Sửa đổi các quy định pháp luật về thuế đáp ứng yêu cầu cải cách, hội nhập

ThS. NGUYỄN VĂN PHỤNG - Vụ trưởng Quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế

Tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội Khoá XIII đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế Giá trị gia tăng, Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế. Việc sửa đổi các quy định pháp luật về thuế được đánh giá là tiếp tục tạo bước tiến mới trong cải cách, đáp ứng yêu cầu đổi mới, hội nhập. Bài viết phân tích những nội dung mới được sửa đổi tại các Luật trên.

Việc sửa đổi các quy định pháp luật về thuế được đánh giá là tiếp tục tạo bước tiến mới trong cải cách.
Việc sửa đổi các quy định pháp luật về thuế được đánh giá là tiếp tục tạo bước tiến mới trong cải cách.

Sửa đổi, bổ sung Luật thuế Giá trị gia tăng

Có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016, Luật sửa đổi, bổ sung thuế Giá trị gia tăng (GTGT) đã thể hiện thông điệp chính sách đổi mới, cải cách phù hợp với yêu cầu thực tiễn và hội nhập. Cụ thể các nội dung sửa đổi:

Thứ nhất, thực hiện nguyên tắc, đối xử bình đẳng giữa hàng hoá nhập khẩu và hàng hoá sản xuất trong nước, tạo thuận lợi cho quá trình luân chuyển những mặt hàng này trong các khâu kinh doanh tiếp theo trên thị trường nội địa, quy định tại Khoản 1, Điều 5 Luật thuế GTGT nay được sửa đổi theo hướng: Sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường của tổ chức, cá nhân tự sản xuất, đánh bắt bán ra và các mặt hàng này ở khâu nhập khẩu thì thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT. Tại khâu kinh doanh tiếp theo, các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã có mua sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường để bán cho DN, hợp tác xã khác thì không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT nhưng được khấu trừ GTGT đầu vào.

Với quy định mới này, các DN, hợp tác xã kinh doanh hàng nông sản trong thị trường nội địa sẽ vừa tiết kiệm được chi phí tài chính do không phải bỏ tiền nộp thuế trước đối với hàng nông sản, vừa được khấu trừ thuế đầu vào các chi phí lưu thông bảo đảm, góp phần làm tăng giá trị của hàng hoá nông sản.

Thứ hai, mở rộng diện và quy định rõ hơn nội dung tại Khoản 9, Điều 5 Luật thuế GTGT, theo đó không áp thuế GTGT đối với các hoạt động dịch vụ mang tính bảo trợ, an sinh xã hội, như: y tế, thú y, khám bệnh, chữa bệnh, phòng bệnh cho người và vật nuôi; dịch vụ chăm sóc người cao tuổi, người khuyết tật.

Thứ ba, quy định cụ thể, rõ ràng tiêu chí trong phân loại tài nguyên nhằm thể hiện rõ hơn nguyên tắc không khuyến khích xuất khẩu tài nguyên dạng thô, khoáng sản chưa qua chế biến, hoặc có giá trị chế biến thấp. Luật quy định: không áp dụng thuế suất 0% và không thực hiện khấu trừ thuế đầu vào đối với: “Sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên, khoáng sản khai thác chưa chế biến thành sản phẩm khác; sản phẩm xuất khẩu là hàng hóa được chế biến từ tài nguyên, khoáng sản có tổng trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên.”. Nội dung này được quy định tại Khoản 23, Điều 5 và Khoản 1 Điều 8 Luật thuế GTGT. Cũng tại Điều này quy định, các trường hợp xuất khẩu ra nước ngoài nhưng không được áp dụng thuế suất 0% gồm: Chuyển giao công nghệ, chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ ra nước ngoài; dịch vụ tái bảo hiểm ra nước ngoài; dịch vụ cấp tín dụng, chuyển nhượng vốn ra nước ngoài, dịch vụ tài chính phái sinh; dịch vụ bưu chính, viễn thông chiều đi ra nước ngoài; sản phẩm xuất khẩu tài nguyên khoáng sản nêu trên.

Không thực hiện hoàn thuế GTGT đối với sản xuất kinh doanh khâu nội địa nhằm thúc đẩy doanh nghiệp tăng cường biện pháp quản lý, giảm bớt hàng tồn kho, đẩy nhanh tốc độ lưu chuyển hàng hoá. Đồng thời, xoá bỏ tình trạng khó khăn lâu nay là: trong một doanh nghiệp có tháng thì được hoàn thuế, nhưng có tháng phải nộp thuế; nhiều khi số thuế đề nghị hoàn đang bị khoanh lại nhưng doanh nghiệp phải bỏ tiền nộp thuế ngay.

Thứ tư, về hoàn thuế GTGT tại Điều 13 Luật thuế GTGT có 03 nội dung mới được sửa đổi, bổ sung như sau:

- Cơ sở kinh doanh nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thuế nếu có số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết trong tháng hoặc trong quý thì được khấu trừ vào kỳ tiếp theo (thay cho quy định hiện nay là được hoàn thuế nếu DN có số thuế GTGT đầu vào luỹ kế 12 tháng chưa được khấu trừ hết).

- Trường hợp cơ sở kinh doanh có dự án đầu tư mới, có số thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ mua vào đang sử dụng cho đầu tư mà chưa được khấu trừ và có số thuế còn lại từ 300 triệu đồng trở lên thì được hoàn thuế GTGT. Tuy nhiên, sẽ không được hoàn số thuế GTGT chưa được khấu trừ của dự án đầu tư mà chuyển sang kỳ tiếp theo để khấu trừ đối với các trường hợp: Dự án đầu tư của DN không góp đủ số vốn điều lệ như đã đăng ký; kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện khi chưa đủ các điều kiện kinh doanh theo quy định của Luật Đầu tư hoặc không bảo đảm duy trì đủ điều kiện kinh doanh trong quá trình hoạt động; Dự án đầu tư khai thác tài nguyên, khoáng sản được cấp phép từ ngày 01/7/2016 hoặc dự án đầu tư sản xuất sản phẩm hàng hóa mà tổng giá trị tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên.

- Cơ sở kinh doanh trong tháng, quý có hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu nếu có số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ từ 300 triệu đồng trở lên thì được hoàn thuế theo tháng, quý. Tuy nhiên, việc hoàn thuế sẽ không áp dụng trong trường hợp hàng hóa nhập khẩu để xuất khẩu, hàng hóa xuất khẩu mà không thực hiện việc xuất khẩu tại địa bàn hoạt động hải quan theo quy định của Luật Hải quan. Bên cạnh đó, Luật có quy định mới tạo thuận lợi và nhiều ưu đãi cho DN chấp hành tốt pháp luật về thuế và hải quan, đó là áp dụng chế độ hoàn thuế trước, kiểm tra sau đối với người nộp thuế là DN sản xuất hàng hóa xuất khẩu mà trong 2 năm liên tục không vi phạm pháp luật về thuế, hải quan và người nộp thuế không thuộc đối tượng rủi ro cao theo quy định của Luật Quản lý thuế.

Việc sửa đổi quy định về hoàn thuế cũng sẽ góp phần ngăn chặn tình trạng trốn thuế, lợi dụng hoàn thuế đối với những doanh nghiệp lâu nay làm ăn bất chính do tận dụng quy định được khấu trừ toàn bộ thuế đầu vào trong khi họ bán hàng không xuất hoá đơn đầu ra. Với quy định mới mà DN vẫn làm như trước thì tự chịu lấy toàn bộ số thuế đầu vào không được khấu trừ, NSNN cũng sẽ giảm được rủi ro khâu hoàn thuế.

Sửa đổi, bổ sung Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt

Nhằm xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng, bảo vệ hàng hoá chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) được sản xuất trong nước, khắc phục “lỗ hổng chính sách”, đồng thời, định hướng tiêu dùng mặt hàng ô tô du lịch cá nhân dưới 24 chỗ ngồi, Luật quy định:

Một là, sửa quy định về giá tính thuế nhằm bảo đảm sự bình đẳng về giá tính thuế, cách tính thuế và mức thuế giữa hàng hoá sản xuất ở Việt Nam và hàng hoá nhập khẩu. Theo đó, giá tính thuế TTĐB đối với hàng hóa nhập khẩu trước đây tính thuế TTĐB trên giá CIF (giá nhập khẩu + thuế nhập khẩu) nhưng theo quy định mới tính thuế TTĐB trên mức giá do cơ sở nhập khẩu bán ra như đang áp dụng đối với hàng hóa sản xuất trong nước. Với quy định này, các DN trong nước được Chính phủ bảo đảm bình đẳng với DN nước ngoài bán hàng vào Việt Nam.

Hai là, nhằm ngăn ngừa việc né tránh thuế TTĐB của các DN sử dụng mô hình công ty mẹ/con, mô hình liên kết, đầu tư sở hữu chéo… vừa thực hiện hành vi chuyển giá để né thuế TTĐB tại khâu đầu, vừa dịch chuyển lãi sang các khâu sau thông qua việc quy định mức giá bán giữa các công ty trong nhóm, Luật mới quy định: “Trường hợp hàng hóa chịu thuế TTĐB được bán cho cơ sở kinh doanh thương mại là cơ sở có quan hệ công ty mẹ, công ty con; hoặc mua/bán giữa các công ty con trong cùng công ty mẹ với cơ sở nhập khẩu, cơ sở sản xuất; hoặc mua/bán giữa cơ sở kinh doanh thương mại mà có mối quan hệ liên kết với cơ sở sản xuất, cơ sở nhập khẩu thì giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt không được thấp hơn tỷ lệ % so với giá bình quân của các cơ sở kinh doanh thương mại mua trực tiếp của cơ sở sản xuất, nhập khẩu bán ra theo quy định của Chính phủ”. Căn cứ vào quy định này, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định hướng dẫn cụ thể về tỷ lệ % áp dụng phù hợp với đặc điểm của từng loại mặt hàng.

Ba là, sửa đổi quy định về biểu thuế, mức thuế TTĐB đối với mặt hàng ô tô du lịch dưới 24 chỗ ngồi như sau:

(i) Mức thuế suất TTĐB áp dụng đối với mặt hàng ô tô du lịch dưới 24 chỗ ngồi qua nguyên tắc phân biệt theo mức tiêu hao nhiên liệu với chỉ số dung tích xi lanh (cm3), theo số chỗ ngồi gắn với mục đích sử dụng xe và theo loại nhiêu liệu sử dụng có ảnh hưởng đến môi trường. Theo đó, loại xe dưới 10 chỗ ngồi áp dụng mức thuế suất 45% đối với loại xe có dung tích xi lanh từ 2.000 cm3 trở xuống; áp thuế suất 50% đối với xe có dung tích xi lanh từ 2.000 cm3 đến dưới 3.000 cm3; đối với loại xe có dung tích xi lanh từ 3.000 cm3 trở lên thì áp dụng thuế suất cao nhất là 60%. Đối với xe từ 10 đến dưới 16 chỗ ngồi áp dụng thuế suất 30%; 15% đối với xe từ 16 đến dưới 24 chỗ và xe được thiết kế vừa chở người vừa chở hàng. Đối với xe chở người chạy bằng xăng kết hợp năng lượng điện, năng lượng sinh học, trong đó tỷ trọng xăng sử dụng không quá 70% số năng lượng sử dụng thì áp dụng mức thuế suất bằng 0,7 mức thuế suất của loại xe chạy bằng xăng mà có cùng dung tích xi lanh tương ứng;

(ii) Luật thuế sửa đổi mới, tuy vẫn giữ nguyên tắc quy định mức thuế suất phân biệt theo loại xe với các tiêu chí nêu trên nhưng thực hiện phân loại chi tiết hơn mức tiêu hao nhiên liệu qua chỉ số dung tích xi lanh và có quy định cụ thể lộ trình áp dụng cho giai đoạn đến 2018. Loại xe có dung tích nhỏ hơn, tiêu hao năng lượng ít hơn sẽ áp mức thuế thấp hơn và giảm tiếp so với quy định hiện hành, do vậy những người thu nhập trung bình khá trở xuống có cơ hội sở hữu ô tô.

Đối với loại xe có dung tích xi lanh từ 2.000 cm3 trở lên, Luật quy định nhiều mức thuế cao hơn và tăng đến mức thuế cao nhất là 150%. Ví dụ, loại xe có dung tích xi lanh từ trên 2.500 cm3 đến 3.000 cm3 sẽ áp mức thuế suất 55% từ 01/7/2016 đến hết 31/12/2017, kể từ 01/01/2018 sẽ áp mức thuế 60%. Đối với xe có dung tích xi lanh từ trên 3.000 cm3 đến 4.000 cm3 áp dụng mức thuế suất 90% từ 01/7/2016. Tiếp theo, với mỗi 1.000 cm3 tăng thêm của dung tích xi lanh thì mức thuế suất tăng thêm 20% tương ứng; loại xe có dung tích xi lanh trên 6.000 cm3 được áp mức thuế suất 150%. Bên cạnh đó, Luật quy định áp mức thuế suất thấp đối với loại xe sử dụng năng lượng sinh học (chỉ bằng ½ mức thuế suất đối với xe chạy bằng xăng có cùng mức dung tích xi lanh).

Cùng với quy định bổ sung cụ thể các mức thuế suất, ứng với lộ trình hội nhập trong Biểu thuế, Luật sửa đổi bổ sung thêm diện áp thuế đối với các mặt hàng: ô tô chạy hoàn toàn bằng năng lượng sinh học được quy định tại các dòng thuế 4(e): Dòng thuế 4(g) quy định mức thuế ô tô chạy bằng điện; dòng thuế 4(h) áp thuế đối với xe mô tô hôm.

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế

Nhằm nâng cao tính khả thi của Luật, chia sẻ khó khăn với DN trong thực hiện nghĩa vụ thuế, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm mức động viên đối với người nộp thuế và giảm chi phí trong quản lý thuế…, việc sửa đổi Luật Quản lý thuế đã tập trung vào các điểm sau:

Một là, về miễn, giảm thuế. Cơ quan quản lý thuế sẽ thực hiện miễn thuế, giảm thuế đối với các trường hợp thuộc diện miễn thuế, giảm thuế được quy định tại các văn bản pháp luật về thuế và thực hiện miễn thuế đối với hộ gia đình, cá nhân có số thuế sử dụng đất phi nông nghiệp phải nộp hằng năm từ 50 nghìn đồng trở xuống. Tổng số thuế miễn, giảm theo quy định này hàng năm tuy không đáng kể, nhưng có ý nghĩa rất lớn vì đại bộ phận người dân nông thôn, người lao động nghèo ở đô thị sẽ được miễn thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và cơ quan thuế cũng giảm được chi phí về nhân lực quản lý để tập trung vào quản lý các nguồn thu khác có hiệu quả hơn.

Hai là, chưa thực hiện cưỡng chế thuế đối với người nộp thuế đã được cơ quan quản lý thuế cho phép nộp dần tiền nợ thuế (dãn nộp thuế) trong thời hạn không quá 12 tháng, kể từ ngày bắt đầu của thời hạn cưỡng chế thuế. Quy định này nhằm chia sẻ khó khăn cho những người nộp thuế có thái độ tuân thủ pháp luật nhưng gặp khó khăn về tài chính, cần có thời gian để thu xếp nguồn tiền để nộp dần số thuế nợ. Tuy nhiên, Luật vẫn quy định tính lãi suất trả chậm theo mức 0,03%/ngày trên số tiền thuế chậm nộp đang được cơ quan thuế cho giãn thời hạn nộp.

Ba là, giảm mức tiền chậm nộp thuế 0,05%/ngày (lãi suất tính trên số tiền thuế chậm nộp) xuống mức thấp hơn là 0,03%. Theo đó, nếu người nộp thuế chậm nộp tiền thuế so với thời hạn quy định và thời hạn gia hạn nộp thuế, thời hạn ghi trong thông báo của cơ quan quản lý thuế, thời hạn trong quyết định xử lý của cơ quan quản lý thuế thì ngoài việc phải nộp đủ tiền thuế, còn phải trả tiền chậm nộp theo mức bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp. Đối với các khoản nợ tiền thuế phát sinh trước ngày 01/7/2016 mà người nộp thuế chưa nộp, kể cả khoản tiền nợ thuế được truy thu qua kết quả thanh tra, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền thì cũng được chuyển sang áp dụng mức tính tiền chậm nộp theo tỷ lệ quy định tại khoản này từ ngày 01/7/2016.

Trường hợp người nộp thuế cung ứng hàng hoá, dịch vụ được thanh toán bằng nguồn vốn NSNN nhưng chưa được thanh toán nên không nộp kịp thời các khoản thuế dẫn đến nợ thuế thì không phải nộp tiền chậm nộp tính trên số tiền thuế còn nợ. Tuy nhiên, số tiền chậm nộp thuế mà DN được miễn trừ chỉ giới hạn trong phạm vi không vượt quá số tiền NSNN chưa thanh toán và phát sinh trong thời gian NSNN chưa thanh toán.