Tăng thuế xuất khẩu vàng trang sức doanh nghiệp không chịu nhiều tác động

Theo Nguyễn Vũ/thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 36 sửa đổi mức thuế xuất khẩu đối với các mặt hàng vàng trang sức, kỹ nghệ và các sản phẩm khác bằng vàng hàm lượng từ 95% trở lên.

Kể từ ngày 7/5, các mặt hàng trang sức,  kỹ nghệ và các sản phẩm khác bằng vàng hàm lượng từ 95% trở lên chịu thuế suất thuế xuất khẩu là 2%. Nguồn: internet
Kể từ ngày 7/5, các mặt hàng trang sức, kỹ nghệ và các sản phẩm khác bằng vàng hàm lượng từ 95% trở lên chịu thuế suất thuế xuất khẩu là 2%. Nguồn: internet

Theo đó, kể từ ngày 7/5, các mặt hàng trang sức nêu trên chịu thuế suất thuế xuất khẩu là 2%, thay vì 0% như hiện hành. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch Hiệp hội kinh doanh Vàng Việt Nam (VGTA) Nguyễn Thành Long về những tác động chính sách này đối với thị trường.

Thị trường vàng trang sức có bị tác động nhiều với thay đổi mức thuế suất không, thưa ông? Và vì sao Bộ Tài chính lại phải điều chỉnh thuế?

Theo tôi được biết, việc Bộ Tài chính đưa ra quy định tăng mức thuế suất thuế xuất khẩu từ 0% lên 2% đối với các mặt hàng vàng trang sức, kỹ nghệ và các sản phẩm khác bằng vàng, đã hoặc chưa mạ hoặc dát phủ kim loại quý, có hàm lượng vàng từ 95% trở lên nhằm ngăn chặn hiện tượng “trá hình” vàng trang sức để xuất khẩu nguyên liệu. Qua thực tế thời gian trước đây đã xảy ra tình trạng này nên cơ quan quản lý muốn siết lại bằng quy định thuế.

Trước đó, VGTA có đề xuất là loại vàng trang sức có hàm lượng từ 99% thì mới đánh thuế cao, nhưng với mức 95%, theo tôi nghĩ cũng không ảnh hưởng nhiều đến DN xuất khẩu vàng trang sức.

Bởi, thường vàng trang sức có hàm lượng 75% là phổ biến, hoặc đến 80%, đặc biệt lắm mới có loại vàng trang sức có hàm lượng 95 - 99%. Vì vậy, tôi nghĩ rằng, đối tượng chịu điều chỉnh của thay đổi chính sách thuế sẽ chỉ trong phạm vi hẹp.

Cũng theo Thông tư 36, một số mặt hàng kim hoàn bằng vàng có hàm lượng vàng dưới 95% vẫn được áp dụng thuế suất thuế xuất khẩu 0%. Tuy nhiên, với mức thuế suất 0% như hiện nay thì cũng chưa đủ khuyến khích xuất khẩu vàng trang sức.

Vì sao chưa đủ khuyến khích, thưa ông?

Sở dĩ giá thành vàng trang sức Việt Nam cao vì DN chưa được mua vàng nguyên liệu giá rẻ, chủ yếu mua vàng trôi nổi trên thị trường hoặc nữ trang cũ nấu lại… có giá khá cao so với vàng trên thị trường thế giới, nên các DN cũng khó xuất khẩu được. Muốn xuất khẩu vàng trang sức thì DN phải có nguồn vàng nguyên liệu ổn định để yên tâm sản xuất, cũng như giá thành cạnh tranh.

Tôi rất mừng khi NHNN đang có chủ trương với những giải pháp khơi thông, phát triển thị trường vàng trang sức một cách lành mạnh, vừa phục vụ tiêu dùng vừa thúc đẩy xuất khẩu. Hiệp hội cũng rất kỳ vọng, NHNN cho phép các DN vàng trang sức có uy tín nhập khẩu vàng nguyên liệu trực tiếp, hoặc NHNN nhập khẩu vàng nguyên liệu bán lại cho DN.

Giá bán cho DN có thể tính theo giá vàng thế giới cộng với chi phí hợp lý và chỉ khi DN có hợp đồng mới được phép nhập khẩu vàng. Với hình thức này, NHNN sẽ kiểm soát qua xuất khẩu chính ngạch hải quan, nên các DN khó có thể làm gian được.

Khi có nguồn vàng ổn định, tôi nghĩ DN sẽ mạnh dạn sản xuất, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu hơn, nhất là các DN lớn. Vì kỳ vọng xuất khẩu vàng trang sức của Việt Nam hiện chỉ trông chờ ở DN lớn với tiềm lực tài chính tốt, đầu tư công nghệ, máy móc hiện đại đảm bảo chất lượng, mẫu mã sản phẩm. Mặt khác, họ ý thức rất rõ việc nếu vàng không đạt tuổi, sản phẩm không đảm bảo chất lượng thì đối tác nước ngoài sẽ trả về.

Vậy làm thế nào để  giám sát được chất lượng vàng trang sức?

Tôi được biết, hiện NHNN cùng với Bộ Công Thương đang làm tiếp bản quyền mẫu mã kinh doanh. Tôi nghĩ rằng, sự phối hợp liên bộ đang là điều mà người kinh doanh rất mong đợi để làm sao hỗ trợ, tạo điều kiện cho họ yên tâm sản xuất kinh doanh.

Để sự phối hợp liên bộ hiệu quả, từng bộ cần làm chặt khâu quản lý liên quan. Như đối với NHNN phải làm chặt khâu quản lý nguyên liệu và cung ứng, điều tiết theo chính sách tiền tệ quốc gia. Vì chính sách vàng liên quan đến chính sách tỷ giá, ngoại hối. Còn về phần quản lý ngành, đi sâu vào kiểm tra chất lượng, chấn chỉnh hoạt động thị trường thì đó là vai trò, nhiệm vụ của Bộ Công Thương.

Việc giám sát chất lượng vàng trang sức là có vai trò quan trọng tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của thị trường này. Vì chắc chắn các đối tác nước ngoài sẽ đến nghiên cứu, tìm hiểu thị trường vàng trang sức. Nếu thị trường trong nước đảm bảo mẫu mã đẹp, chất lượng ổn định tạo được uy tín với các đối tác đặt hàng.

Ngược lại, nếu vàng trong nước chất lượng thấp, không đúng tuổi thì chắc chắn đối tác nước ngoài sẽ chuyển hướng tìm kiếm các thị trường khác trong khu vực như Thái Lan… Như vậy, DN Việt Nam sẽ mất đi cơ hội mở rộng xuất khẩu vàng trang sức.

Xin cảm ơn ông!