Sửa Điều 170 của Luật Doanh nghiệp là có lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội nước ta

Theo Đại Biểu Nhân dân

Thảo luận tại tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 170 của Luật Doanh nghiệp, nhất trí với sự cần thiết phải sửa đổi điều luật này, nhiều đại biểu quốc hội (ĐBQH) cho rằng, sửa Điều 170 để bảo đảm tính tôn nghiêm của pháp luật. Hơn thế trong điều kiện chúng ta đang có yêu cầu thu hút đầu tư nước ngoài thì việc sửa đổi Điều 170 là có lợi cho sự phát triển kinh tế – xã hội đất nước.

Sửa Điều 170 của Luật Doanh nghiệp là có lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội nước ta
Sửa đổi Điều 170 là có lợi cho sự phát triển kinh tế – xã hội đất nước. Nguồn: Internet

ĐBQH Đào Trọng Thi (Hà Nội): Sửa đổi Điều 170 của Luật Doanh nghiệp là có lợi cho kinh tế - xã hội nước ta
 
Luật Doanh nghiệp khi ban hành đã áp dụng cho cả doanh nghiệp ngoài nhà nước, doanh nghiệp quốc doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Ở đây 3 thành phần này có vấn đề khác nhau. Đối với doanh nghiệp nhà nước, đến hạn định năm 2007 là coi như Luật chấm dứt hiệu lực, bắt buộc phải chuyển sang thực hiện Luật Doanh nghiệp để bảo đảm sự công bằng giữa doanh nghiệp trong nước và ngoài nước. Thế nhưng, đối với những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì hơi khác một chút. Chúng ta quy định doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được lựa chọn hai khả năng. Khả năng thứ nhất là trong hạn định 2 năm thì doanh nghiệp chuyển sang đăng ký hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Khả năng thứ hai là doanh nghiệp vẫn được tiếp tục thực hiện theo Luật Đầu tư nước ngoài cho đến khi hết hạn đã đăng ký.

Lần sửa đổi này không gọi là gia hạn mà là bỏ quy định thời hạn. Trước kia chúng ta ấn định một thời hạn không hợp lý thì bây giờ chúng ta đặt vấn đề bỏ quy định gia hạn. Tôi cho rằng, quy định như thế nào phải căn cứ vào quyền lợi, lợi ích của Việt Nam. Không phải chúng ta sửa điều luật này để giải quyết quyền lợi của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Còn đương nhiên quyền lợi của doanh nghiệp tương đồng quyền lợi của chúng ta thì hai bên cùng có lợi. Nhưng nếu lấy căn cứ thì phải căn cứ vào quyền lợi của Việt Nam để quyết định vấn đề này. Trong quá trình thảo luận ở UBTVQH, các ý kiến đều ủng hộ và cho rằng, việc sửa đổi Điều 170 của Luật Doanh nghiệp là có lợi cho kinh tế - xã hội của Việt Nam trong điều kiện chúng ta đang có yêu cầu thu hút đầu tư nước ngoài.

ĐBQH Đặng Ngọc Quỳnh (Hưng Yên): Sửa Luật để khuyến khích các thành phần kinh tế đóng góp cho sự phát triển của nền kinh tế

Việc sửa đổi Điều 170 của Luật Doanh nghiệp là cần thiết. Trong thời gian qua, những quy định của Luật hiện hành chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, do giữa Luật Doanh nghiệp và luật có liên quan khác chưa có sự ăn khớp và đồng bộ. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vừa chịu sự điều chỉnh của Luật Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, đồng thời là đối tượng điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp. Giữa hai luật này có những chính sách khác nhau, do vậy cần có sự điều chỉnh.

Sửa đổi Khoản 2, Điều 170 của Luật Doanh nghiệp chính là tạo điều kiện thuận lợi để khuyến khích các thành phần kinh tế có vai trò đóng góp cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Là người hoạch định chính sách, chúng ta cần đưa ra những chính sách, quy định pháp luật trọn vẹn để các đối tác nước ngoài dễ thực hiện. Song song với việc đó, chúng ta cũng cần phòng ngừa và ngăn chặn những nhà đầu tư nước ngoài lợi dụng chính sách ưu đãi đầu tư để vào nước ta, đưa ra những chiêu bài, có ý định chụp giật hay lừa đảo...

ĐBQH Trần Xuân Vinh (Quảng Nam): Sửa để bảo đảm tính tôn nghiêm của pháp luật

Tôi nghiêng về phương án phải sửa Điều 170 Luật Doanh nghiệp. Trong điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay mà có khoảng 3.000 doanh nghiệp với gần 500.000 lao động chưa đăng ký lại. Nếu không sửa luật thì một loạt doanh nghiệp, lao động sẽ như thế nào, kể cả những hợp đồng đã ký kết sẽ như thế nào? Sẽ gây hệ lụy rất ghê gớm. Đề nghị Chính phủ cân nhắc sửa đổi bảo đảm sự phù hợp, hài hòa. Đồng thời, phải sửa điều luật này để bảo đảm tính tôn nghiêm của pháp luật.

Sau khi dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 170 của Luật Doanh nghiệp có hiệu lực thi hành, tôi đề nghị phải có văn bản hướng dẫn cụ thể, trong đó nêu rõ biện pháp, chế tài xử lý đối với những doanh nghiệp trễ hoặc không chịu đăng ký lại. Điều này vừa bảo đảm pháp luật được thực thi, tuân thủ vừa bảo đảm công bằng giữa các doanh nghiệp. Trên cơ sở thực thi pháp luật, các bộ, ngành có liên quan cần tham mưu cho Chính phủ giải trình nguyên nhân cụ thể và lý do tại sao doanh nghiệp không đăng ký? Phải tìm cho ra nguyên nhân tại sao, từ đó, có chế tài, biện pháp xử lý, sau đó mới cho triển khai đăng ký lại để tiếp tục hoạt động hoặc mở rộng ngành nghề kinh doanh.

Ngoài ra, trong lần sửa đổi này, tôi đề nghị cần có điều khoản về chế tài hồi tố hay không hồi tố. Trong khoảng thời gian doanh nghiệp hết thời hạn hoạt động ghi trong Giấy phép đầu tư nhưng vẫn sản xuất kinh doanh, vẫn nộp thuế, vẫn xuất nhập khẩu được? Trách nhiệm của các bộ, ngành có liên quan như thế nào? Nguyên nhân là vì sao? Tôi đề nghị Chính phủ phải có giải trình cho rõ về vấn đề này.

Về nội dung sửa đổi Khoản 2, Điều 170 của Luật Doanh nghiệp, đa số thành viên Ủy ban Kinh tế tán thành nội dung sửa đổi Khoản 2, Điều 170 của dự án Luật được Chính phủ trình Quốc hội.

Tuy nhiên, một số ý kiến khác đề nghị cần quy định rõ trường hợp ưu đãi đầu tư doanh nghiệp đang được hưởng cao hơn so với việc áp dụng theo quy định của pháp luật tại thời điểm điều chỉnh, doanh nghiệp tiếp tục được hưởng ưu đãi đầu tư đó đến hết hiệu lực của Giấy phép đầu tư. Ngược lại, có ý kiến cho rằng, tại Khoản 2 Điều 11 Luật Đầu tư đã có quy định này, do vậy không nên quy định lại trong Luật sửa đổi Điều 170 của Luật Doanh nghiệp.

Trường hợp doanh nghiệp đã hết thời hạn hoạt động ghi trong Giấy phép đầu tư nhưng thực tế vẫn hoạt động, vẫn thực hiện các giao dịch, ký kết các hợp đồng thì cần bổ sung quy định về hiệu lực hồi tố để tránh các hệ quả pháp lý phát sinh. Tuy nhiên, một số ý kiến tán thành với Tờ trình của Chính phủ và đề nghị không bổ sung quy định về hiệu lực hồi tố đối với những trường hợp này.

Đề nghị cần rà soát cụ thể và chỉ cho phép doanh nghiệp đăng ký lại hoặc mở rộng ngành nghề nếu hoạt động đầu tư không vi phạm pháp luật (về bảo vệ môi trường, về thực hiện nghĩa vụ thuế...), phù hợp với quy hoạch, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của Nhà nước Việt Nam. Trong trường hợp này Chính phủ cần quy định cụ thể.

Nguồn: Trích Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 170 của Luật Doanh nghiệp