Tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp

Qua rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, để xây dựng cơ sở pháp lý cho việc vận hành Hệ thống VNACCS/VCIS, việc xây dựng hành lang quy định, hướng dẫn Nghị định 87/2012/NĐ-CP ngày 23/10/2012 của Chính phủ quy định một số Điều của Luật Hải quan về thủ tục hải quan điện tử (TTHQĐT) đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu (XNK) thương mại là hết sức cần thiết. Qua đó, không chỉ xây dựng cơ sở pháp lý cho việc triển khai VNACCS/VCIS, khắc phục, tháo gỡ các vướng mắc, bất cập trong thực hiện TTHQĐT tại Thông tư 196/2012/TT-BTC ngày 15/11/2012 của Bộ Tài chính quy định về TTHQĐT đối với hàng hóa XNK thương mại mà còn đáp ứng yêu cầu Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2020.

Thông tư 22/2014/TT-BTC ra đời là cơ sở pháp lý triển khai hệ thống VNACCS/VCIS trong thời gian tới và thay thế Thông tư 196/2012/TT-BTC. Thông tư 22/2014/TT-BTC bao gồm 5 Chương, 35 Điều và 3 Phụ lục, trên cơ sở kế thừa những nội dung cơ bản của Thông tư 196/2012/TT-BTC. Trong đó, đưa ra những quy định mới phù hợp với bối cảnh thực tiễn hiện nay. Việc thực hiện TTHQĐT trên Hệ thống VNACCS/VCIS sẽ còn mở ra nhiều thuận lợi hơn nữa cho cộng đồng DN như: Tạo môi trường cạnh tranh công bằng cho tất cả các DN đang hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam. Các lợi ích cụ thể như tiết kiệm chi phí và thời gian, không phải xuất trình tờ khai hải quan điện tử in trong quá trình làm thủ tục hải quan, nâng cao hiệu quả quản lý của DN, nâng cao tính cạnh tranh…

So với quy định tại Thông tư 196/2012/TT-BTC, Thông tư 22/2014/TT-BTC đã quy định thêm nhiều điểm mới về việc DN không phải in tờ khai hải quan. Theo đó, trong quá trình làm thủ tục hải quan, người khai hải quan không phải in tờ khai hải quan điện tử. Cơ quan Hải quan không xác nhận trên tờ khai hải quan điện tử in của DN. Trường hợp các cơ quan quản lý Nhà nước cần xác nhận thông tin tờ khai hải quan thì sẽ được cấp tài khoản truy cập hệ thống VNACCS để tra cứu thông tin. Người khai hải quan tự lưu giữ chứng từ thuộc hồ sơ hải quan (bản giấy và điện tử) nhằm phục vụ thuận lợi cho công tác kiểm tra sau thông quan của cơ quan Hải quan.

Đây là quy định mang lại nhiều thuận lợi cho DN bởi Hệ thống VNACCS/VCIS hỗ trợ người khai hải quan khai theo các chỉ tiêu thông tin (quy định tại Phụ lục II kèm theo Thông tư này) nhằm nâng cao vai trò điện tử hóa trong quá trình làm TTHQĐT, giảm thiểu chứng từ giấy cho DN. Đồng thời hệ thống cho phép cơ quan chức năng tra cứu thông tin trên hệ thống (khi cần thiết).

Khác với Thông tư 196/2012/TT-BTC, theo thiết kế của Hệ thống VNACCS/VCIS, người khai hải quan phải đăng ký trước thông tin hàng hóa XNK trước khi khai hải quan. Việc đăng ký trước thông tin là giao dịch bắt buộc nhằm tăng tính chính xác trong khai báo hải quan. Tại khâu nghiệp vụ này, người khai thực hiện việc khai các thông tin trong đó có thông tin phục vụ cho việc tính thuế. Do vậy Thông tư đưa ra quy định này để pháp lý hóa các khâu này và quy định trách nhiệm của người khai phải kiểm tra và chịu trách nhiệm về số thuế khai báo theo nguyên tắc tự tính, tự nộp (hệ thống chỉ hỗ trợ tính toán).

Những điều kiện bắt buộc

Bên cạnh việc tạo điều kiện thuận lợi, Thông tư 22/2014/TT-BTC cũng đưa ra quy định mới là yêu cầu bắt buộc về sử dụng chữ ký số trong thực hiện TTHQĐT. Điều này giúp nâng cao tính bảo mật thông tin, tính chống chối bỏ, đảm bảo sự toàn vẹn của dữ liệu DN khi truyền đến cơ quan Hải quan... Theo đó, khi tham gia Hệ thống VNACCS/VCIS, người khai hải quan phải đăng ký tham gia kết nối với hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan để được cấp tài khoản truy cập và vào hệ thống. Khi có thay đổi, bổ sung thông tin đăng ký, người khai hải quan phải thông báo kịp thời tới cơ quan Hải quan. Quy định này hoàn toàn phù hợp với lộ trình và các điều kiện để kết nối Cơ chế một cửa ASEAN, đồng thời là bước tiến mới trong hiện thực hóa quyết tâm cải cách thủ tục hành chính của ngành Hải quan.

Nếu Thông tư 196/2012/TT-BTC không giới hạn số mặt hàng trên mỗi tờ khai thì tại Thông tư 22/2014/TT-BTC quy định một tờ khai hải quan chỉ được khai tối đa 50 mặt hàng. Trường hợp một lô hàng có trên 50 mặt hàng, người khai hải quan được khai báo trên nhiều tờ khai, các tờ khai của cùng một lô hàng có chung số tờ khai nhưng phân biệt với nhau bằng số nhánh của tờ khai tuần tự từ một đến hết. Quy định này để phù hợp thiết kế của Hệ thống VNACCS/VCIS nhằm trách trường hợp tắc nghẽn Hệ thống khi DN khai quá nhiều dòng hàng và chuyển file dữ liệu lớn lên Hệ thống.

Đối với các loại hình gia công, sản xuất xuất khẩu, chế xuất, Thông tư 22/2014/TT-BTC quy định việc khai báo hợp đồng gia công, danh mục sản phẩm, danh mục nguyên vật liệu, định mức, quyết toán thực hiện trên Hệ thống E-customs (Hệ thống thông quan điện tử vệ tinh của VNACCS/VCIS). Liên quan đến thủ tục với loại hình gia công, Thông tư không quy định mẫu tờ khai gia công chuyển tiếp, không quy định lấy mẫu nguyên vật liệu để phù hợp dự thảo thông tư thay thế Thông tư 117/2011/TT-BTC hướng dẫn thủ tục hải quan đối với hàng hóa gia công với thương nhân nước ngoài. Trường hợp, loại hình chế xuất, Thông tư quy định đối với hàng hóa nhập khẩu (NK) mục đích sử dụng là tiêu dùng không phải đăng ký danh mục, đặt mã quản lí và không phải báo cáo nhập - xuất - tồn định kì với cơ quan Hải quan.

Tại Điều 6 của Thông tư quy định khi sửa đổi, bổ sung thông tin đã đăng ký, người sử dụng đăng nhập vào cổng thông tin điện tử hải quan, thực hiện chức năng sửa thông tin đăng ký và gửi yêu cầu sửa đổi, bổ sung thông tin này đến cơ quan Hải quan. Cơ quan Hải quan sẽ kiểm tra nội dung sửa đổi, bổ sung của người sử dụng và phản hồi kết quả. Trường hợp hủy hiệu lực thông tin đã đăng ký trên Hệ thống, người sử dụng đăng nhập vào Cổng thông tin điện tử hải quan, thực hiện chức năng yêu cầu hủy hiệu lực thông tin đăng ký và gửi yêu cầu hủy hiệu lực thông tin này tới cơ quan Hải quan. Cơ quan Hải quan kiểm tra yêu cầu hủy hiệu lực thông tin đã đăng ký của người sử dụng và phản hồi kết quả kiểm tra tới người sử dụng.

Ngoài ra, Thông tư 22/2014/TT-BTC còn đưa ra quy định đối với trường hợp phải xuất trình, nộp bản giấy theo yêu cầu của các cơ quan có thẩm quyền (công an, quản lý thị trường…) thì tờ khai hải quan điện tử được in ra giấy theo mẫu tờ khai hàng hóa XK, tờ khai hàng hóa NK ban hành kèm theo Thông tư này. Việc in và xác nhận tờ khai hải quan khi hàng xuất khẩu, nhập khẩu được đưa vào hoặc đưa ra khu vực giám sát hải quan.

Đối với hàng được thông quan gồm hàng hóa thuộc diện luồng 1 (xanh) được áp dụng cho trường hợp hàng hóa XK, người khai hải quan in tờ khai hàng hóa XK (trừ thông tin chi tiết từng dòng hàng) không cần xác nhận của cơ quan Hải quan; hàng nhập khẩu, công chức giám sát thuộc Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai hoặc Chi cục Hải quan nơi hàng hóa vận chuyển đi thực hiện việc in, đóng dấu xác nhận, ký, đóng dấu công chức vào góc trên cùng bên phải của trang đầu tiên Tờ khai hàng hóa nhập khẩu đã được phê duyệt thông quan, giao cho người khai hải quan để làm thủ tục tiếp theo (nếu có).

Đối với hàng hóa thuộc diện luồng 2 (vàng), luồng 3 (đỏ), công chức thuộc Chi cục hải quan nơi đăng ký tờ khai thực hiện việc in, đóng dấu xác nhận, ký, đóng dấu công chức vào góc trên cùng bên phải của trang đầu tiên tờ khai xuất khẩu, Tờ khai hàng hóa nhập khẩu đã được phê duyệt thông quan, giao cho người khai hải quan để làm thủ tục tiếp theo (nếu có).

Thông tư số 22/2014/TT-BTC: Lực đẩy mới cho hải quan điện tử

ThS. ĐOÀN THU NGÂN - Tổng cục Hải quan

(Tài chính) Để tiếp tục đẩy mạnh tiến trình hiện đại hóa hải quan, đặc biệt là đảm bảo vận hành thông suốt Hệ thống thông quan điện tử và cơ chế một cửa quốc gia (VNACCS/VCIS), ngày 14/2/2014 Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 22/2014/TT-BTC quy định thủ tục hải quan điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thương mại. Thông tư này có ý nghĩa quan trọng tạo động lực để đẩy mạnh hơn nữa trong phát triển hải quan điện tử.

Xem thêm

Video nổi bật