Tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập: Bình đẳng giữa công lập và tư nhân

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

Nghị định 16 đã được Chính phủ ban hành và được coi là giải pháp hữu hiệu tạo cơ chế phân bổ nguồn lực ngân sách nhà nước (NSNN) một cách công bằng, bình đẳng giữa đơn vị sự nghiệp công lập và tư nhân, sử dụng hiệu quả NSNN.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Bình đẳng giữa các thành phần kinh tế

Ông Nguyễn Trường Giang - Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, Nghị định 16 của Chính phủ thể hiện tính công bằng ở việc phân bổ nguồn NSNN, chính sách đối với đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp dịch vụ công và công bằng giữa các thành phần kinh tế với nhau.

“Quy định trước đây không phân định rõ NSNN làm đến đâu, thị trường làm đến đâu. Vì thế, có những việc thị trường làm tốt thì ngân sách vẫn làm, dẫn đến dàn trải. Bây giờ cơ cấu lại, những gì thị trường làm tốt thì để thị trường làm. Còn những gì thị trường không làm được, hoặc làm không tốt thì mới phân bổ ngân sách để đơn vị công lập làm” - ông Giang nói.

Cũng theo ông Giang, Nghị định 16 quy định rất rõ là các bộ, ngành phải xây dựng danh mục dịch vụ công của từng bộ, ngành mình quản lý trình Thủ tướng Chính phủ. Chỉ những danh mục dịch vụ công được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đó mới được hưởng nguồn NSNN. Còn các dịch vụ công khác thì để thị trường thực hiện.

Bên cạnh việc công bằng trong phân bổ ngân sách, Nghị định 16 của Chính phủ cũng tạo cơ chế nâng cao quyền tự chủ của đơn vị công lập cung cấp dịch vụ công; từng bước xóa bỏ chính sách bao cấp qua giá trong cung cấp dịch vụ công; có lộ trình thực hiện chính sách giá cung cấp dịch vụ công bù đắp đủ chi phí (giai đoạn từ 2016 - 2020); đồng thời xây dựng chính sách hỗ trợ đối tượng chính sách như người nghèo có thể tiếp cận dịch vụ công tốt hơn nhờ có sự hỗ trợ giá, do đó việc điều chỉnh giá dịch vụ sẽ không bị ảnh hưởng nhiều.

Điều đáng nói của Nghị định 16 là chính sách công bằng, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế trong cung cấp dịch vụ công; khuyến khích thúc đẩy xã hội hóa, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư cung cấp dịch vụ công. Sự bình đẳng này thể hiện trong việc áp dụng chính sách thuế, chính sách giá, chính sách phân bổ NSNN.

“Tới đây chúng tôi sẽ có chính sách đấu thầu dịch vụ công. Tức là chúng tôi sẽ yêu cầu các đơn vị dịch vụ công nhà nước và dịch vụ công ngoài nhà nước sẽ cạnh tranh trên một sân chơi bình đẳng. Anh nào có phương án cạnh tranh nhất, dự án hợp lý nhất sẽ được lựa chọn. Như vậy sẽ đảm bảo sự công khai, minh bạch và phát huy hiệu quả”- ông Giang nói.

Đẩy mạnh xã hội hóa đơn vị sự nghiệp công

Một trong những giải pháp mà Bộ Tài chính đưa ra nhằm sử dụng hiệu quả NSNN đối với các đơn vị sự nghiệp công là thay đổi phương thức chi ngân sách và tái cơ cấu phân bổ nguồn lực trong cung cấp dịch vụ công. Cụ thể, sẽ điều chỉnh cơ cấu chi NSNN theo hướng tăng đầu tư cơ sở vật chất, giảm chi thường xuyên; mở rộng chính sách khuyến khích xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp dịch vụ công; khuyến khích chuyển dần các đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp dịch vụ công sang thực hiện phương thức tự đảm bảo kinh phí hoạt động, không nhận hỗ trợ từ NSNN. Đối với những đơn vị đủ điều kiện sẽ chuyển sang hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp.

Cùng với giải pháp trên, để phát huy tính tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, Bộ Tài chính cũng đề nghị các bộ, ngành liên quan đẩy nhanh việc triển khai Nghị định 16, cụ thể như: Xây dựng lộ trình tính đủ chi phí cung cấp dịch vụ công trong giá dịch vụ công; xây dựng chính sách hỗ trợ đối tượng chính sách, đối tượng nghèo giảm thiểu ảnh hưởng do việc điều chỉnh giá dịch vụ; xây dựng danh mục dịch vụ công sử dụng NSNN đối với từng lĩnh vực; ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng, cơ chế giám sát, kiểm định chất lượng dịch vụ công; quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công theo ngành, lĩnh vực…

Đề cập đến giải pháp nhằm tăng cường sự minh bạch trong chính sách phân bổ NSNN, ông Võ Thành Hưng - Vụ trưởng Vụ NSNN cho rằng, có 3 vấn đề cần phải đẩy mạnh thực hiện trong thời gian tới, đó là: Tạo cơ chế minh bạch về việc phân bổ, sử dụng NSNN; có cơ chế quản lý một cách hiệu quả và từng bước mở rộng hệ thống thông tin quản lý tài chính ở cấp chính phủ. Điều này sẽ giúp cho chính sách phân bổ NSNN đảm bảo sự công bằng, dễ giám sát và kiểm soát được hiệu quả.