Qua 4 năm thực hiện, Luật Thuế TNDN đã cơ bản đạt được mục tiêu đề ra, đó là: (i) Tiếp tục tạo môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh thuận lợi, đảm bảo công bằng, bình đẳng trong cạnh tranh; thực hiện giảm mức thuế chung để DN có thêm nguồn lực tài chính, nâng cao năng lực cạnh tranh; (ii) Góp phần tạo sự chuyển biến trong phân bổ nguồn lực, khuyến khích và thu hút đầu tư có chọn lọc để phát triển các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; (iii) Góp phần đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước (NSNN); (iv) Chính sách ngày càng công khai, minh bạch, đơn giản, đồng bộ với hệ thống pháp luật có liên quan và phù hợp với thực tiễn; (v) Bảo đảm phù hợp với thông lệ và các cam kết quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia.

Trong giai đoạn từ năm 2009 - 2012, nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, để hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh, Bộ Tài chính đã đề xuất các giải pháp trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các giải pháp miễn, giảm, giãn một số khoản thuế đối với DN, cá nhân như thuế TNDN, thuế thu nhập cá nhân (TNCN), thuế giá trị gia tăng (GTGT), tiền thuê đất, tiền sử dụng đất và phí, lệ phí...

Các giải pháp về thuế, phí hỗ trợ DN vượt qua khó khăn thể hiện sự quan tâm, chia sẻ của Nhà nước để đồng hành với DN, giúp DN giảm bớt gánh nặng về vốn, về chi phí để tiếp tục duy trì và phát triển sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người lao động, khích lệ tinh thần và tạo niềm tin cho DN an tâm sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh các kết quả đã đạt được qua 4 năm thực hiện, do sự biến động nhanh của nền kinh tế nên một số quy định trong Luật Thuế TNDN hiện hành đã bộc lộ tồn tại, hạn chế không theo kịp sự vận động của thực tiễn... Do đó, cần phải sửa đổi, bổ sung Luật Thuế TNDN.

Quan điểm, mục tiêu sửa đổi, bổ sung Luật Thuế TNDN

- Tiếp tục tạo môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi, bảo đảm công bằng, bình đẳng trong cạnh tranh; giảm mức thuế suất chung để DN có thêm nguồn lực tài chính, tăng tích luỹ, tích tụ đổi mới thiết bị, đẩy mạnh đầu tư phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh; Tiếp tục cải cách ưu đãi thuế nhằm tạo sự chuyển biến trong phân bổ nguồn lực, khuyến khích và thu hút đầu tư có chọn lọc để phát triển các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và một số ít ngành, lĩnh vực quan trọng theo chính sách phát triển của Nhà nước;  

- Đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật và có tính ổn định. Việc sửa đổi sẽ tác động giảm thu NSNN trong vài năm đầu nhưng phải đảm bảo ổn định và tăng trưởng nguồn thu NSNN trong trung và dài hạn;

- Đảm bảo đơn giản, minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện, tạo thuận lợi cho người nộp thuế và góp phần thúc đẩy cải cách hành chính và hiện đại hoá công tác quản lý thuế;

- Góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh so với các nước trong khu vực, các nước có điều kiện tương đồng với Việt Nam, phù hợp với xu thế cải cách thuế và thông lệ quốc tế.

Các nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Thuế TNDN

1. Về thu nhập được miễn thuế

Để phù hợp với thực tiễn, đồng bộ với quy định của các pháp luật liên quan, khuyến khích DN bỏ vốn vào lĩnh vực cần khuyến khích đầu tư, Dự thảo Luật bổ sung vào diện thu nhập miễn thuế đối với một số khoản thu nhập sau:

(i) Thu nhập từ chuyển nhượng chứng chỉ giảm phát thải (CERs) của DN được cấp chứng chỉ. Việc bổ sung quy định này nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, phù hợp với xu thế tiến bộ của thế giới và khuyến khích DN bỏ vốn đầu tư sử dụng công nghệ cao, công nghệ sản xuất sạch, công nghệ mới thân thiện với môi trường (dự án CDM).

(ii) Thu nhập từ hoạt động tín dụng đầu tư phát triển, tín dụng xuất khẩu của Nhà nước của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, thu nhập từ hoạt động tín dụng cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác của Ngân hàng Chính sách Xã hội. Việc bổ sung quy định này để đảm bảo chính sách minh bạch, rõ ràng, tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật và cơ sở pháp lý trong thực hiện.

(iii) Phần thu nhập không chia dùng để đầu tư phát triển cơ sở giáo dục đại học tư thục theo quy định của Luật Giáo dục đại học.

2. Về khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN

Để phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế, tại khoản 5 Điều 1 Dự thảo Luật có quy định: (i) Nới rộng tỷ lệ khống chế chi phí quảng cáo, khuyến mại từ 10% lên 15%. Đồng thời, loại bỏ một số khoản chi không mang tính chất quảng cáo, khuyến mại như chiết khấu thanh toán, chi báo biếu, báo tặng của cơ quan báo chí ra khỏi diện chi phí khống chế để phản ánh đúng bản chất của khoản chi; (ii) Bổ sung vào diện chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế đối với khoản tài trợ theo chương trình của Nhà nước đối với các địa phương thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; (iii) Bổ sung quy định về khống chế chi phí lãi tiền vay không được trừ vào chi phí đối với khoản vay vượt quá nhiều lần vốn chủ sở hữu (tỷ lệ 4:1 đối với DN sản xuất kinh doanh, tỷ lệ 10:1 đối với các tổ chức tín dụng, ngân hàng) và lộ trình thực hiện từ năm 2016; (iv) Bổ sung quy định cho phép DN được tính vào chi phí được trừ đối với khoản chi đóng góp Quỹ hưu trí tự nguyện hoặc quỹ mang tính an sinh xã hội; (v) Để đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi và chủ động cho DN, Dự thảo Luật đã bỏ quy định DN phải thông báo cho cơ quan thuế về các định mức tiêu hao nguyên vật liệu, nhiên liệu, năng lượng do DN tự xây dựng để xác định chi phí hợp lý.

Ngoài ra, Dự thảo Luật bổ sung quy định về điều kiện khoản chi được trừ phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với những hoá đơn mua hàng hoá, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên. Đồng thời, có quy định loại trừ các trường hợp không bắt buộc phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt để đảm bảo tính khả thi, phù hợp với thực tiễn do hạ tầng công nghệ và mạng lưới ngân hàng còn chưa thật đồng đều giữa các vùng miền.

3. Về thuế suất

Dự án Luật điều chỉnh giảm mức thuế suất phổ thông từ 25% xuống 23%; điều chỉnh giảm mức thuế suất từ 25% xuống còn 20% áp dụng đối với DN quy mô nhỏ và vừa (sử dụng dưới 200 lao động và có tổng doanh thu không quá 20 tỷ đồng/năm).

Việc giảm thuế suất này là một bước thực hiện Chiến lược cải cách thuế đến năm 2020. DN có quy mô nhỏ và vừa là nhóm đối tượng chiếm số lượng lớn, cũng là loại hình DN thu hút phần lớn lực lượng lao động, tạo việc làm cho xã hội cũng như là cơ sở hình thành, phát triển thành DN lớn trong tương lai. Đây là cơ sở để xem xét việc điều chỉnh thuế suất xuống mức 20% đối với nhóm đối tượng này.

Kết quả 4 năm thực hiện Luật Thuế TNDN và so sánh với các nước cho thấy, mức thuế suất phổ thông 25% là phù hợp với thực tế thời gian qua và là mức trung bình so với các nước trong khu vực. Điều này thể hiện ở khía cạnh số lượng DN đã đăng ký thuế và đang hoạt động hàng năm đều tăng so với năm trước và vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào Việt Nam tăng trong thời gian qua. So với các nước trong khu vực và thế giới thì mức thuế suất phổ thông giảm xuống còn 23% (riêng DN có quy mô nhỏ và vừa chỉ còn 20%) là mức tương đối thấp, đảm bảo tính cạnh tranh, hấp dẫn thu hút đầu tư.

4. Về ưu đãi thuế

Bên cạnh việc điều chỉnh giảm mức thuế suất phổ thông, dự thảo Luật đã bổ sung thêm lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn ưu đãi (ngoài các lĩnh vực, địa bàn ưu đãi theo Luật Thuế TNDN hiện hành), cụ thể:

Thứ nhất, bổ sung vào diện áp dụng thuế suất 10% trong 15 năm, miễn thuế trong 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo đối với: DN thành lập mới từ dự án đầu tư sản xuất vật liệu mới, năng lượng mới không sử dụng nhiên liệu hóa thạch, phát triển công nghệ sinh học, bảo vệ môi trường; DN công nghệ cao, DN nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; DN thành lập mới từ dự án đầu tư hoặc DN có dự án đầu tư mới có quy mô đầu tư và phạm vi tác động rộng lớn đến kinh tế - xã hội, đáp ứng điều kiện theo quy định của Chính phủ.

Thứ hai, bổ sung vào diện áp dụng thuế suất 10% đối với: Thu nhập từ thực hiện dự án nghiên cứu phát triển, dự án ứng dụng công nghệ cao, dự án ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo DN công nghệ cao; Thu nhập từ thực hiện dự án đầu tư - kinh doanh nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua; Thu nhập từ hoạt động báo in (kể cả quảng cáo trên báo) của cơ quan báo chí; Thu nhập từ hoạt động xuất bản của cơ quan xuất bản theo quy định của Luật Xuất bản; Thu nhập của DN từ thực hiện các dự án: trồng, chăm sóc rừng; nuôi trồng nông, lâm, thủy sản trên đất hoang hóa hoặc vùng nước chưa được khai thác; sản xuất giống cây trồng, giống vật nuôi; sản xuất, khai thác và tinh chế muối; đánh bắt hải sản ở vùng biển xa bờ.

Thứ ba, bổ sung vào diện áp dụng thuế suất 20% đối với: Tổ chức tài chính vi mô; Thu nhập của DN từ thực hiện các dự án: trồng cây dược liệu, sản xuất, tinh chế thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản; dịch vụ kỹ thuật trồng cây công nghiệp và cây lâm nghiệp, bảo vệ cây trồng và vật nuôi, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; đầu tư bảo quản nông sản sau thu hoạch, bảo quản nông, thủy sản và thực phẩm; phát triển ngành nghề truyền thống.

Thứ tư, bổ sung địa bàn ưu đãi thuế (miễn 2, giảm 4) đối với khu công nghiệp, trừ khu công nghiệp thuộc các thành phố trực thuộc Trung ương.

Việc bổ sung quy định ưu đãi thuế đối với các lĩnh vực như nêu trên sẽ đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; việc bổ sung ưu đãi thuế đối với lĩnh vực nông nghiệp sẽ khuyến khích DN đầu tư, phát triển các lĩnh vực này, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần phát triển kinh tế, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa thành thị với nông thôn, miền núi; việc bổ sung vào diện ưu đãi thuế ở mức cao đối với các lĩnh vực bảo vệ môi trường, sản xuất vật liệu mới, năng lượng mới không sử dụng nhiên liệu hóa thạch, phát triển công nghệ sinh học, sản xuất năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, sản xuất năng lượng từ việc tiêu hủy chất thải, tiết kiệm năng lượng... để hướng tới phát triển kinh tế bền vững, giảm thiểu ô nhiễm môi trường...

5. Những nội dung sửa đổi, bổ sung khác

Dự thảo Luật Thuế TNDN đã sửa đổi, bổ sung khái niệm “cơ sở thường trú” để phù hợp với các cam kết quốc tế, không làm ảnh hưởng đến quyền đánh thuế của Việt Nam; bổ sung vào thu nhập chịu thuế một số khoản thu nhập mới phát sinh cho phù hợp với thực tiễn; bổ sung quy định về xác định thu nhập tính thuế và chuyển lỗ đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản và một số khoản thu nhập có tính chất tương tự (như: thu nhập từ chuyển nhượng dự án; chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản; chuyển nhượng quyền góp vốn, quyền tham gia dự án), theo đó quy định thu nhập từ các hoạt động này DN phải xác định riêng để kê khai nộp thuế, được bù trừ lãi, lỗ của các hoạt động này với nhau; trường hợp sau khi bù trừ mà vẫn còn lỗ thì số lỗ này DN được bù trừ với lãi của hoạt động sản xuất kinh doanh trong kỳ tính thuế. Quy định này vừa phản ánh đúng bản chất kinh tế của các khoản thu và hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, đồng thời cũng cho phép khắc phục được bất cập khi thị trường bất động sản đi xuống.

Với các nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung như nêu trên, khi Luật Thuế TNDN được thông qua sẽ tạo thuận lợi cho DN có điều kiện tăng tích tụ, tích luỹ, tái đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, đồng thời thu hút và khuyến khích đầu tư mới, đầu tư mở rộng, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế.

Theo tính toán, việc điều chỉnh giảm thuế suất và ưu đãi mở rộng dự kiến làm giảm thu ngân sách năm 2014 khoảng trên 16.000 tỷ đồng; trong đó, giảm 12.064 tỷ đồng do điều chỉnh giảm thuế suất phổ thông từ 25% xuống 23% và giảm trên 2.000 tỷ đồng do tiếp tục giảm thuế suất từ 23% xuống 20% đối với DN có quy mô nhỏ và vừa, giảm thu ngân sách năm 2014 là 2.081 tỷ đồng do bổ sung ưu đãi đối với đầu tư mở rộng.

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số 4 - 2013

Sửa đổi, bổ sung luật thuế thu nhập doanh nghiệp: Hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp

PV.

(Tài chính) Nhằm tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tăng thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, Chính phủ đã có Tờ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN). Điểm nhấn đáng chú ý của Dự thảo là đề xuất giảm mức thuế chung để doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính, tăng tích lũy, tích tụ đổi mới thiết bị, đẩy mạnh đầu tư phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh, đồng thời nuôi dưỡng thêm nguồn thu...

Xem thêm

Video nổi bật