Chính sách thuế giá trị gia tăng

Pháp

Hiện nay, chính sách tính thuế GTGT phổ thông của Pháp là 19,6%, áp dụng với tất cả các hàng hóa, dịch vụ chịu thuế, trừ các trường hợp thuộc diện chịu thuế GTGT theo thuế suất thấp hơn và mức thuế suất 0%. Cụ thể, Pháp áp dụng cách tính thuế GTGT đối với từng mặt hàng cụ thể như sau: 7% đối với một số dịch vụ cung ứng hàng hóa liên quan đến sách và dịch vụ nhà hàng; 5,5% đối với lương thực, thực phẩm thiết yếu; 2,1% đối với một số loại xuất bản cụ thể và thuốc; 0% đối với hàng hóa xuất khẩu, cung ứng hàng hóa trong nội khối Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, từ ngày 01/01/2014, Pháp áp dụng tăng mức thuế suất thuế GTGT phổ thông từ 19,6% lên 20%; mức 7% tăng lên 10% và mức 5,5% giảm xuống 5%.

Để quản lý thuế GTGT hiệu quả, Pháp đã có các quy định cụ thể về nguyên tắc đánh thuế, đối tượng chịu thuế, ngưỡng doanh thu chịu thuế, khấu trừ thuế GTGT, hoàn thuế GTGT. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, nguyên tắc đánh thuế GTGT. Pháp áp dụng hai nguyên tắc đánh thuế (đối với hàng hóa và đối với dịch vụ). Cụ thể, đối với hàng hóa không cần phải vận chuyển hay việc cung ứng hàng hóa không cần thay đổi vị trí và không phải vận chuyển thì đánh thuế GTGT ở nơi diễn ra giao dịch. Ngược lại, hàng hóa mà phải thay đổi vị trí thì đánh thuế GTGT theo nơi xuất phát hàng hóa, có nghĩa là đánh thuế hàng hóa theo nơi đi…

Thứ hai, quy định đối tượng chịu thuế GTGT. Thuế GTGT áp dụng với các trường hợp sau: (i) Cung ứng hàng hóa hoặc dịch vụ do một người nộp thuế (NNT) ở Pháp tiến hành trong nước Pháp; (ii) Mua hàng hóa từ nước thành viên EU do NNT tại Pháp mua; (iii) Dịch vụ được người chịu thuế ở Pháp nhận được (dịch vụ người nhận được dịch vụ đó phải tự kê khai thuế GTGT với Pháp); (iv) Việc nhập khẩu hàng từ các nước ngoài EU.

Thứ ba, ngưỡng doanh thu chịu thuế GTGT. Theo đó, các ngưỡng doanh thu bán hàng hóa phải chịu thuế GTGT ở Pháp là 81.500 Euro/năm (tương đương hơn 2,36 tỷ đồng/năm tính theo mức tỷ giá 29.000 VND/1 Euro); Doanh thu cung ứng dịch vụ chịu thuế GTGT là 32.600 Euro/năm (945,4 triệu đồng/năm). Riêng đối với nghệ sỹ và luật sư thì ngưỡng tính thuế được áp cao hơn là 42.300 Euro/ năm (1,23 tỷ đồng/năm).

Thứ tư, khấu trừ thuế GTGT. Số thuế GTGT phải nộp bằng số thuế GTGT đầu ra trừ số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ. NNT có thể được khấu trừ, hoàn thuế GTGT đầu vào đã trả cho hàng hóa và dịch vụ được cung ứng phục vụ cho mục đích kinh doanh. Tuy nhiên, NNT thường xin khấu trừ thuế GTGT đầu vào bằng cách bù trừ với thuế GTGT đầu ra phải trả cho hàng hóa dịch vụ đã cung ứng.

Thứ năm, hoàn thuế GTGT. Theo quy định, NNT có thể yêu cầu hoàn thuế GTGT đầu vào vào cuối năm dương lịch nếu số thuế phải hoàn tối thiểu là 150 Euro; hoặc vào cuối tháng dương lịch nếu số thuế phải hoàn tối thiểu là 760 Euro.

Tây Ban Nha

Trước năm 2012, Tây Ban Nha duy trì đánh thuế GTGT với mức thuế suất thấp, chủ yếu các mặt hàng áp dụng thuế 8% và 18%. Giai đoạn 1995 - 2000, thuế suất thấp ở các mức 4%, 7% và 16%. Từ năm 2012, trước sức ép tăng thu NSNN và tăng thuế theo quy định của EU (thuế suất khoảng 15% đối với hàng hóa thông thường và khoảng 5% đối với nhóm hàng đặc biệt), Tây Ban Nha đã ban hành Luật thuế GTGT mới, theo đó nước này tăng thuế suất lên các mức 21%, 10% và 4%.

Đáng chú ý, Tây Ban Nha áp dụng các ngưỡng doanh thu chịu thuế khác nhau đối với các ngành khác nhau ngoại trừ nông nghiệp. Đây là một trong những lĩnh vực được nước này đặc biệt chú trọng và áp dụng thuế suất thuế GTGT thấp (10%), áp dụng cơ chế ngưỡng doanh thu và các thủ tục đơn giản hóa trong kê khai, nộp thuế. Ngưỡng doanh thu chịu thuế 300.000 Euro/năm đối với lĩnh vực nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Đối tượng có doanh thu dưới ngưỡng này được áp dụng thủ tục đơn giản, không phải nộp thuế, không cần thực hiện chế độ kế toán – hóa đơn.

Chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp

Pháp

Mức thuế suất thuế TNDN phổ thông ở Pháp là 33,1% áp dụng từ năm 1996 (các nước châu Âu thuế suất trung bình là 28%). DN nhỏ và vừa có doanh thu dưới 7 triệu Euro/năm thì nộp thuế 15% đối với 38.120 Euro đầu tiên, phần thu nhập còn lại cao hơn mức này thì nộp theo thuế suất phổ thông; Đối với hoạt động chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp, chuyển giao công nghệ áp dụng mức thuế suất 15%.

Bên cạnh đó, mức thuế suất 15% áp dụng đối với các khoản thặng dự vốn dài hạn và thuế suất 8% đối với thu nhập từ chuyển nhượng cổ phần. Các khoản thặng dư vốn dài hạn khi xác định thu nhập chịu thuế được tính trừ một phần chi phí bằng 5% trên thu nhập chịu thuế. Trong khi đó, các tổ chức phi lợi nhuận (các hiệp hội, hội đồng) nộp thuế TNDN theo mức thuế suất thấp hơn là 24%, thu nhập từ đầu tư nộp thuế theo mức thuế suất 10%. Ngoài ra, các đối tượng nộp thuế TNDN phải nộp khoản thuế đóng góp bảo đảm an sinh xã hội mở rộng là 3,3% trên thu nhập chịu thuế TNDN (đối với trường hợp có số thuế phải nộp 763.000 Euro; đối với DN có doanh thu từ 250 triệu Euro/năm trở lên là 5%.

Về chính sách ưu đãi thuế TNDN, Pháp có các hình thức miễn, hỗ trợ thuế khấu hao đặc biệt: Các quỹ công cộng, các tổ chức khoa học, giáo dục, các đơn vị dịch vụ công được miễn thuế TNDN; Có quy định ưu đãi thuế có thời hạn đối với các DN đầu tư vào một số vùng lãnh thổ kinh tế - xã hội khó khăn, các vùng nông thôn, cận đô, vùng hoang hóa, vùng mỏ cần tái thiết và trong lĩnh vực cạnh tranh gay gắt nếu đáp ứng các ưu đãi thuế theo quy định. Đồng thời, hỗ trợ thuế đối với nghiên cứu và phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN), DN được giảm thuế tương ứng với 30% số tiền chi cho KH&CN; Ngoài ra, hỗ trợ thuế đối với chi phí cho lao động mới: DN có sử dụng lao động mới (lao động có mức lương dưới 2,5 lần lương tối thiểu 1.430 Euro/tháng) được giảm thuế tương ứng bằng 6% số chi cho lao động tăng thêm (trước 2013 là 4%); Ưu đãi khấu hao nhanh theo mục tiêu đầu tư của nhà nước; (vi) giảm thuế bằng 12% cho đầu tư mở rộng (đổi mới máy móc thiết bị).

Tây Ban Nha

Hiện nay, Tây Ban Nha đánh thuế TNDN ở mức 30%. Riêng lĩnh vực KH&CN, Tây Ban Nha ưu tiên phát triển nên có nhiều chính sách hỗ trợ như: cho khấu hao theo mức thực tế, chi phí cho KH&CN được trừ theo số thực chi; ngoài ra còn được giảm thuế tương ứng 25% số chi cho KH&CN, có trường hợp còn lên đến 42%, có thể còn được Nhà nước tài trợ đến 8% tiền mua máy/công nghệ mới; Giảm 20% số thuế phải nộp cho tất cả các hoạt động đổi mới công nghệ.

Mặt khác, các hoạt động đầu tư vào môi trường, xử lý ô nhiễm được Tây Ban Nha hỗ trợ 8%; Được giảm vào thu nhập tính thuế (9.000 Euro/người/năm) đối với DN sử dụng lao động là người khuyết tật; Tái đầu tư vào DN cũng được ưu đãi; Đổi mới tài sản cố định thì được giảm thuế tương ứng 12% trị giá tài sản mới mua sắm (quy định này áp dụng đối với DN nhỏ). Tây Ban Nha cơ bản hỗ trợ trực tiếp DN để tăng tính minh bạch. Thời gian hỗ trợ có thời hạn, tùy từng dự án, có thể lên đến 15 năm hoặc 18 năm.

Ở Tây Ban Nha có các chính sách thuế đối với một số lĩnh vực đặc thù về vốn mỏng và hoạt động chuyển nhượng vốn mà DN nắm giữ phần vốn ở nước ngoài. Quy định về vốn mỏng: Giới hạn về chi tài chính, lãi vay phải dưới 30% thu nhập trước thuế, trước khấu hao. Nếu DN bị lỗ thì khoản chi tiêu tài chính phải dưới mức 1 triệu Euro. Số tiền vượt 30% không được khấu trừ vào chi phí sẽ được chuyển sang tính vào các năm sau, tối đa đến 18 năm.

Một số tồn tại, hạn chế

Tại Pháp, gần đây, số thu thuế trực thu giảm mạnh trong khi số thu từ thuế tiêu dùng vẫn ổn định. Trong khi Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) định hướng giữ thuế suất thuế GTGT; Pháp định hướng tăng thuế GTGT ở mức vừa phải. Pháp ủng hộ cải cách thuế GTGT theo hướng: Thay đổi nguyên tắc đánh thuế tại nơi đi bằng nguyên tắc đánh thuế tại nơi đến; Đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện cho NNT. Tích cực hoàn thuế nhanh cho DN, đặc biệt trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế; Áp dụng nguyên tắc một cửa: NNT chỉ phải kê khai nộp thuế ở một nước.

Bên cạnh các động thái tích cực đổi mới hệ thống thuế GTGT ở Pháp vẫn còn tồn tại một số bất cập: Nhiều thuế suất thuế GTGT, gây khó khăn trong thực hiện, áp thuế; Việc hướng tới một mức thuế suất thuế GTGT còn xa vời, khó khả thi; Cách tính tỷ lệ được khấu trừ còn rườm rà, phức tạp; Biện pháp khuyến khích xuất khẩu như hoàn thuế GTGT đầu vào, không đánh thuế đối với giao dịch từ xa… vẫn bị lợi dụng và khiến cho tình trạng gian lận vẫn còn khá phổ biến. Dự tính gian lận thuế trong EU khoảng 139 tỷ Euro thông qua hoàn thuế. Gian lận phát sinh từ ngay chính cơ chế vận hành của thuế GTGT.

Tại Tây Ban Nha, mặc dù mới sửa đổi hệ thống chính sách năm 2012 để phù hợp với yêu cầu của EU và tăng thu ngân sách. Tuy nhiên, nước này vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức như: Thiếu kinh phí để tiếp tục đầu tư cho hệ thống thông tin quản lý thuế; Thiếu kinh nghiệm trong quản lý thanh toán điện tử, chữ ký điện tử ngày càng nhiều; Nhiều DN hoạt động ở nước ngoài nhưng xin hoàn thuế khiến Tây Ban Nha thất thu ngân sách mà chưa có biện pháp quản lý hiệu quả.

Bên cạnh đó, Tây Ban Nha cũng đang phải đối mặt với hình thức gian lận thuế GTGT như: Các đối tượng mua hàng miễn thuế, không nộp thuế cho nhà nước nhưng vẫn xin hoàn thuế; DN xuất hóa đơn nhưng thực tế không có giao dịch, xuất hóa đơn khống nhưng thực chất nhà nước không thu được thuế; DN có giao dịch nhưng không nộp thuế, các đối tượng thuộc nhóm này cố tình không nộp thuế GTGT để giá giao dịch rẻ hơn...

Về thuế TNDN: Việc quy định hệ thống chính sách thuế TNDN có ưu đãi thuế theo diện “hẹp” như Luật Thuế TNDN của Pháp, Tây Ban Nha là đúng với xu thế chung mà nhiều quốc gia đang lựa chọn hiện nay, thể hiện ở các điểm sau:

Thứ nhất, nhiều ưu đãi thuế tài trợ cho DN bằng cách cho giảm thuế tương ứng theo tỷ lệ nhất định đối với từng loại chi phí của DN tăng tính minh bạch và rõ ràng.

Thứ hai, chính sách thuế có những đặc thù riêng trong từng giai đoạn cũng có lồng ghép để tham gia thực hiện các chính sách khác khá tương đồng với Việt Nam. Những ưu đãi thuế đối với nông nghiệp, hợp tác xã, KH&CN, môi trường, đầu tư công, ưu đãi cho các tổ chức phi lợi nhuận; Ưu đãi cho các đối tượng chính sách xã hội…

Thứ ba, Pháp và Tây Ban Nha là những nước phát triển nên hệ thống tin học phục vụ công tác quản lý thuế đã khá hoàn thiện, đảm bảo thông tin và cơ sở dữ liệu cho cơ quan thuế.

Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Về thuế GTGT

Việc xây dựng chính sách thuế GTGT của Việt Nam cần thường xuyên cập nhật thực tế thực hiện trong nước và quốc tế (EU, tổ chức OECD… và các nước có tính tương đồng trong khu vực) để có điều chỉnh kịp thời đối với các hoạt động cung ứng hàng hóa, dịch vụ mới phát sinh, học tập các quy định mới của các nước trong việc đối phó tình trạng gian lận thuế GTGT cũng như điều hành chính sách để đối phó với khủng hoảng một cách thành công.

Các chính sách thuế của Pháp và Tây Ban Nha về ngưỡng doanh thu và không chịu thuế gia tăng, các thủ tục liên quan, quy định về tính tỷ lệ khấu trừ và chính sách thuế GTGT đối với xuất khẩu, lĩnh vực nông nghiệp, quy định về khấu trừ, hoàn thuế GTGT, cơ chế hoán đổi trách nhiệm nộp thuế GTGT cần tiếp tục nghiên cứu cụ thể hơn để áp dụng đối với Việt Nam cho phù hợp. Việt Nam cũng cần căn cứ tình hình thực tế và tiếp tục nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế các nước trên thế giới và khu vực để xây dựng chính sách phù hợp thông lệ quốc tế và khu vực, đồng thời sát với tình hình phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Về thuế TNDN

Việc quy định hệ thống chính sách thuế TNDN có ưu đãi thuế theo diện hẹp như Luật thuế TNDN của Pháp, Tây Ban Nha là đúng với xu thế chung mà nhiều quốc gia đang lựa chọn hiện nay. Nhiều ưu đãi thuế tài trợ cho DN bằng cách cho giảm thuế tương ứng theo tỷ lệ nhất định đối với từng loại chi phí của DN tăng tính minh bạch và rõ ràng.

Bên cạnh đó, chính sách thuế có những đặc thù riêng, trong từng giai đoạn cũng có lồng ghép để tham gia thực hiện các chính sách khác của Chính phủ, cũng khá tương đồng với Việt Nam. Đó là về những ưu đãi đối với nông nghiệp, hợp tác xã, KH&CN, môi trường, đầu tư công, ưu đãi cho các tổ chức phi lợi nhuận, ưu đãi cho các đối tượng chính sách xã hội…

Thấy gì từ chính sách thuế Giá trị gia tăng và Thu nhập doanh nghiệp của Pháp và Tây Ban Nha?

NHÓM NGHIÊN CỨU CHÍNH SÁCH THUẾ (Bộ Tài chính)

(Tài chính) Vừa qua, Bộ Tài chính đã thành lập nhóm nghiên cứu, khảo sát, học tập kinh nghiệm xây dựng chính sách thuế giá trị gia tăng (GTGT) và thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) của Cộng hòa Pháp và Vương quốc Tây Ban Nha. Kết quả khảo sát đã thu thập được nhiều kiến thức và kinh nghiệm bổ ích về quy trình nghiên cứu, xây dựng Luật, các văn bản hướng dẫn, các phương thức ưu đãi thuế chủ yếu… của Pháp và Tây Ban Nha. Từ đó, rút ra bài học kinh nghiệm hữu ích cho Việt Nam trong quản lý và hoạch định chính sách thuế. Tạp chí Tài chính tổng hợp một số nội dung chính qua báo cáo kết quả của nhóm nghiên cứu.

Xem thêm

Video nổi bật