Cắt giảm 117 điều kiện kinh doanh:

Tiết giảm chi phí, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp

BD t/h

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 151/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính. Để thông tin rõ hơn về nội dung Nghị định, bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính) đã có cuộc trao đổi với Tạp chí Tài chính về vấn đề này.

Phóng viên: Nghị định số 151/2018/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành ngày 7/11/2018 đang nhận được sự quan tâm của đông đảo cộng đồng doanh nghiệp. Xin bà cho biết Nghị định được ban hành có ý nghĩa như thế nào?

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài chính
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính).

  Bà Nguyễn Thị Thu Thủy:
Cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư, kinh doanh là chủ trương quan trọng của Chính phủ với mục tiêu tạo chuyển biến mạnh mẽ về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Điều này được thể hiện tại Nghị quyết số 01/NQ-CP, trong đó, đưa ra mục tiêu cắt giảm và đơn giản hóa 50% điều kiện kinh doanh và 50% các thủ tục kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa nhập khẩu.

Thực hiện chủ trương trên, Bộ Tài chính đã tích cực rà soát, xây dựng phương án cắt giảm đơn giản hóa điều kiện kinh doanh theo nguyên tắc tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhưng đồng thời vẫn đảm bảo mục tiêu quản lý nhà nước. Trên cơ sở đó đã trình Thủ tướng Chính phủ Phương án cắt, giảm điều kiện đầu tư kinh doanh và sau khi Phương án này được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 151/2018/NĐ-CP ngày 7/11/2018 sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính.

Theo đó, Nghị định sửa đổi, bổ sung 14 Nghị định trong lĩnh vực tài chính, qua đó đã cắt giảm 117 điều kiện kinh doanh thuộc 13 ngành nghề: Kế toán, kiểm toán; Xổ số, casino, đặt cược, trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài; Dịch vụ xếp hạng tín nhiệm; Dịch vụ quản lý quỹ hưu trí tự nguyện; Kinh doanh bảo hiểm, tái bảo hiểm, môi giới bảo hiểm; Thẩm định giá; Chứng khoán.

Ngoài việc cắt giảm điều kiện kinh doanh, Nghị định còn cắt giảm các quy định về hồ sơ, thủ tục liên quan để có thể thực hiện ngay khi ban hành (Nghị định có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành) qua đó tiết giảm chi phí, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp cận ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Nghị định 151/2018/NĐ-CP đã sửa đổi, bãi bỏ nhiều quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm và kinh doanh chứng khoán. bên cạnh đó, lợi ích nhà đầu tư, doanh nghiệp được hưởng là gì, thưa bà?

Chỉ riêng hai lĩnh vực này đã cắt giảm, đơn giản hóa 75 điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính.

Trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, đã cắt giảm 19 điều kiện, đơn giản hóa 07 điều kiện được quy định tại Nghị định 73/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016. Trong đó, đối với tổ chức Việt Nam tham gia thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn bảo hiểm, Nghị định đã bãi bỏ điều kiện là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm. Qua đó, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực khác được tham gia góp vốn thành lập doanh nghiệp bảo hiểm.

Bên cạnh đó, Nghị định cũng bãi bỏ một số điều kiện ban đầu mà doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài thành lập chi nhánh tại Việt Nam phải đáp ứng (như được cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm nước ngoài nơi doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài đóng trụ sở chính cho phép thành lập chi nhánh tại Việt Nam để hoạt động); bãi bỏ một số điều kiện đối với đại lý bán sản phẩm bảo hiểm liên kết chung, bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm thủy sản.

Việc cắt, giảm các điều kiện đó không chỉ giúp cho doanh nghiệp bảo hiểm được chủ động lựa chọn đại lý bảo hiểm triển khai sản phẩm mà còn tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân làm đại lý bảo hiểm.

Ngoài ra, một số điều kiện kinh doanh khác được sửa đổi theo hướng đơn giản để phù hợp với điều kiện thực tế, dễ thực hiện, đồng thời tạo sự chủ động, tự chịu trách nhiệm của cá nhân, tổ chức đề nghị thành lập doanh nghiệp bảo hiểm (giảm yêu cầu về thời gian hoạt động đối với tổ chức nước ngoài khi thành lập doanh nghiệp bảo hiểm tại Việt Nam từ “10 năm” xuống “7 năm” kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực dự kiến tiến hành tại Việt Nam, đơn giản hoá điều kiện đối với công ty cổ phần bảo hiểm dự kiến được thành lập chỉ cần tối thiểu 2 cổ đông (thay vì 2 cổ đông sáng lập là tổ chức…)

Trong lĩnh vực chứng khoán, Nghị định đã cắt giảm 26 điều kiện, đơn giản hóa 23 điều kiện đang được quy định tại Nghị định 58/2012/NĐ-CP ngày 20/7/2012, Nghị định 86/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016.

Một số quy định cắt, giảm nổi bật như giảm điều kiện về mức vốn điều lệ tối thiểu đối với nghiệp vụ tự doanh chứng khoán từ 100 tỷ đồng xuống 50 tỷ đồng; giảm tiêu chuẩn đối với Tổng giám đốc (Giám đốc) của tổ chức kinh doanh chứng khoán; bãi bỏ điều kiện tổ chức tham gia góp vốn thành lập tổ chức kinh doanh chứng khoán không có lỗ lũy kế; bãi bỏ điều kiện tài chính để công ty chứng khoán được thực hiện giao dịch ký quỹ gồm điều kiện không có lỗ lũy kế bằng hoặc lớn hơn 50% vốn điều lệ và điều kiện tỷ lệ tổng nợ trên vốn chủ sở hữu không vượt quá 03 lần.

Với các quy định này, Nghị định tạo điều kiện thuận lợi hơn cho tổ chức tham gia góp vốn thành lập tổ chức kinh doanh chứng khoán; tạo thuận lợi hơn cho công ty chứng khoán thực hiện nghiệp vụ tự doanh, cung cấp dịch vụ giao dịch ký quỹ, giao dịch trong ngày cho khách hàng; thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài thông qua việc giảm điều kiện để tổ chức kinh doanh chứng khoán nước ngoài được cung cấp dịch vụ tại Việt Nam.

Xin bà cho biết, kế hoạch tiếp theo của Bộ Tài chính trong việc tiếp tục cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh nhằm tạo điều kiện thuận lợi, thiết thực cho cộng đồng doanh nghiệp?

Thực hiện chủ trương của Chính phủ, Bộ Tài chính xác định việc rà soát cắt giảm, đơn giản hóa những điều kiện kinh doanh không cần thiết, gây cản trở cho doanh nghiệp là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục. Trong quá trình xây dựng thể chế, Bộ Tài chính cũng tăng cường rà soát để cắt giảm không chỉ điều kiện kinh doanh mà còn những quy định bất hợp lý khác nhằm tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp.

Là một bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, số lượng văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành là rất lớn, nhiều lĩnh vực phức tạp, phạm vi ảnh hưởng rộng.

Trong thời gian tới, Bộ Tài chính dự kiến sẽ trình Chính phủ các dự thảo Nghị định để cắt, giảm điều kiện kinh doanh hàng miễn thuế, kho bãi, địa điểm làm thủ tục hải quan, tập kết, kiểm tra, giám sát hải quan (dự kiến cắt, giảm 14 điều kiện kinh doanh) và trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ đòi nợ (dự kiến cắt giảm 5 điều kiện kinh doanh).

Ngoài ra hiện nay, dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) và Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đã được đưa vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh của Quốc hội và đang trong quá trình soạn thảo. Theo đó, dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi) được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tháng 10/2018 và thông qua tại kỳ họp tháng 5/2019; Dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tháng 5/2019 và thông qua tại kỳ họp tháng 10/2019; dự kiến khi được thông qua 2 dự án luật trên sẽ cắt giảm thêm 28 điều kiện đầu tư kinh doanh.

Xin cảm ơn bà!