Trao đổi về công tác phối hợp thu ngân sách nhà nước qua ngân hàng thương mại

NGUYỄN QUANG HÙNG

(Tài chính) Chương trình ứng dụng thu theo dự án Hiện đại hóa thu ngân sách nhà nước (NSNN) của Bộ Tài chính tại các điểm thu của Kho bạc Nhà nước (KBNN) (gọi tắt là chương trình TCS) được đưa vào ứng dụng đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu NSNN cho hệ thống KBNN và các cơ quan thu, giảm nhẹ được khối lượng công việc cho kế toán thu khi nhập chứng từ thu NSNN vào TABMIS, nhất là khi thực hiện thu thuế qua hệ thống ngân hàng thương mại.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Trên cơ sở Thông tư 128/TTBTC ngày 24/12/2009 của Bộ Tài chính, Thỏa thuận hợp tác tổ chức phối hợp thu NSNN giữa KBNN - Tổng cục Thuế và ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Việt Nam ký ngày 22/09/2009, các đơn vị KBNN Duy Xuyên (Quảng Nam), Chi cục Thuế Duy Xuyên và ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Duy Xuyên tổ chức xây dựng qui trình nghiệp vụ, kết nối và trao đổi thông tin dữ liệu để phối hợp thực hiện thu thuế, phí, lệ phí và các khỏan thu khác của NSNN (kể cả bằng tiền mặt và chuyển khoản) thông qua hệ thống các chi nhánh, điểm giao dịch của Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Duy Xuyên và đã bắt đầu thực hiện phối hợp thu thuế qua ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn huyện Duy Xuyên từ ngày 15/05/2011.

Nhìn chung việc thực hiện thu thuế qua ngân hàng thương mại đã tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế khi thực hiện nghĩa vụ nộp tiền vào NSNN. Người nộp thuế có thể cho địa điểm thuận lợi cho mình để nộp thuế. Đặc biệt trong suốt thời gian qua, việc thực hiện kết nối, truyền tải dữ liệu giữa Ngân hàng – KBNN – Chi cục Thuế được thực hiện tốt, đảm bảo nguồn thu được nộp kịp thời, đầy đủ, chính xác vào NSNN. 5 tháng đầu năm 2013 lượng chứng từ thu thuế nộp qua ngân hàng chiếm tỷ lệ 93% trong tổng số chứng từ thu thuế được hạch toán tại KBNN Duy Xuyên; tổng số tiền thu thuế qua Ngân hàng đạt tỷ lệ 56,2% tổng thu thuế phát sinh trên địa bàn.

Tuy nhiên bên cạnh đó cũng còn những mặt hạn chế khi thực hiện thu thuế qua ngân hàng mà chúng ta cần phải xem xét, như:

Một là, các khoản thu NSNN vãng lai từ các Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn khác mà KBNN Duy Xuyên không mở tài khoản được hạch toán trực tiếp vào tài khoản tiền gởi của KBNN Duy Xuyên mở tại Ngân hàng thông qua chương trình kế toán của hệ thống ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn nên các chứng từ này Ngân hàng không thể nhập vào chương trình Ari-tax của ngân hàng vì số dư tài khoản của Kho bạc sẽ tăng lên gấp đôi do nhập 2 lần. Do đó Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn huyện Duy Xuyên phải chuyển chứng từ giấy cho Kho bạc để Kho bạc nhập vào TCS.

Việc này gây trở ngại cho việc đối chiếu liệu của hai bên, làm chậm trễ trong việc hạch toán các khoản thu này vào NSNN và chưa đúng theo nội dung hướng dẫn trong phụ lục thỏa thuận phối hợp thu NSNN qua ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn.

Hai là,
việc nhập chứng từ của cán bộ ngân hàng còn sai sót như nhập sai mục lục NSNN, sai mã số thuế…, đặc biệt là sai mã địa bàn thu NSNN dẫn đến việc điều tiết sai địa bàn thụ hưởng NSNN, nhất là trong lĩnh vực thu thuế trước bạ. Các chứng từ nhập sai này thì kho bạc và cả chi cục Thuế đều không thể kiểm tra xác định được địa bàn nộp thuế của người nộp mà chỉ biết căn cứ vào chứng từ nhập của cán bộ ngân hàng. Đây là một tồn tại cần phải được khắc phục ngay. Đối với các khoản thu sai mục lục NSNN, hiện nay điều chỉnh chủ yếu là do cơ quan thu theo dõi kiểm tra sổ bộ mới phát hiện được sai sót.

Ba là, hệ thống chương trình Ari - Tax của ngân hàng quản lý các thông tin còn chưa chặt chẽ, chứng từ thu NSNN kế toán viên nhập vào chương trình không có thông tin của tài khoản có (nhập tài khoản có là 0000) nhưng chương trình vẫn cho đi, khi truyền số liệu sang cho kho bạc thì kho bạc không thể điều chỉnh được mà phải nhập vào tài khoản 3581. Mặc khác việc đăng ký thông tin danh mục tài khoản bên ngân hàng cũng chưa chính xác, có cả các tài khoản 7311, 7411 nên khi kế toán viên ngân hàng nhập nhầm tài khoản 7111 thành 7411, 7311 thì kho bạc nhận chứng từ về cũng không hạch toán được.

Bốn là, theo quy định tại TT 85/2011/TT-BTC ngày 17/6/2011 của Bộ Tài chính Hướng dẫn quy trình tổ chức phối hợp thu ngân sách nhà nước giữa Kho bạc Nhà nước - Tổng cục Thuế - Tổng cục Hải quan và các ngân hàng thương mại thì thời điểm “cut off time” được quy định là 15h30 hàng ngày làm nhưng hiện tại ngân hàng vẫn thực hiện thu và truyền số liệu sau 17h (Thời điểm “cut off time”: là thời điểm tạm ngừng truyền, nhận chứng từ thanh toán trong ngày để đối chiếu số liệu thanh toán trong ngày giữa KBNN và ngân hàng thương mại).

Bên cạnh đó việc truyền số liệu có lúc bị lỗi như truyền đi nhiều món, nhưng kho bạc nhận ít hơn, hoặc truyền nhiều lần gây khó khăn cho việc nhận dữ liệu của kho bạc. Những lần truyền lại phải xóa bỏ mới khóa sổ ngày được. Đây cũng là một tồn tại hiện nay.

Năm là, trên Bảng kê nộp thuế (Mẫu số: 01/BKNT ban hành theo Thông tư 85/2011/TT-BTC ngày 17/6/2011 của BTC) chỉ có các cột: số thứ tự, nội dung các khoản nộp ngân sách, kỳ thuế, số tiền nhưng lại thiếu các cột chương, nội dung kinh tế. Điều này tạo thuận lợi cho người nộp thuế trong việc ghi chép nhưng lại gây khó khăn cho kế toán trong việc xác định mục lục NSNN để hạch toán, hơn nữa với cán bộ ngân hàng thì càng ít hiểu rõ về hệ thống mục lục NSNN nên rất dễ nhầm lẫn khi nhập chứng từ vào máy.

Bảng kê này chỉ phù hợp cho đối tượng nộp các khoản thu về thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp chứ đối với những khoản thu khác thì rất khó xác định nếu người nộp các khoản thu không ghi rõ mục lục NSNN. Nhằm hạn chế các sai sót trong quá trình nhập chứng từ thu NSNN qua hệ thống ngân hàng thương mại, tôi có đề xuất:

Một là: Hiện nay quy trình truyền số liệu theo chiều từ ngân hàng truyền sang kho bạc sau đó kho bạc truyền sang cơ quan thu. Đề nghị nên cải tiến lại quy trình này theo hướng ngân hàng truyền số liệu sang cơ quan thu. Cơ quan thu sau khi đã kiểm tra, chỉnh sửa chính xác số liệu sẽ truyền sang cho kho bạc để hạch toán. Theo quy trình này, các khoản thu sẽ được cơ quan thu nhận trực tiếp từ ngân hàng, cơ quan thu sẽ kiểm tra, sửa đổi các khoản thu theo đúng hồ sơ sổ bộ thuế đối với các khoản thu do ngân hàng nhập sai (nếu có) sau đó truyền số liệu đã kiểm tra đúng sang kho bạc hạch toán. Quy trình này giảm thiểu tối đa các sai sót trong quá trình thu NSNN. Tuy nhiên, cải cách theo quy trình này sẽ gắn liền với cải cách việc mở tài khoản thu của cơ quan thu.

Hai là: Đề nghị bổ sung vào Bảng kê nộp thuế các cột mã chương, mã NDKT theo mẫu nhằm hạn chế sai sót trong quá trình ghi chép và hạch toán.

Ba là: Trên chương trình Ari - Tax của ngân hàng chỉ nên đăng ký các tài khoản 7111, 3591, 3949, 3511, không nên đăng ký các tài khoản 7311, 7411 để tránh nhập nhầm tài khoản và đặc biệt là bắt lỗi ngay khi không nhập tài khoản có hoặc tài khoản 0000.

Bốn là: Cán bộ ngân hàng chỉ kiêm nhiệm việc nhập chứng từ thu NSNN, nên việc nhập chứng từ thu NSNN thường gặp nhiều sai sót. Vì vậy, đề nghị ngân hàng nên bố trí người thu NSNN chuyên trách và có tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ thu NSNN cho cán bộ này.

Năm là: Đề nghị ngân hàng nên xây dựng và chỉnh sửa chương trình để làm sao tất cả các khoản thu  NSNN đều được nhập đầy đủ vào Ari - Tax, tránh tình trạng như hiện nay một số thì nhập vào Ari - Tax, còn một số phải chuyển chứng từ giấy cho kho bạc hạch toán (đối với các chứng từ thu chuyển từ ngân hàng khác về ngân hàng phục vụ KBNN)

Bài đăng trên Tạp chí Quản lý Ngân quỹ Quốc gia số 137