Trình tự thành lập ngân hàng, công ty chứng khoán có thay đổi?


Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, nếu só sự thay đổi về trình tự thành lập ngân hàng, công ty chứng khoán như trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp (DN) do Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang chủ trì soạn thảo thì đây sẽ là một thay đổi quan trọng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Đăng ký thống nhất theo Luật DN và các luật chuyên ngành

Theo đó, VCCI cho rằng dự thảo đã có sửa đổi khá quan trọng về việc áp dụng thủ tục đăng ký DN và tất cả các tổ chức kinh tế khi thành lập đều phải thực hiện việc đăng ký DN theo Luật DN.

Trình tự, thủ tục đăng ký DN thực hiện theo quy định của Luật DN. Trường hợp luật chuyên ngành có quy định đặc thù về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của DN thì áp dụng quy định của Luật đó, trừ trình tự, thủ tục đăng ký DN.

Như vậy, đối với các lĩnh vực mà hiện việc thành lập và hoạt động hoàn toàn theo pháp luật chuyên ngành (trong đó có quy định giấy phép hoạt động đồng thời là giấy đăng ký DN), ví dụ ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm… quy định mới này của dự thảo sẽ làm thay đổi trình tự, thủ tục thành lập và hoạt động của các DN trong các lĩnh vực này.

Tuy nhiên, trong dự thảo lại chưa có quy định để “xử lý” các vấn đề pháp lý phát sinh từ thay đổi này. Chẳng hạn, VCCI đưa ví dụ, đối với các tổ chức đã thành lập và đang hoạt động theo luật chuyên ngành, họ có phải thực hiện lại thủ tục đăng ký DN theo Dự thảo hay không? Khi đó giá trị, thời điểm hiệu lực của giấy đăng ký kinh doanh theo Luật DN có ảnh hưởng như thế nào tới các giấy phép kinh doanh theo Luật chuyên ngành mà DN đang có?

Đối với các tổ chức sẽ thành lập trong các lĩnh vực này trong tương lai, quy trình đăng ký kinh doanh theo Luật này và xin phép thành lập theo Luật chuyên ngành sẽ kết hợp như thế nào?

“Chú ý là trong trường hợp này, về mặt pháp lý, nếu DN đã đăng ký thành lập thành công theo Luật DN thì là chủ thể đã tồn tại, do đó sẽ mâu thuẫn với thủ tục “xin phép thành lập” theo Luật chuyên ngành - và trong trường hợp này về nguyên tắc các Luật chuyên ngành sẽ phải sửa đổi, để chuyển thủ tục “cấp phép thành lập và kinh doanh” hiện tại thành thủ tục cấp phép kinh doanh (giấy phép cho ngành nghề kinh doanh có điều kiện - giấy phép con) như bất kỳ ngành nghề kinh doanh có điều kiện bằng giấy phép nào khác”, VCCI phân tích.

Một vấn đề khác đặt ra là các quy định liên quan đến thủ tục thành lập các tổ chức tại các văn bản chuyên ngành nào sẽ bị bãi bỏ sau khi Luật này. Điều 3 Dự thảo có bãi bỏ một số quy định tại văn bản có liên quan, tuy nhiên vẫn chưa đầy đủ (ví dụ: văn phòng luật sư, công ty luật được thành lập và hoạt động theo Luật Luật sư, Dự thảo không thấy quy định nào về việc sửa đổi/bãi bỏ các quy định liên quan trong Luật luật sư).

Bất cập thu hồi giấy chứng nhận đăng ký DN

Bên cạnh đó, VCCI cũng kiến nghị về các trường hợp thu hồi giấy chứng nhận đăng ký DN.

Điều 211 Luật DN quy định các trường hợp DN bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký DN. Quy định này được hiểu là chỉ thuộc các trường hợp được liệt kê này thì DN mới bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký DN.

Tuy nhiên, tại các văn bản hướng dẫn thi hành Luật DN (Nghị định 78/2015/NĐ-CP, Nghị định 108/2018/NĐ-CP) thì ngoài các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 211 Luật DN, DN sẽ bị thu hồi trong trường hợp theo quyết định hành chính thuế (khoản 20 Điều 1 Nghị định só 108 sửa đổi Điều 63 Nghị định số 78); trường hợp tên DN xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (Điều 19 Nghị định số 78).

Tuy nhiên, chính vì thiếu căn cứ trong Luật nên quy định về thu hồi Giấy đăng ký kinh doanh trong các trường hợp này hiện rất vòng vo, phức tạp. Ví dụ đối với trường hợp tên DN xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, Nghị định 78 đã quy định quy trình xử lý khá phức tạp, trong đó yêu cầu DN vi phạm phải báo cáo về việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, nếu DN không báo cáo sẽ vận dụng điểm d khoản 1 Điều 211 Luật DN (không gửi báo cáo) để thu hồi.

Quy định này bất cập ở điểm, nếu DN thực hiện báo cáo thì cũng đã thực hiện nghĩa vụ báo cáo của mình và cơ quan nhà nước sẽ không có căn cứ để thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký DN. Trong khi đó, Nghị định 78 chỉ quy định để giải quyết cho trường hợp, nếu DN không báo cáo mà không có quy định giải quyết cho trường hợp DN có báo cáo.

Hơn nữa, Nghị định số 78 cũng thiếu quy định về căn cứ để cơ quan nhà nước xem xét nội dung báo cáo, giải trình của DN, vì vậy quy trình này sẽ trở nên thiếu minh bạch.

Trên thực tế còn một số trường hợp khác cũng được phản ánh là cần thiết phải thu hồi giấy phép đăng ký kinh doanh (ví dụ các vi phạm nghiêm trọng pháp luật, ví dụ về môi trường, lao động…) mà không thể xử lý rút Giấy phép do không có căn cứ trong Luật DN.