Những chuyển biến tích cực

Theo báo cáo của Sở Tài chính TP. Hồ Chí Minh, kết quả thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách 8 tháng đầu năm 2014 của Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh ước đạt 170.683 tỷ đồng, bằng 75,42% dự toán pháp lệnh năm 2014, tăng 16,25% so cùng kỳ năm 2013. Để có được kết quả trên, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh cho biết, ngoài việc do cơ chế chính sách thuế tạo thuận lợi hơn cho người nộp thuế, chủ động tuyên truyền hỗ trợ, góp phần tác động tích cực đối với người nộp thuế trong việc tự khai, tự nộp thuế thì có phần đóng góp không nhỏ của công tác thanh tra, kiểm tra thuế.

Bước vào năm 2014, nhận định tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục còn nhiều khó khăn, cùng với việc một số nội dung của luật thuế được sửa đổi, bổ sung có hiệu lực sẽ ảnh hưởng đến kết quả thu ngân sách, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh đã chủ động triển khai mạnh mẽ công tác thanh tra, kiểm tra thuế. Theo đó, việc thực hiện thanh tra, kiểm tra thuế được Cục Thuế tập trung vào các chuyên đề, các nội dung qua phân loại rủi ro trên nguồn dữ liệu của Tổng cục Thuế và nguồn dữ liệu kê khai của đơn vị, kết hợp với thông tin thu thập được trong quá trình quản lý, giám sát hồ sơ kê khai thuế phù hợp với nguồn nhân lực.

Kết quả thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra của Cục Thuế trong 6 tháng đầu năm 2014 so với cùng kỳ năm 2013 đã có sự chuyển biến mạnh mẽ về mọi mặt. Điểm đặc biệt, quy mô số lượng doanh nghiệp (DN) kiểm tra, thanh tra tăng cao nhưng hiệu quả về số thu thêm qua thanh tra, kiểm tra lại giảm so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy các DN đã nhận thức tốt hơn về chính sách thuế, hạn chế những sai phạm, tính tuân thủ pháp luật ngày càng được tốt hơn.

Trong 6 tháng đầu năm, các phòng thanh tra của Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh đã hoàn thành 726 hồ sơ thanh tra, số thuế truy thu và phạt đạt 808,25 tỷ đồng; số giảm khấu trừ đạt 35,81 tỷ đồng; giảm lỗ 999,36 tỷ đồng. Theo đó, tổng số thuế truy thu và phạt qua thanh tra đã quy đổi đạt gần 1.094 tỷ đồng, bằng 52% kế hoạch và tăng 13% so với cùng kỳ năm 2013. Cùng với việc triển khai nhiệm vụ chung theo kế hoạch được giao, Cục Thuế đã lựa chọn đối tượng để thực hiện công tác thanh tra theo 8 chuyên đề lớn.

Theo đó, việc triển khai thanh tra đối với 2 DN có giao dịch liên kết trong lĩnh vực dệt may, da giày là Công ty TNHH Lạc Tỷ và Công ty Sambuvia Sporst, đã truy thu cho NSNN 20 tỷ đồng; Thanh tra 4 DN trọng điểm, thu thêm 11,2 tỷ đồng tiền thuế truy thu và phạt; Thanh tra 3 DN xuất nhập khẩu tại chỗ, cơ quan thuế đã xử lý truy thu và phạt 51 triệu đồng, điều chỉnh giảm lỗ 2,7 tỷ đồng; Thanh tra 7 DN theo chuyên đề xây dựng, thực hiện truy thu trên 4,45 tỷ đồng, giảm khấu trừ gần 1,6 tỷ đồng, giảm lỗ trên 6,2 tỷ đồng; Với chuyên đề quảng cáo truyền thông, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh đã tiến hành truy thu và xử phạt trên 1,3 tỷ đồng, giảm lỗ 265 triệu đồng…

Đặc biệt với chuyên đề chuyển nhượng vốn, chỉ với 2 DN được thanh tra, tổng số thuế truy thu và phạt đã lên tới 175 tỷ đồng, giảm lỗ 31,4 tỷ đồng; với các đối tượng nhiều năm chưa được thanh tra, kiểm tra, việc lựa chọn 26 hồ sơ để thực hiện đã cho kết quả truy thu và phạt 3,3 tỷ đồng, giảm lỗ 61,4 tỷ đồng và giảm khấu trừ 2,5 tỷ đồng. Riêng đối với 75 địa chỉ thanh tra được chọn ra từ 292 DN có giao dịch đáng ngờ qua ngân hàng, Cục Thuế đã xác định 48 DN bỏ địa điểm kinh doanh, 5 DN giải thể, ngừng kinh doanh, loại trừ thêm 1 DN đã chuyển hồ sơ cho cơ quan cảnh sát điều tra và 14 DN đang trong quá trình thực hiện tranh tra, kiểm tra, thì với 7 DN đã thanh tra, ngân sách đã có thêm 687 triệu đồng tiền thuế truy thu, truy hoàn và phạt, giảm khấu trừ và giảm lỗ 7,2 tỷ đồng.

Cũng trong nửa đầu năm 2014, TP. Hồ Chí Minh đã kiểm tra tại cơ quan thuế 60.358 hồ sơ kê khai với số thuế kê khai bổ sung và ấn định đạt 95 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ; kiểm tra tại 5.364 DN, số thuế truy thu và phạt 1.719 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước.

Thanh tra, kiểm tra thuế tại Cục thuế TP. Hồ Chí Minh - Ảnh 1

Những tồn tại, hạn chế

Mặc dù hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra đã ghi nhận những bước tiến tích cực, tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Cục thuế TP. Hồ Chí Minh vẫn gặp không ít tồn tại, hạn chế. Cụ thể: Tổng cục Thuế giao nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra DN năm 2014 cho Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh là 2.685 DN, bằng 158,59% so với năm 2013. Đây là nhiệm vụ khá nặng nề, trong bối cảnh số lượng công chức của đơn vị thực hiện công tác thanh tra hầu như không thay đổi.

Yêu cầu đổi mới phương pháp thanh, kiểm tra ngày càng đòi hỏi cơ sở pháp lý, tính khoa học và trình độ chuyên môn cao, trong khi hệ thống chính sách, quy trình nghiệp vụ để triển khai nhiệm vụ này vẫn chưa hoàn thiện. Mặt khác, cơ sở dữ liệu thông tin phục vụ công tác phân tích, lựa chọn đối tượng và xác minh, xử lý trong quá trình thanh tra, kiểm tra vừa khuyết thiếu, vừa chưa được kiểm chứng do phần lớn các thông tin lưu giữ tại cơ quan thuế là từ hồ sơ khai thuế của DN. Việc phân ngành kinh tế hiện nay còn nhiều bất cập, các DN khi xin giấy phép thành lập thường đăng ký nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau nhưng hệ thống dữ liệu lại không xác định được ngành nghề chính DN đang hoạt động, dẫn đến việc phân tích, đánh giá, so sánh kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh giữa các đối tượng gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, nguồn nhân lực làm công tác thanh tra, kiểm tra lại vừa thiếu về số lượng, vừa không đồng đều về nghiệp vụ chuyên môn nên chắc chắn sẽ gặp khó khăn khi khối lượng công việc ngày một nhiều, chất lượng đòi hỏi ngày càng cao và nhất là các thủ đoạn trốn thuế, lách thuế của DN ngày càng tinh vi, phức tạp.

Mặc dù công tác kiểm tra được triển khai sớm và toàn diện từ việc xây dựng kế hoạch đến đôn đốc triển khai thực hiện, tuy nhiên việc lựa chọn danh sách kiểm tra theo bảng điểm phân tích rủi ro của Tổng cục Thuế chưa đạt kết quả cao về số thuế truy thu. Nguyên nhân là do dữ liệu cập nhật của cơ quan thuế chưa theo dõi đúng ngành nghề DN đang thực hiện trong niên độ phân tích. DN đăng ký nhiều ngành nghề, khi cập nhật danh bạ quản lý thì cập nhật một ngành nghề nhưng thực tế sản xuất kinh doanh lại theo một ngành nghề khác. Từ đó dẫn đến dữ liệu bình quân ngành nghề đưa ra để so sánh không chính xác và lấy dữ liệu bình quân đó áp dụng sẽ dẫn đến nhiều sai sót.

Các giải pháp tăng cường thanh tra, kiểm tra

Để vượt qua những trở ngại vốn không dễ giải quyết dứt điểm trong thời gian ngắn này, đòi hỏi đặt ra là cán bộ công chức trực tiếp làm công tác thanh tra, kiểm tra phải nghiên cứu, nắm chắc hệ thống cơ chế chính sách thuế, quy trình nghiệp vụ, rèn luyện các kỹ năng giao tiếp để vừa thực hiện đúng pháp luật, vừa giải thích, hướng dẫn thuyết phục DN. Bên cạnh đó các bộ phận chức năng phải thường xuyên rà soát, quản lý chặt chẽ đối tượng nộp thuế, trên cơ sở đó tiến hành phân loại các trường hợp có dấu hiệu vi phạm để đưa vào diện kiểm soát, kịp thời ngăn chặn các hành vi gian lận, trốn thuế.

Đặc biệt, các đơn vị có chức năng thanh tra, kiểm tra trong hệ thống phải phối hợp chặt chẽ trong công tác xây dựng và thực hiện kế hoạch thanh, kiểm tra để tránh chồng chéo và nhất quán trong xử lý.

Để công tác thanh tra, kiểm tra thuế đạt kết quả cao, Cục Thuế Thành phố đã lên kế hoạch cơ cấu lại lực lượng thanh tra, kiểm tra, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn và giáo dục phẩm chất chính trị cho cán bộ công chức; tổ chức trao đổi đúc rút kinh nghiệm để nhân rộng những cách làm hiệu quả, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra giám sát các đoàn công tác để vừa quản lý chặt chẽ cán bộ công chức, vừa đảm bảo việc triển khai thanh, kiểm tra đúng pháp luật với hiệu quả ngày càng cao hơn.

Trong các tháng cuối năm 2014, Cục Thuế tiếp tục thực hiện chương trình kiểm tra, kế hoạch thanh tra thuế tại DN theo chỉ tiêu về số lượng, số thuế phải thu thêm, số thuế được nộp NSNN với chỉ tiêu thanh tra mỗi quý đạt 27% về số hồ sơ và 26% về số thu. Đồng thời, các đơn vị phải nỗ lực bám sát địa bàn, tình hình khai nộp của từng ngành nghề trọng điểm, chọn ra đối tượng thanh tra, kiểm tra, tập trung nguồn thu cho ngân sách.

Theo đó, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh chỉ đạo các phòng, chi cục thuế quận, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra chống thất thu. Phấn đấu kiểm tra hồ sơ khai thuế tại cơ quan Thuế đạt 100% hồ sơ. Đôn đốc thu hồi kịp thời tiền thuế, tiền phạt thanh tra, kiểm tra vào NSNN đạt 80% trong phạm vi 90 ngày, đảm bảo 100% các cuộc thanh tra, kiểm tra thực hiện đúng quy trình, giải quyết kịp thời, đúng chính sách, đúng chế độ các đơn thư khiếu nại, tố cáo. Bên cạnh đó, các đơn vị tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các DN có số thu lớn, các DN có thuế GTGT khai âm liên tục hoặc khai lỗ thuế TNDN, các DN có nhiều quyết định hoàn thuế, các DN có giao dịch liên kết hoặc chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng thương hiệu, dự án, bản quyền, các hành vi kinh doanh, mua bán hóa đơn bất hợp pháp để trốn thuế, chiếm đoạt tiền hoàn thuế. Đồng thời, công tác kiểm tra cũng sẽ tập trung vào kiểm tra thuế, quyết toán thuế cho các DN đang tiến hành cổ phần hóa theo lộ trình của Chính phủ.

6 tháng đầu năm 2014, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh đã kiểm tra 5.346 lượt DN, đạt 95%, so với cùng kỳ năm trước, bằng 33% kế hoạch pháp lệnh năm 2014. Số truy thu và phạt đã quy đổi qua kiểm tra là 1.719 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2013.

Ngoài ra, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh yêu cầu các phòng kiểm tra, đội kiểm tra lập danh sách các DN có rủi ro cao về thuế phải thực hiện mua bán hóa đơn của cơ quan Thuế theo hướng dẫn của Bộ Tài chính tại Thông tư 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014. Thống kê các DN phải kiểm tra sau hoàn thuế đối với các trường hợp phải kiểm tra trong một năm kể từ khi có quyết định hoàn thuế (theo Luật Quản lý thuế sửa đổi). Tập trung kiểm tra sau hoàn thuế thuế đối với các hồ sơ kinh doanh nông, lâm, thủy sản; kiểm tra sau hoàn thuế đối với các hồ sơ xin hoàn thuế liên quan đến người nước ngoài mua hàng qua cửa khẩu Tân Sơn Nhất…

Để hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách của năm, tạo tiền đề cho những năm tiếp theo, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh kiến nghị Tổng cục Thuế giao chỉ tiêu kế hoạch thanh tra, kiểm tra phù hợp với nguồn lực hiện có của đơn vị. Vì mục tiêu của công tác thanh tra, kiểm tra là để góp phần hạn chế hành vi vi phạm pháp luật về thuế, phòng chống gian lận thuế nên không thể thực hiện theo chỉ tiêu kế hoạch về số lượng.

Bên cạnh đó, cần hoàn thiện chính sách, ban hành và triển khai các quy chế, quy trình cho hoạt động công tác thanh tra, kiểm tra để công chức thực hiện nghiệp vụ tại DN đúng quy trình; Ban hành tỷ lệ lợi nhuận từng ngành để thuận tiện cho công tác thanh tra, kiểm tra theo chuyên đề về giao dịch liên kết và thực hiện đúng các cam kết quốc tế về thuế. Cùng với đó, cần xây dựng hệ thống đánh giá rủi ro lập kế hoạch thanh tra theo tiêu chí mở, để các đơn vị chủ động cài đặt tiêu chí đánh giá theo chuyên sâu của từng vùng miền.

Để đảm bảo 100% DN kê khai thuế qua mạng, có thể kết nối việc đối chiếu xác minh hóa đơn trên toàn quốc để việc xử lý vi phạm về hóa đơn được triệt để và hiệu quả hơn, cần xây dựng cơ chế phân quyền để Cục thuế các địa phương có thể trực tiếp lấy kết quả đối chiếu xác minh trên toàn quốc mà không phải thực hiện theo đường công văn gây mất thời gian và thiếu hiệu quả.

Thanh tra, kiểm tra thuế tại Cục thuế TP. Hồ Chí Minh

TS. LƯU ĐỨC TUYÊN

(Tài chính) Là đầu tàu trong thu ngân sách của cả nước, trong những năm qua, đi đôi với việc triển khai mạnh mẽ các biện pháp thu ngân sách, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh luôn quyết liệt triển khai thực hiện thanh tra, kiểm tra thuế. Đây là biện pháp hữu hiệu góp phần chống thất thu thuế, hoàn thành kế hoạch thu ngân sách được giao, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng…

Xem thêm

Video nổi bật