Thêm nhiều chính sách tài chính phát triển thủy sản

TS. ĐINH VĂN HẢI

(Tài chính) Có hiệu lực thi hành từ ngày 25/8/2014, Nghị định 67/2014/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 7/7/2014 về một số chính sách phát triển thủy sản được xem là động lực mạnh mẽ “tiếp sức” cho ngư dân vươn khơi bám biển, phát triển ngành Thủy sản. Bài viết phân tích, bình luận đạo lý của những chính sách hỗ trợ ngư dân được quy định tại Nghị định này.

Thêm nhiều chính sách tài chính phát triển thủy sản
Hàng loạt các cơ chế, chính sách tài chính hỗ trợ cho ngư dân đã ra đời. Nguồn: internet

Thực tế, hơn chục năm về trước, Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ ngư dân vay vốn đóng tàu đánh bắt xa bờ nhưng tiền vay ngân hàng với lãi suất vẫn cao và thời hạn vay ngắn, hơn nữa, khi gặp rủi ro, bất khả kháng thì ngư dân vẫn phải chịu hoàn trả toàn bộ số vốn vay đó. Đồng thời, hạn mức vay cũng thấp, không đủ đóng tàu to, vỏ thép, công suất lớn nên khả năng vươn khơi và đánh bắt dài ngày cũng bị hạn chế. Do vậy, ngay từ khi đưa ra lấy ý kiến, dự thảo Nghị định đã nhận được tham gia góp ý rất tích cực từ phía người dân đến các cơ quan hữu quan.

Nghị định 67/2014/NĐ-CP là một chính sách hoàn thiện nhất từ trước đến nay để phát triển nghề cá và giải quyết những khó khăn cho ngư dân yên tâm bám biển. Hàng loạt các cơ chế, chính sách tài chính hỗ trợ cho ngư dân đã ra đời.

Với Nghị định số 67/2014/NĐ-CP, Chính phủ chủ trương hỗ trợ ở mức cao nhất để ngư dân khai thác hải sản đạt hiệu quả, yên tâm khi vươn khơi đánh bắt xa bờ và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Theo đó, chính sách hỗ trợ từ ngân sách nhà nước (NSNN) được áp dụng khá toàn diện. Nhà nước đảm bảo kinh phí thiết kế và bảo dưỡng tàu vỏ thép; hỗ trợ lãi suất tín dụng; hỗ trợ mua bảo hiểm thân tàu, thuyền viên; hỗ trợ việc bảo dưỡng tàu vỏ thép; trợ giá đối với một số mặt hàng quan trọng, thiết yếu, hỗ trợ tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ… để khuyến khích ngư dân vay vốn ngân hàng thương mại để đầu tư đóng mới, nâng cấp công suất tàu vỏ thép, vỏ vật liệu mới công suất lớn khai thác hải sản xa bờ và tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ.

Bên cạnh đó, Nghị định cũng giao quyền tự quyết định cho chủ tàu, ngư dân, đối tượng vay vốn trong việc đóng mới, nâng cấp tàu (lựa chọn mẫu thiết kế, hợp đồng đóng tàu với các doanh nghiệp đóng tàu…); đồng thời, giao nhiệm vụ cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc xác định đối tượng đang hoạt động nghề cá hiệu quả, có khả năng tài chính phù hợp, có phương án sản xuất cụ thể để thực hiện tốt nhiệm vụ này...

Những nội dung nổi bật của Nghị định 67/2014/NĐ-CP bao gồm:

Về chính sách đầu tư

Trên cơ sở kế thừa các chính sách hiện hành, Nghị định 67/2014/NĐ-CP quy định NSNN ưu tiên bố trí vốn hàng năm theo kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt trong giai đoạn 2015 - 2020 với mức đầu tư bình quân hàng năm tăng tối thiểu gấp 2 lần so với giai đoạn 2011 - 2014 để bảo đảm đẩy nhanh và hoàn thành dứt điểm các công trình, dự án theo quy định.

Đối với các hạng mục thiết yếu, ngân sách trung ương đầu tư 100% kinh phí xây dựng cảng cá loại I, khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng; hỗ trợ đầu tư cho cảng cá loại II và khu neo đậu tránh trú bão cấp tỉnh tối đa 90% đối với các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách và tỉnh Quảng Ngãi, tối đa 50% đối với địa phương có điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách trung ương.

Ngân sách trung ương đầu tư 100% tổng mức đầu tư (kể cả giải phóng mặt bằng, các hạng mục hạ tầng thiết yếu và các hạng mục khác) đối với các tuyến đảo, bao gồm các dự án cảng cá (loại I, loại II) và khu neo đậu tránh trú bão thuộc tuyến đảo.

Ngân sách trung ương đầu tư 100% kinh phí xây dựng hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung trên biển bao gồm hệ thống phao tiêu, đèn báo ranh giới khu vực nuôi, hệ thống neo lồng bè.

Về chính sách bảo hiểm, thuế hỗ trợ ngư dân

Với chính sách bảo hiểm hỗ trợ ngư dân, Nghị định nêu rõ, NSNN hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm cho các tàu khai thác hải sản xa bờ, tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ là thành viên tổ, đội hợp tác xã khai thác hải sản và có tổng công suất máy chính từ 90CV trở lên; Hỗ trợ 100% kinh phí mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên cho mỗi thuyền viên làm việc trên tàu; Hỗ trợ hàng năm kinh phí mua bảo hiểm thân tàu, trang thiết bị, ngư lưới cụ trên mỗi tàu với mức: 70% kinh phí mua bảo hiểm đối với tàu công suất từ 90CV đến dưới 400CV; 90% đối với tàu 400CV trở lên.

Hỗ trợ 100% kinh phí mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên cho mỗi thuyền viên làm việc trên tàu; Hỗ trợ hàng năm kinh phí mua bảo hiểm thân tàu, trang thiết bị, ngư lưới cụ trên mỗi tàu với mức: 70% kinh phí mua bảo hiểm đối với tàu công suất từ 90CV đến dưới 400CV; 90% đối với tàu 400CV trở lên.

Bên cạnh đó, ngư dân được hưởng nhiều chính sách ưu đãi về thuế, chi phí đào tạo vận hành tàu vỏ thép, kỹ thuật khai thác, bảo quản sản phẩm theo công nghệ mới; chi phí vận chuyển hàng hóa từ đất liền ra tàu khai thác hải sản xa bờ và vận chuyển sản phẩm về đất liền; mức hỗ trợ 40 triệu đồng/chuyến biển đối với tàu có công suất từ 400- 800 CV; 60 triệu đồng/chuyến biển đối với tàu có công suất từ 800CV trở lên; được miễn thuế thu nhập cá nhân đối với hộ gia đình, cá nhân trực tiếp khai thác hải sản; Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập từ hoạt động khai thác hải sản; Miễn thuế nhập khẩu đối với máy móc, thiết bị, nguyên liệu, linh kiện trong nước chưa sản xuất được để đóng mới, nâng cấp tàu có công suất từ 400CV trở lên.

Về chính sách tín dụng

Vấn đề đóng mới tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ (có tổng công suất máy chính 400CV trở lên), bao gồm cả máy móc, trang thiết bị hàng hải; máy móc thiết bị bảo quản hải sản; bảo quản hàng hóa; bốc xếp hàng hóa: (i) Với tàu vỏ thép, chủ tàu được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 1%/năm, NSNN cấp bù 6%/năm; (ii) Với tàu vỏ gỗ, chủ tàu được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 70% tổng giá trị đầu tư đóng mới với lãi suất 7%/ năm, trong đó chủ tàu trả 3%/năm, NSNN cấp bù 4%/năm.

Đối với việc đóng mới tàu khai thác hải sản xa bờ vỏ gỗ, vỏ thép, vỏ vật liệu mới, chủ tàu được vay tối đa từ 70 - 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả từ 1 - 3%/ năm, NSNN cấp bù từ 4 - 6%/năm.

Đối với việc nâng cấp tàu vỏ gỗ công suất dưới 400CV, hoặc nâng cấp tàu có tổng công suất từ 400CV trở lên, chủ tàu được vay tối đa 70% giá trị nâng cấp tàu với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 3%/năm, NSNN cấp bù 4%/năm.

Thời hạn cho vay theo Nghị định 67/2014/ NĐ-CP sẽ kéo dài trong 11 năm, trong đó năm đầu tiên chủ tàu được miễn lãi và chưa phải trả nợ gốc. Chủ tàu được thế chấp giá trị tài sản hình thành từ vốn vay làm tài sản để đảm bảo khoản vay. Trong trường hợp gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng, tùy từng trường hợp, chủ tàu được ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và được xử lý theo hợp đồng bảo hiểm.

Ngoài ra, Nghị định 67/2014/NĐ-CP còn áp dụng chính sách cho vay vốn lưu động đối với các chủ tàu khai thác hải sản và cung cấp dịch vụ hậu cần khai thác hải sản; Hạn mức cho vay tối đa là 70% giá trị cung cấp dịch vụ hậu cần đối với tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản; tối đa 70% chi phí cho một chuyến đi biển đối với tàu khai thác hải sản; Lãi suất cho vay là 7%/năm trong năm đầu tiên...

Để đảm bảo hài hòa giữa tàu cũ với tàu mới, tàu vở gỗ và tàu sắt, Chính phủ cũng xác định không cứng nhắc trong hỗ trợ bà con ngư dân. Quan điểm của Chính phủ là không chuyển đổi toàn bộ tàu vỏ gỗ sang tàu vỏ thép bằng mọi giá mà cần tiến hành có lộ trình, có trọng tâm, trọng điểm. Chính vì thế, trong Nghị định 67/2014/NĐ-CP, song song với việc hỗ trợ đóng tàu vỏ thép, Chính phủ vẫn có chính sách hỗ trợ đầu tư đóng mới tàu vỏ gỗ công suất lớn xa bờ, hỗ trợ ngư dân nâng cấp tàu đang hoạt động, hỗ trợ chi phí đào tạo thuyền viên, hỗ trợ chi phí bảo dưỡng tàu…