặt khác, phải xây dựng phương án tài chính để triển khai thực hiện nhiệm vụ chính được giao và xử lý các tồn tại về tài chính trong quá trình tái cơ cấu.

Trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, chứng khoán, bất động sản, bảo hiểm, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thực hiện theo các hướng: Thứ nhất là, bán phần vốn của công ty mẹ - tập đoàn/tổng công ty nhà nước cho tổ chức, cá nhân ngoài tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, không bán hoặc chuyển giao lại cho các đơn vị thành viên trong nội bộ; Thứ hai là, chuyển vốn về những tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, DNcó ngành nghề kinh doanh phù hợp. Việc chuyển vốn thực hiện thông qua hình thức chuyển giao vốn hoặc chuyển nhượng vốn; Thứ ba là, chuyển toàn bộ DNdo tập đoàn, tổng công ty giữ 100% vốn sang tập đoàn, tổng công ty có ngành nghề kinh doanh cùng với ngành nghề kinh doanh của DNchuyển giao. Thực hiện dưới hình thức chuyển nhượng DN hoặc chuyển giao nguyên trạng.

Đối với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đang có khó khăn về tài chính, một mặt cần làm rõ trách nhiệm của cán bộ quản lý có liên quan, mặt khác cần cơ cấu lại vốn, tài sản theo hướng: Đánh giá thực trạng, xác định nhu cầu vốn để có cơ chế xử lý bổ sung vốn cho tiếp tục thực hiện các dự án đầu tư cấp bách, hạn chế thất thoát vốn do kéo dài thời gian dự án; cơ cấu lại tài sản bằng cách chuyển nhượng, sáp nhập các dự án, các khoản đầu tư không hiệu quả hoặc chưa cấp thiết để tập trung nguồn lực cho hoạt động kinh doanh chính.

Kiên quyết sắp xếp, cơ cấu lại hoặc giải thể, phá sản những DNhoạt động không hiệu quả, thua lỗ kéo dài, mất khả năng thanh toán nợ đến hạn theo quy định.

Quyết định nêu rõ, đối với các Bộ quản lý ngành kinh tế kỹ thuật (Xây dựng, Công Thương, Thông tin và Truyền thông, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải) rà soát, đánh giá tính hợp lý, khả năng, điều kiện, cách thức tổ chức lại, từ đó xây dựng phương án tái cơ cấu DNhoạt động trong lĩnh vực phụ trách không phân biệt cấp, cơ quan quản lý, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quý III/2012 và chỉ đạo triển khai thực hiện.

Các Bộ, ngành trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoặc ban hành theo thẩm quyền thể chế, cơ chế quản lý đối với DN100% vốn nhà nước; thúc đẩy tái cơ cấu DNvà thể chế, cơ chế quản lý của chủ sở hữu nhà nước. Đồng thời, tăng cường trách nhiệm của lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trong thực hiện tái cơ cấu, phương án sắp xếp, cổ phần hóa đã được phê duyệt; coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Đơn vị nào không thực hiện được phải kiểm điểm, làm rõ nguyên nhân, người chịu trách nhiệm và chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài ra, Đề án cũng nhấn mạnh, các bộ, ngành, địa phương và từng DN tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả DNNN theo các Nghị quyết của Trung ương Đảng và Kết luận của Bộ Chính trị, tạo sự nhất trí cao trong toàn hệ thống chính trị để nâng cao hơn nữa nhận thức và có hành động quyết liệt, cụ thể trong thực hiện.

Triển khai thực hiện công tác tái cơ cấu DN, vừa qua Bộ Tài chính đã có Công văn số 10800/BTC-TCDN hướng dẫn các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước triển khai thực hiện công tác tái cơ cấu DN.

Theo đó, Công văn hướng dẫn xây dựng Đề án tái cơ cấu từng tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và DNNN; tổ chức triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu từng tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và DNNN sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt; tổ chức báo cáo tình hình triển khai thực hiện tái cơ cấu DN. Đồng thời, để triển khai các nhiệm vụ được phân công theo lĩnh vực quản lý, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 2015/QĐ-BTC ngày 13/8/2012 về kế hoạch triển khai Quyết định số 929/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong đó xác định rõ nhiệm vụ theo các nội dung: hoàn thiện cơ chế chính sách thuộc trách nhiệm của Bộ Tài chính; tham gia ý kiến với các cơ quan trong công tác hoàn thiện cơ chế chính sách; triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu DNNN tại các bộ, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và một số công tác khác.

Quyết định 929/QĐ-TTg: Phát huy vai trò nòng cốt của doanh nghiệp nhà nước

Ths. Nguyễn Thị Thúy Quỳnh

TCTC Online - Ngày 17/7/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 929/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011 – 2015”. Đây là Quyết định mang tính thời sự trong bối cảnh thực tế hiện nay nhiều doanh nghiệp nhà nước hoạt động kém hiệu quả cần phải được tái cơ cấu để phát huy hơn nữa hiểu quả nguồn vốn nhà nước tại doanh nghiệp…

Xem thêm

Video nổi bật