Sẽ có công cụ phát hiện sớm các vi phạm pháp luật thuế

Theo baohaiquan.vn

(Tài chính) Tổng cục Thuế đã hoàn tất Dự thảo Thông tư quy định áp dụng quản lý rủi ro (QLRR) trong quản lý thuế. Đây sẽ là cơ sở để đánh giá việc tuân thủ pháp luật thuế của người nộp thuế (NNT) trong việc đăng ký khai, nộp thuế, nợ thuế, miễn giảm thuế, hoàn thuế...

Sẽ có công cụ phát hiện sớm các vi phạm pháp luật thuế
Tổng cục Thuế đã hoàn tất Dự thảo Thông tư quy định áp dụng QLRR trong quản lý thuế. Nguồn: internet
Phân loại 3 mức độ tuân thủ

Theo tổng cục Thuế, việc áp dụng QLRR là để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật thuế, đồng thời khuyến khích, tạo thuận lợi để NNT tuân thủ tốt pháp luật.

QLRR của cơ quan Thuế sẽ được thực hiện như sau: Thu thập, thông tin dữ liệu thuế; Xây dựng tiêu chí QLRR đáp ứng yêu cầu quản lý thuế trong từng thời kỳ, quản lý, ứng dụng hệ thống thông tin nghiệp vụ thuế; Xây dựng, phân tích, đánh giá mức độ rủi ro, đánh giá tuân thủ pháp luật của NNT, quản lý hồ sơ rủi ro đối với các đối tượng trọng điểm vi phạm pháp luật thuế. Kiến nghị, áp dụng chính sách ưu tiên hoặc áp dụng các biện pháp kiểm tra thuế, thanh tra thuế, giám sát, biện pháp quản lý thuế và các biện pháp nghiệp vụ khác trong quản lý thuế đối với NNT.

Trên cơ sở đó, cơ quan Thuế sẽ phân loại 3 mức độ tuân thủ pháp luật thuế đối với NNT như: Loại 1, NNT tuân thủ pháp luật thuế tốt; Loại 2, NNT tuân thủ pháp luật thuế ở mức độ trung bình và Loại 3, NNT tuân thủ pháp luật thuế ở mức độ thấp.

Để được vào nhóm 1, doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện như: Trong thời gian 2 năm liên tục trở về trước tính đến ngày đánh giá không bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế, bị xử lý vi phạm pháp luật về hành vi vi phạm về thuế; các vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế, gian lận thuế; vi phạm về hành vi không chấp hành quyết định kiểm tra, thanh tra, cưỡng chế thuế; Không nợ thuế quá hạn trên 30 ngày, tiền chậm nộp, tiền phạt tại thời điểm đánh giá.

Các trường hợp doanh nghiệp có 2 lần trở lên bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế; Bị các cơ quan Nhà nước xử phạt vi phạm về trốn thuế, gian lận thuế hoặc các hành vi vi phạm trong lĩnh vực kế toán dẫn đến trốn thuế, gian lận thuế; Bị xử lý hành chính về hành vi không chấp hành quyết định kiểm tra, thanh tra, cưỡng chế thuế; Bị khởi tố vụ án đối với sai phạm trong hoạt động của NNT hoặc người đại diện hợp pháp của NNT bị khởi tố bị can về hành vi vi phạm thuế; Nợ thuế quá hạn 90 ngày...thì bị xếp vào nhóm NNT có mức tuân thủ pháp luật thuế thấp.

Cơ quan Thuế sẽ không thực hiện đánh giá tuân thủ pháp luật, đánh giá xếp hạng mức độ rủi ro đối với nhóm doanh nghiệp giải thể, phá sản, đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, mất tích, đã được đóng mã số thuế theo xác nhận của cơ quan Thuế. Còn các trường hợp doanh nghiệp ngừng hoạt động, tạm ngừng hoạt động, mất tích nhưng chưa đóng mã số thuế thì vẫn thuộc diện QLRR.

Một trong những mục tiêu trọng tâm của Chiến lược cải cách thuế giai đoạn 2011-2015 là việc áp dụng phương pháp QLRR trong tất cả các khâu nghiệp vụ; xây dựng cơ sở dữ liệu người nộp thuế đầy đủ, chính xác, tập trung; phát triển ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ các hoạt động quản lý thuế đảm bảo tính liên kết, tự động hoá cao, gắn chặt với quá trình cải cách thủ tục hành chính  thuế.

Tổng cục Thuế kiến nghị, trên cơ sở việc đánh giá tuân thủ pháp luật, đánh giá xếp hạng rủi ro của NNT, cơ quan Thuế các cấp sẽ áp dụng các biện pháp như: Kiểm tra trước hoàn thuế sau; Kiểm tra thuế, thanh tra thuế; Các biện pháp thu hồi nợ thuế, cưỡng chế nợ thuế. Biện pháp trong quản lý sử dụng hoá đơn như cho phép NNT tự in hoá đơn hoặc mua hoá đơn do cơ cơ quan Thuế phát hành.

Thu thập thông tin NNT từ nước ngoài

Trong Dự thảo Thông tư quy định áp dụng QLRR trong quản lý thuế, Tổng cục Thuế đã xây dựng cơ chế phối hợp trao đổi thông tin phục vụ QLRR với các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Tài chính: Tổng cục Hải quan, Kho bạc Nhà nước, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, Thanh tra Bộ Tài chính... Ngoài ra, cơ quan Thuế phối hợp với các cơ quan chức năng thuộc các bộ, ngành trao đổi thông tin đăng ký kinh doanh của tổ chức, cá nhân; Tình hình hoạt động của doanh nghiệp; Thông tin về giao dịch bất thường, đột biến trên tài khoản giao dịch; Phương thức, hành vi gian lận và trốn thuế; Thông tin vi phạm pháp luật thuế và chế độ kế toán, thống kê, vi phạm pháp luật hình sự...

Một trong những điểm mới của Dự thảo chính là việc Tổng cục Thuế sẽ thu thập thông tin liên quan đến quản lý thuế từ nước ngoài. Theo đó, cơ quan Thuế sẽ trao đổi thông tin với các quốc gia, vùng lãnh thổ đã ký Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần và các Hiệp định hợp tác trao đổi; Các tổ chức quốc tế có liên quan theo Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên... thông qua hình thức bằng văn bản, thư điện tử hoặc chia sẻ qua hệ thống dữ liệu điện tử của cơ quan Thuế các nước và kết nối chia sẻ thông tin qua hệ thống thông tin với nước láng giềng (trong trường hợp có ký kết thoả thuận giữa hai quốc gia); Trao đổi dưới hình thức cử đại diện làm việc, xác minh, thu thập tài liệu, tổ chức hội thảo và các hình thức khác. Tuy nhiên, việc thu thập thông tin phải đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật Nhà nước.