Thêm hành lang pháp lý cho tập đoàn, tổng công ty nhà nước

TS. PHẠM THỊ VÂN ANH

(Tài chính) Chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9/2014, Nghị định 69/2014/NĐ-CP về tập đoàn kinh tế nhà nước, tổng công ty nhà nước (TĐKT, TCTNN) được Chính phủ ban hành ngày 15/7/2014 nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra trong quản lý và phù hợp với Luật Doanh nghiệp (DN). Những đạo lý của việc sửa đổi cũng như những quy định mới của Nghị định được phân tích cụ thể trong bài viết.

Nghị định 69/2014/NĐ-CP sẽ tạo thêm hành lang pháp lý cho TĐKT, TCTNN. Nguồn: internet
Nghị định 69/2014/NĐ-CP sẽ tạo thêm hành lang pháp lý cho TĐKT, TCTNN. Nguồn: internet
Quy định chưa theo kịp thực tiễn

Trước khi Nghị định 69/2014/NĐ-CP ra đời, hành lang pháp lý cho việc thành lập, quản lý các TĐKT, TCTNN đã được hình thành cơ bản đầy đủ. Cụ thể là, Nghị định số 101/2009/NĐ-CP ngày 05/11/2009 của Chính phủ thí điểm thành lập TĐKT nhà nước; Nghị định số 111/2007/NĐ-CP ngày 26/6/2007 của Chính phủ về tổ chức, quản lý TCTNN và chuyển đổi TCTNN, công ty nhà nước độc lập, công ty mẹ là công ty nhà nước theo hình thức công ty mẹ - công ty con hoạt động theo Luật DN.

Nội dung của Nghị định 101/2009/NĐ-CP dựa trên cơ sở Luật DN Nhà nước 2003 và Luật DN 2005. Đến nay, Luật DN Nhà nước 2003 đã được thay thế bởi Luật DN 2005 do đó, một số quy định tại Nghị định 101/2009/NĐ-CP không còn phù hợp và thiếu nhất quán. Tất cả các công ty mẹ của TĐKT, TCTNN đều đã chuyển đổi sang hình thức công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH). Trong khi đó, Nghị định số 101/2009/NĐ-CP chỉ quy định đối với công ty mẹ hoạt động dưới hình thức công ty nhà nước.

Cùng vấn đề về tập đoàn, TCTNN, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành một số văn bản pháp quy có liên quan như Nghị định số 99/2012/NĐ-CP ngày 15/11/2012 về phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với DN nhà nước (DNNN) và vốn nhà nước đầu tư vào DN; Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành soạn thảo các văn bản liên quan đến thành lập, tổ chức quản lý, cơ chế quản lý tài chính, quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng trong DNNN, về đầu tư vốn nhà nước vào DN… Một số đề án có liên quan cũng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt như đề án tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là các TĐKT, TCTNN; Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN; Đề án đổi mới quản trị DN theo thông lệ kinh tế thị trường; Đề án tách chức năng chủ sở hữu nhà nước với chức năng quản lý của các cơ quan nhà nước đối với DNNN…

Tuy nhiên, thực tiễn hoạt động, cũng như quá trình tái cơ cấu các tập đoàn, TCTNN đã và đang được đẩy mạnh, nhưng những giải pháp, quy định cần được sửa đổi, bổ sung ở một Nghị định mới vẫn chưa được ban hành. Điều này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động, hiệu quả quản lý và quá trình tái cơ cấu của các DN này. Những tồn tại, bất cập phát sinh như: Trình tự, thủ tục thành lập để rút ngắn thời gian thành lập; Tổ chức quản lý, cơ chế vận hành mô hình TĐKT, TCTNN; Mối quan hệ công ty mẹ - công ty con; Quản lý, giám sát TĐKT, TCTNN... cần tháo gỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của TĐKT, TCTNN cũng như việc quản lý, giám sát của chủ sở hữu nhà nước đối với TĐKT, TCTNN… là những vấn đề đặt ra cần kịp thời tháo gỡ.

Thêm hành lang pháp lý mới

Trước thực tế trên, Chính phủ đã ban hành Nghị định 69/2014/NĐ-CP với những quy định mới về thành lập, tổ chức lại, chấm dứt hoạt động dưới hình thức TĐKT nhà nước, TCTNN; Tổ chức, hoạt động, quản lý, điều hành trong TĐKT, TCTNN; Quản lý, giám sát của chủ sở hữu nhà nước đối với TĐKT, TCTNN . Đây được coi là giải pháp cần thiết nhằm giải quyết những bất cập và đẩy mạnh tiến trình tái cơ cấu DNNN trong bối cảnh hiện nay.

Theo đó, Nghị định quy định rõ các TĐKT dự kiến được thành lập phải đáp ứng các điều kiện, gồm: Ngành, lĩnh vực kinh doanh chính thuộc ngành, lĩnh vực sản suất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ đặc biệt quan trọng trong đảm bảo an ninh quốc gia về kinh tế; Tạo nền tảng về hạ tầng kinh tế quốc gia, tạo động lực nâng cao khả năng cạnh tranh của các DN và toàn bộ nền kinh tế. Nếu không đáp ứng các yêu cầu trên, TĐKT, TCTNN sẽ phải chấm dứt hoạt động dưới hình thức TĐKT, TCTNN.

Bên cạnh các quy định trên, Nghị định nêu rõ, TĐKT, TCTNN thành lập theo các hình thức sau: Sáp nhập hoặc hợp nhất DN; Mua lại cổ phần hoặc phần vốn góp; Đầu tư, góp vốn bằng tài sản hữu hình hoặc vô hình; Các hình thức liên kết khác do các DN tự thỏa thuận, không trái các quy định pháp luật. Chính phủ chỉ xem xét lựa chọn TCTNN làm nòng cốt hình thành TĐKT và thành lập mới các TĐKT, TCTNN khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định. Cụ thể, TCTNN được lựa chọn làm nòng cốt hình thành TĐKT phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện: Kinh doanh có lãi trong ba 3 năm liên tiếp; Tình hình tài chính được chủ sở hữu đánh giá ở mức độ bảo đảm an toàn; Trình độ nguồn nhân lực và năng suất lao động cao hơn mức trung bình của các DN khác hoạt động trong cùng ngành, lĩnh vực hoạt động; Trình độ trang thiết bị, công nghệ ở mức tiên tiến; quản lý hiện đại; Quản lý có hiệu quả cổ phần, phần vốn góp tại các DN khác; Hoạt động trong phạm vi toàn quốc và ở nước ngoài.

Đặc biệt, công ty mẹ trong TĐKT phải có vốn điều lệ không thấp hơn 10.000 tỷ đồng; TĐKT phải có tối thiểu 50% số công ty con hoạt động trong những khâu, công đoạn then chốt trong ngành, lĩnh vực kinh doanh chính. Đối với TCTNN, phải đáp ứng điều kiện vốn điều lệ của công ty mẹ không thấp hơn 1.800 tỷ đồng. Mặt khác, không cho phép góp vốn, mua cổ phần của DN giữ quyền chi phối trong cùng một TĐKT, TCTNN. Các DN bị chi phối trong cùng một TĐKT, TCTNN không được góp vốn, mua cổ phần để sở hữu chéo lẫn nhau. Bên cạnh đó, Chính phủ quy định, TĐKT, TCTNN thành lập và hoạt động không quá ba cấp DN và phải tuân thủ theo cơ cấu sau:

Thứ nhất, Công ty mẹ (DN cấp I) là DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc giữ quyền chi phối. Công ty mẹ được tổ chức dưới hình thức công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu hoặc công ty cổ phần, công ty TNHH hai thành viên trở lên có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước; giữ vai trò hạt nhân lãnh đạo, chi phối các DN thành viên trong TĐKT, TCTNN;

Thứ hai, Công ty con của DN cấp I (DN cấp II) là DN do công ty mẹ nắm quyền chi phối. DN cấp II được tổ chức dưới hình thức công ty TNHH một thành viên trong trường hợp công ty mẹ nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc công ty cổ phần, công ty TNHH hai thành viên trở lên trong trường hợp công ty mẹ nắm quyền chi phối.

Thứ ba, Công ty con của DN cấp II (DN cấp III) là DN do DN cấp II nắm quyền chi phối. DN cấp III được tổ chức dưới hình thức công ty TNHH một thành viên trong trường hợp DN cấp II nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc công ty cổ phần, công ty TNHH hai thành viên trở lên trong trường hợp DN cấp II nắm quyền chi phối.

Thứ tư, Công ty liên kết là công ty có cổ phần, vốn góp dưới mức chi phối của công ty mẹ và công ty con; Công ty không có vốn góp của công ty mẹ và công ty con, tự nguyện tham gia liên kết dưới hình thức hợp đồng liên kết và có mối quan hệ gắn bó lâu dài về lợi ích kinh tế, công nghệ, thị trường, các dịch vụ khác với công ty mẹ hoặc công ty con trong TĐKT, TCTNN. Công ty liên kết được tổ chức dưới hình thức công ty TNHH hoặc công ty cổ phần.

Ngoài ra, Nghị định cũng quy định chặt chẽ việc quản lý, giám sát đối với TĐKT, TCTNN, trong đó chủ sở hữu nhà nước đối với TĐKT, TCTNN sẽ giám sát hoạt động kinh doanh, công tác tổ chức và cán bộ và giám sát tài chính. Đồng thời, các TĐKT, TCTNN phải công khai, minh bạch các thông tin chủ yếu liên quan đến hoạt động của mình và phải đăng trên trang thông tin điện tử: www.business. gov.vn.

Như vậy, cùng với các thông tin bắt buộc công bố trên trang điện tử của các DN, "bức tranh" vốn khá mù mờ về khu vực DN nắm giữ nguồn lực lớn nhất của nền kinh tế, hoạt động trong những lĩnh vực cốt lõi, đặc biệt là trong các lĩnh vực độc quyền... được kỳ vọng sẽ dần sáng tỏ.

Tuy nhiên, đây mới là các quy định. Vấn đề là kỷ luật thực thi và cơ chế giám sát trách nhiệm rõ ràng. Nghị định 69/2014/NĐ-CP quy định rõ các nội dung thông tin cần công khai, minh bạch, từ nhiệm vụ chủ sở hữu nhà nước giao; Thông tin về cơ cấu sở hữu và tài sản; Danh mục các dự án đầu tư, hình thức đầu tư, tổng ngân sách đầu tư và tiến độ thực hiện các dự án đầu tư hiện hành; Các giao dịch, khoản vay, cho vay quy mô lớn… Quy trình sử dụng vốn, đất đai, tài nguyên và các nguồn lực khác; Quy trình tổ chức thực hiện và kết quả thực hiện chiến lược, kế hoạch dài hạn của công ty mẹ; Quyết định kế hoạch hàng năm của công ty mẹ mà chủ sở hữu đã thông qua; Quyết định chiến lược, kế hoạch dài hạn, ngành nghề kinh doanh của các công ty con do công ty mẹ sở hữu 100% vốn điều lệ; Việc sử dụng lợi nhuận hay xử lý các khoản lỗ… được yêu cầu báo cáo định kỳ.

Các thông tin này phải được công bố trên trang điện tử của các TĐKT, TCTNN, hay trên trang thông tin điện từ DN của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Với các TĐKT, TCTNN hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần, thì còn phải tuân thủ quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.

Bên cạnh yêu cầu về công khai thông tin, Nghị định 69/2014/NĐ-CP cũng quy định, TĐKT, TCTNN không có tư cách pháp nhân và không phải đăng ký kinh doanh, nhưng phải thông báo việc thành lập, tổ chức lại, thay đổi số lượng thành viên, tỷ lệ vốn tại các DN thành viên, chấm dứt hoạt động dưới hình thức TĐKT, TCTNN cho cơ quan đăng ký kinh doanh, việc tập trung kinh tế theo quy định. Ngay cả thông tin về việc thành lập TĐKT cũng được làm rõ, không chỉ đáp ứng các điều kiện về ngành, lĩnh vực kinh doanh, mà còn phụ thuộc vào việc lựa chọn ngành, lĩnh vực theo từng thời kỳ do Thủ tướng Chính phủ quy định…

Như vậy, áp lực buộc các TĐKT, TCTNN công bố thông tin không chỉ từ phía các cơ quan quản lý nhà nước, đại diện chủ sở hữu nhà nước, mà còn từ sự giám sát của cộng đồng, của đối tác, bạn hàng và của xã hội…

Một vài bình luận

Tóm lại, Nghị định 69/2014/NĐ-CP là sự cố gắng của Chính phủ cũng như các bộ, ngành nhằm khắc phục những nhược điểm của tập đoàn được xem là đã gây ra nhiều tiêu cực cho nền kinh tế, trong đó, vướng mắc lớn nhất là trách nhiệm về mặt quản lý. Ở nhiều nước, các TĐKT nhà nước, tổng giám đốc, chủ tịch hội đồng thành viên là người chịu trách nhiệm chính đối với sự thăng trầm của tập đoàn. Ở Việt Nam trách nhiệm đó thường thuộc về tập thể lãnh đạo. TĐKT không độc lập mà phụ thuộc hoàn toàn vào Nhà nước, nghĩa là Nhà nước vẫn phải chịu trách nhiệm chính. Vì vậy, tập đoàn càng yếu kém, Nhà nước càng phải đầu tư, không chỉ bằng ngân sách mà bằng cả vay nợ, bảo lãnh tín dụng; Càng phải tập trung sức lực của cả bộ máy hành chính, nghĩa là Chính phủ ngày càng dấn sâu vào kinh doanh vốn gắn liền với rủi ro, bằng bộ máy hành chính, tài chính và ngân sách cả nước.

Giới chuyên gia kinh tế cho rằng, Nhà nước cho ra đời các TĐKT nhưng lại thiếu một công cụ quản lý hiệu quả. Chưa có một văn bản pháp luật nào chuẩn mực để có thể điều chỉnh TĐKT Nhà nước, càng không có một văn bản pháp lý nào quy định cụ thể TĐKT hoạt động ra sao, quy mô thế nào? Điểm yếu trong quản lý các tập đoàn còn thể hiện ở chỗ không có quy định rõ ràng về nợ của công ty nhà nước. Nợ của công ty nhà nước phải vừa được ghi nợ của công ty, vừa được ghi là nợ của Nhà nước (tức là công ty nợ ngân sách, ngân sách nợ người cho vay). Như vậy, chưa có sự rạch ròi trong trách nhiệm và quản lý.

Trong báo cáo về các tập đoàn nhà nước, TCTNN mới đây, Bộ Tài chính đã nêu rõ, nợ ngân hàng thương mại của các tập đoàn chiếm 1/3 tổng dư nợ của nền kinh tế. Trong khi đó, sở hữu chéo tập đoàn nhà nước – ngân hàng là một trong ba nhóm chính trong ma trận sở hữu chéo đã được chỉ ra. Đây cũng là điểm mà Nghị định 69/2014/NĐ-CP muốn giải quyết dứt điểm để hạn chế tình trạng phát sinh số nợ quá lớn!

Một DN tư nhân phải tự chịu trách nhiệm về hiệu quả kinh doanh, họ chỉ vay tiền khi họ có khả năng trả nợ và có phương án kinh doanh sinh lời. Trong khi đó, nhiều DNNN chẳng những sử dụng đồng vốn không hiệu quả mà lại còn đầu tư ra ngoài ngành, tham gia nhiều lĩnh vực kể cả bất động sản, chứng khoán nhưng vẫn được cho vay như hiện nay, thì là tai họa không chỉ cho bản thân DN đó mà cho cả Nhà nước. Tuy nhiên, tại Nghị định 69/2014/ NĐ-CP vẫn chưa thấy nói đến việc tách bạch chức năng vừa quản lý nhà nước vừa quản lý DN mà hệ lụy là chính sách đưa ra bị chi phối bởi lợi ích ngành và các nhóm lợi ích khác.

Nên chăng, cần thành lập cơ quan độc lập quản lý các TĐKT, TCTNN. Cụ thể là, cho ra đời một ủy ban độc lập quản lý vốn nhà nước tại các DNNN, trong đó từng thành viên ủy ban chịu trách nhiệm các vấn đề riêng. Người đứng đầu là một Phó Thủ tướng. Một cơ quan chuyên trách quản lý, giám sát DNNN như vậy sẽ chuyên nghiệp hơn, tạo động lực cho các cá nhân đại diện vốn nhà nước hoàn thành tốt nhiệm vụ. Việc giải quyết vướng mắc, yêu cầu của DNNN cũng sẽ nhanh chóng và thống nhất hơn!

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số 8 – 2014