Quyết liệt triển khai chủ trương mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung

PV.

Triển khai Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 07/01/2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) 2016 và Quyết định số 08/2016/QĐ-TTg ngày 26/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ quy định việc mua sắm tài sản nhà nước (TSNN) theo phương thức tập trung, thời gian qua, Bộ Tài chính đã có nhiều văn bản hướng dẫn yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triển khai phương thức mới này.

Mua sắm theo phương thức tập trung còn giảm được đáng kể chi phí để tổ chức đấu thầu và giảm đầu mối thực hiện. Nguồn: internet
Mua sắm theo phương thức tập trung còn giảm được đáng kể chi phí để tổ chức đấu thầu và giảm đầu mối thực hiện. Nguồn: internet

Phương thức mới, hiệu quả mới

Theo Quyết định số 179/2007/QĐ-TTg ngày 26/11/2007 của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2007 mua sắm TSNN theo phương thức tập trung đã được chính thức thực hiện thí điểm. Đây là chủ trương đúng nhằm cụ thể hóa và triển khai các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, góp phần tiết kiệm NSNN, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng TSNN, đảm bảo mua sắm tài sản đúng tiêu chuẩn định mức, góp phần thực hiện Luật phòng, chống lãng phí, tham nhũng…

Thực tế sau một thời gian thí điểm cho thấy, việc mua sắm tài sản theo phương thức tập trung đã tiết kiệm cho NSNN hàng trăm tỷ đồng. Theo tính toán của Bộ Tài chính, nếu triển khai phương thức mua sắm theo phương thức tập trung tốt trên cả nước, số tiền tiết kiệm được có thể chiếm đến khoảng 15%/tổng giá trị mua sắm. Cụ thể, chi mua sắm TSNN hàng năm của cả nước chiếm khoảng 20% chi NSNN, tương đương khoảng 200.000 tỷ đồng/năm. Nhưng nếu triển khai mua sắm theo phương thức tập trung toàn bộ các hàng hóa, dịch vụ dự kiến sẽ tiết kiệm chi NSNN 30.000 tỷ đồng/năm, bởi mua sắm với số lượng lớn thì giá mua sẽ giảm.

Bên cạnh đó, mua sắm TSNN theo phương thức tập trung cũng giúp giảm được đáng kể chi phí để tổ chức đấu thầu và giảm đầu mối thực hiện. Hiện có khoảng hàng chục nghìn đơn vị đầu mối hàng năm cùng tiến hành các thủ tục về đấu thầu mua sắm những loại tài sản như nhau, nhưng khi thực hiện mua sắm theo phương thức tập trung, chỉ thực hiện một hoặc một số cuộc đấu thầu trong năm.

Do vậy, ngày 26/2/2016, Thủ tướng Chính phủ đã kí Quyết định số 08/2016/QĐ-TTg quy định việc mua sắm TSNN theo phương thức tập trung. Nhiều ý kiến đều đồng tình rằng, trong thời gian tới, khi việc thực hiện quyết liệt Quyết định số 08/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và khi phương thức mua sắm TSNN theo phương thức tập trung đi vào vận hành một cách chuyên nghiệp sẽ góp phần tích cực trong việc giảm bộ máy và biên chế trong mua sắm công; tiết kiệm chi NSNN do giảm giá mua, giảm chi phí thực hiện các thủ tục liên quan đến đấu thầu. Bên cạnh đó, phương thức mới này cũng khắc phục được tình trạng mua sắm vượt tiêu chuẩn, định mức, vượt nhu cầu thực tế và mua sắm xa xỉ, không hiệu quả; Hạn chế tiêu cực, sai phạm trong việc mua sắm công do việc thực hiện mua sắm được chuyên nghiệp hóa, công khai, minh bạch; góp phần thực hiện mục tiêu chi tiêu công có hiệu quả.

Quyết liệt triển khai

Triển khai Quyết định số 08/2016/QĐ-TTg ngày 26/2/2016 của Thủ tướng Chính phủ Quy định việc mua sắm TSNN theo phương thức tập trung, Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư số 34/2016/TT-BTC ngày 26/2/2016 công bố danh mục tài sản mua sắm tập trung cấp quốc gia và Thông tư số 35/2016/TT-BTC ngày 26/2/2016 hướng dẫn việc mua sắm TSNN theo phương thức tập trung. Theo đó, từ năm 2016 mua sắm tập trung cấp quốc gia sẽ được áp dụng đối với xe ô tô (trừ thuốc), bao gồm: xe ô tô phục vụ công tác cho các chức danh, xe ô tô phục vụ công tác chung, xe ô tô chuyên dùng (trừ xe ô tô chuyên dùng có gắn kèm trang thiết bị chuyên dùng, xe ô tô có cấu tạo đặc biệt theo yêu cầu chuyên môn nghiệp vụ, xe ô tô chuyên dùng tại đơn vị vũ trang nhân dân).

Các Bộ, cơ quan trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổng hợp nhu cầu mua sắm xe ô tô của Bộ, ngành, địa phương và gửi về Bộ Tài chính trước ngày 30/5/2016. Bộ Tài chính có trách nhiệm rà soát nhu cầu mua sắm, đảm bảo theo đúng tiêu chuẩn, định mức do Thủ tướng Chính phủ quy định. Trên cơ sở đó, đơn vị mua sắm tập trung quốc gia thực hiện việc lựa chọn nhà thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu cung cấp xe ô tô và ký thỏa thuận khung với đơn vị trúng thầu; cơ quan đơn vị sử dụng xe trực tiếp ký hợp đồng mua bán, thanh toán, tiếp nhận xe với đơn vị trúng thầu trên cơ sở thỏa thuận khung đã ký.

Đối với mua sắm tập trung cấp Bộ, ngành, địa phương, thì các Bộ, cơ quan trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tùy theo tính chất, đặc điểm và điều kiện thực tế của mình để công bố danh mục mua sắm tập trung của Bộ, cơ quan trung ương, địa phương trước ngày 30/6/2016. Việc công bố danh mục mua sắm tập trung tại Bộ, cơ quan trung ương, địa phương thực hiện theo Quyết định số 08/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài chính tại Thông tư số 35/2016/TT-BTC. Theo đó, việc mua sắm phải được thực hiện trong phạm vi dự toán ngân sách được giao và nguồn kinh phí được phép sử dụng, bảo đảm công khai, minh bạch, tiết kiệm và có hiệu quả. Đồng thời, các tài sản được mua sắm phải đảm bảo tính đồng bộ, hiện đại, phù hợp với yêu cầu, nội dung hoạt động và quá trình cải cách nền hành chính nhà nước.

Về cách thức thực hiện mua sắm tập trung sẽ được thực hiện theo hai cách là ký thỏa thuận khung và ký hợp đồng trực tiếp. Với cách ký thỏa thuận khung, đơn vị mua sắm tập trung tổng hợp nhu cầu mua sắm, tiến hành lựa chọn nhà thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu hoặc thuê tổ chức đấu thầu chuyên nghiệp lựa chọn nhà thầu. Sau khi ký thỏa thuận khung với nhà thầu được lựa chọn, các đơn vị sử dụng tài sản trực tiếp ký hợp đồng mua sắm, trực tiếp thanh toán và tiếp nhận tài sản, hồ sơ về tài sản cũng như chế độ bảo hành, bảo trì tài sản từ nhà thầu này. Với cách thức ký hợp đồng trực tiếp, đơn vị mua sắm tập trung tổng hợp nhu cầu mua sắm, tiến hành lựa chọn nhà thầu hoặc thuê tổ chức đấu thầu chuyên nghiệp lựa chọn nhà thầu, trực tiếp ký hợp đồng và thanh toán cho họ. Các đơn vị sử dụng tài sản chỉ việc tiếp nhận tài sản, hồ sơ tài sản và thực hiện chế độ bảo hành, bảo trì với nhà thầu đó. Thông tư số 35/2016/TT-BTC cũng quy định cụ thể quy trình thực hiện mua sắm tập trung theo cách thức kí thỏa thuận khung và kí hợp đồng trực tiếp.

Mới đây nhất, ngày 19/4/2016,Bộ Tài chính tiếp tục có Công văn số 5283/BTC-QLCS gửi các Bộ, cơ quan trung ương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc triển khai thực hiện mua sắm TSNN theo phương thức tập trung. Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị các Bộ, cơ quan trung ương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quan tâm chỉ đạo tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý về các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến việc mua sắm tập trung. Bên cạnh đó, Bộ Y tế công bố danh mục thuốc mua sắm tập trung (bao gồm danh mục mua sắm tập trung cấp quốc gia và danh mục mua sắm tập trung cấp địa phương). Các Bộ, cơ quan trung ương, UBND cấp tỉnh công bố danh mục mua sắm tập trung của Bộ, cơ quan trung ương, địa phương. Tài sản được đưa vào danh mục mua sắm tập trung phải đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 71 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu; đảm bảo không trùng lắp với danh mục mua sắm tập trung cấp quốc gia do Bộ Tài chính và Bộ Y tế công bố. Văn bản công bố danh mục tài sản mua sắm tập trung của Bộ, cơ quan trung ương, địa phương đề nghị gửi về Bộ Tài chính 01 bản. Thời gian công bố trước ngày 30/6/2016.

Các Bộ, cơ quan trung ương, UBND cấp tỉnh quyết định theo thẩm quyền đơn vị mua sắm tập trung để thực hiện mua sắm đối với tài sản, thuốc thuộc danh mục mua sắm tập trung của Bộ, cơ quan trung ương, địa phương theo nguyên tắc không thành lập mới, không bổ sung biên chế. Trong thời gian chưa tổ chức sắp xếp lại đơn vị mua sắm tập trung theo quy định nêu trên hoặc không có đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng cung cấp dịch vụ công về tài chính, tài sản, y tế, các Bộ, cơ quan trung ương, UBND cấp tỉnh giao cho một đơn vị thuộc phạm vi quản lý thực hiện nhiệm vụ mua sắm tập trung theo mô hình kiêm nhiệm.

Tổng hợp nhu cầu mua sắm đối với xe ô tô thuộc danh mục tài sản mua sắm tập trung cấp quốc gia theo Mẫu số 01b/TH/MSTT ban hành kèm theo Thông tư số 35/2016/TT-BTC ngày 26/02/2016 của Bộ Tài chính, gửi Bộ Tài chính trước ngày 30/5/2016. Việc tổng hợp nhu cầu xe ô tô mua sắm tập trung cấp quốc gia phải phù hợp với dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt và kết quả rà soát, sắp xếp xe ô tô theo quy định tại Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg ngày 04/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ. Trường hợp các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương chưa hoàn thành việc rà soát, sắp xếp xe ô tô theo quy định tại Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg, khẩn trương hoàn thành việc rà soát, sắp xếp, đồng thời gửi nhu cầu mua sắm xe ô tô đã được bố trí dự toán về Bộ Tài chính để phối hợp xử lý.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng chỉ đạo Kho bạc Nhà nước các cấp thực hiện kiểm soát chi đối với mua sắm tập trung từ nguồn NSNN; Không thanh toán các khoản kinh phí mua sắm tài sản thuộc danh mục mua sắm tập trung nhưng không thực hiện mua sắm tập trung hoặc hợp đồng mua sắm tài sản không phù hợp với thỏa thuận khung và quy định của pháp luật.