Quy trình giám sát hải quan tại cảng biển:

Sẽ hạn chế việc tiếp xúc giữa doanh nghiệp và Hải quan

Theo baohaiquan.vn

(Tài chính) Quy trình giám sát hải quan tại khu vực cửa khẩu cảng biển áp dụng Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS sẽ được xây dựng dựa trên nguyên tắc không để người nhận hàng phải tiếp xúc quá nhiều với cơ quan Hải quan. Đây là chỉ đạo của Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Vũ Ngọc Anh tại cuộc họp với các đơn vị Hải quan mới đây.

Sử dụng máy soi container di động kiểm tra hàng hóa XNK tại cảng Green Port - Hải Phòng. Nguồn: baohaiquan.vn
Sử dụng máy soi container di động kiểm tra hàng hóa XNK tại cảng Green Port - Hải Phòng. Nguồn: baohaiquan.vn
Khắc phục vướng mắc

Thực tế hiện nay, khi hệ thống VNACCS/VCIS triển khai tại một số đơn vị Hải quan đã phát sinh những vướng mắc trong công tác giám sát hải quan tại cảng biển, ảnh hưởng không nhỏ tới tiến độ giải phóng hàng của doanh nghiệp (DN). Do đó, Cục Giám sát quản lý về hải quan -Tổng cục Hải quan đang hoàn thiện dự thảo Quy trình giám sát hải quan tại khu vực cửa khẩu cảng biển theo hướng phù hợp với những thay đổi trong công tác quản lý hải quan khi áp dụng hệ thống VNACCS/VCIS.

Phản ánh về thực trạng công tác giám sát hải quan tại khu vực cửa khẩu cảng biển, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan Âu Anh Tuấn cho biết, thời gian qua đã có tình trạng hàng hóa NK bị chậm giải phóng hàng ra khỏi cảng, hàng hóa xuất khẩu bị lỡ tàu, phát sinh chi phí lưu kho bãi, nguyên nhân một phần là do thủ tục tại khâu giám sát chậm. Điều này sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, đặc biệt là các DN gia công, sản xuất xuất khẩu dệt may, da giày, DN chế xuất. Cùng với đó là phát sinh tình trạng công chức giám sát lợi dụng các quy định về giám sát gây nhũng nhiễu cho DN.

Chỉ ra nguyên nhân của thực trạng này, theo ông Tuấn, trong thời gian đầu triển khai VNACCS/VCIS hệ thống còn chậm, chưa ổn định đã xảy ra tình trạng không tìm thấy tờ khai trên hệ thống do người khai không khai hoặc khai sai điểm đích, hoặc dữ liệu chưa chuyển từ Hệ thống VNACCS sang E- customs hoặc chuyển thiếu. Cùng với đó việc khai báo của DN còn nhiều sai sót, đặc biệt là việc khai sai các tiêu chí liên quan đến điểm đích vận chuyển bảo thuế (xuất khẩu) hoặc địa điểm lưu kho dự kiến chờ thông quan hoặc các tiêu chí không được sửa theo quy định tại Thông tư 22/2014/TT-BTC.

Tuy nhiên, sự chồng chéo trong các khâu giám sát tại cửa khẩu cảng cũng là nguyên nhân dẫn tới tồn đọng các tờ khai, chậm thông quan hàng hóa tại cảng, cụ thể là sự trùng lặp trong kiểm tra hồ sơ, xuất trình hàng hóa để kiểm tra. Hiện nay, công chức văn phòng giám sát đối chiếu hết các thông tin trên tờ khai (kể cả phần hàng hóa) để kiểm tra về chính sách mặt hàng, về mã, giá… nếu thông tin không đúng sẽ yêu cầu DN hủy, sửa hoặc yêu cầu quay lại nơi đăng ký làm mất khá nhiều thời gian của DN. Có cả tình trạng yêu cầu người khai xuất trình hàng hóa cho giám sát cơ động để kiểm tra, trong khi Thông tư 22/2014/TT-BTC và Quy trình 988 không quy định quy trình thủ tục này. Bên cạnh đó, bộ phận giám sát cổng cảng cũng thực hiện các thao tác như văn phòng Đội giám sát, gây trùng lắp, kéo dài thời gian…

Không để tắc hàng tại cửa khẩu

Trước thực tế đó, tại cuộc họp với một số đơn vị Hải quan, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Vũ Ngọc Anh đã chỉ đạo toàn bộ quy trình nghiệp vụ hải quan đã và đang được cải tiến theo hướng hiện đại hóa, rút ngắn thời gian thông quan cho DN, chính vì vậy việc thực hiện quy trình giám sát hải quan tại cửa khẩu cảng biển không thể gây ách tắc hàng hóa cho DN. Phó Tổng cục trưởng Vũ Ngọc Anh cũng đặt vấn đề liệu việc giám sát bằng con người có phù hợp với thực tế hiện nay không.

Đi sâu vào vấn đề cụ thể, ông Tuấn đề nghị các đơn vị cho ý kiến vào chức năng, nhiệm vụ của lực lượng giám sát, việc áp dụng quản lý rủi ro trong công tác giám sát, cũng như cách xử lý khi hệ thống gặp sự cố… Theo đại diện Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh hiện nay tại một số chi cục Hải quan đang phối hợp với các công ty kinh doanh cảng thực hiện việc giám sát hàng hóa một cách hiệu quả. Chi cục Hải quan cảng Sài Gòn khu vực 1 cho biết, đã ký Quy chế phối hợp với Tổng công ty Tân Cảng và được Tổng cục xét duyệt xây dựng phần mềm quản lý container ra vào cổng.

Giới thiệu cụ thể hơn về phần mềm này, đại diện Chi cục Hải quan cảng Sài Gòn khu vực 1 chương trình quản lý container rất chặt chẽ, bất kỳ container nào khi nhập từ phương tiện vận tải đưa lên hạ bãi, hệ thống sẽ ghi nhận ngày giờ, số container, hạ bãi ở vị trí nào. Ví dụ số container hoàn thành các thủ tục hải quan, nếu luồng Đỏ phải chuyển sang khu vực bãi kiểm hoá tập trung, chương trình cũng ghi nhận đầy đủ thông tin. Tất cả container khi đã hoàn thành thủ tục hải quan, DN sẽ đến làm việc với trung tâm điều động cảng và thực hiện các nghĩa vụ lệ phí với cơ quan cảng và được cảng cấp phiếu xuất – nhập bãi, trên phiếu có mã vạch. DN xuất trình phiếu xuất – nhập bãi và tờ khai hải quan đã hoàn thành thủ tục hải quan tại văn phòng giám sát cổng, văn phòng giám sát cổng dùng thiết bị đọc mã vạch, mã vạch phiếu sẽ thể hiện list container.

Hiện nay, hàng ngày giữa văn phòng giám sát cổng và bộ phận thương vụ của cảng sẽ có sự trao đổi ký hiệu chữ ký, đóng dấu… sau khi văn phòng giám sát kiểm tra đối chiếu hợp hệ sẽ nhập số container vào chương trình, hệ thống sẽ phát hiện ra số container nào đã hoàn thành thủ tục và được ra khỏi cảng, đồng thời kết quả đó được truyền ra bộ phân thương vụ cổng kiểm tra  sau đó thu lại phiếu xuất- nhập bãi có xác nhận của cơ quan Hải quan và phát phiếu cho người làm thủ tục hải quan xuất trình cho bảo vệ cảng, bảo vệ đối chiếu phiếu với số container và cho container ra khỏi cảng. Khi thương vụ xác nhận đầy đủ ngày giờ container ra khỏi cổng thì đồng thời trong văn phòng giám sát đã có, bộ phận công chức sẽ nhập kết quả vào hệ thống e-customs.

Quy trình giám sát hải quan trên đã nhận được sự đồng tình của nhiều đơn vị Hải quan địa phương, giúp giảm số lượng cán bộ công chức Hải quan, đơn giản các khâu thủ tục cho DN. Tuy nhiên, các ý kiến cho rằng, tùy đặc thù của một địa bàn các đơn vị sẽ quy định cụ thể vị trí làm việc của bộ phận giám sát cũng như quy trình giám sát, đảm bảo hàng hóa đã được thông quan mới được qua cảng. Về phía Cục Hải quan Hải Phòng, đại diện đơn vị này cho biết, do đặc thù địa bàn có nhiều DN kinh doanh cảng với quy mô khác nhau nên cần nghiên cứu tiếp thực tế tại địa bàn để đưa ra cách quản lý phù hợp nhất và giảm các khâu giám sát hải quan.

Với những ý kiến của các đơn vị Hải quan, Phó Tổng cục trưởng Vũ Ngọc Anh yêu cầu quy trình giám sát hải quan phải xác định rõ nhiệm vụ của đơn vị giám sát để Hải quan địa phương tùy theo điệu kiện cụ thể để bố trí cán bộ phù hợp. Việc xây dựng quy trình phải đảm bảo nguyên tắc không để người nhận hàng tiếp xúc quá nhiều với cơ quan Hải quan. Phó Tổng cục trưởng đề nghị các đơn vị Hải quan tiếp tục cho ý kiến sớm vào dự thảo Quy trình để Cục Giám sát quản lý về hải quan hoàn thiện trình Bộ Tài chính.