Tự chủ tài chính đơn vị sự nghiệp giáo dục đào tạo công lập: Chưa đứng vững

Theo baohaiquan.vn

(Tài chính) Chủ trương đổi mới cơ chế tài chính của các đơn vị sự nghiệp giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) công lập phù hợp với lộ trình cải cách hành chính nhà nước và điều kiện thực tế của Việt Nam là hết sức cần thiết, nhưng kết quả đến nay không mấy khả quan, chưa đáp ứng tốt các nhu cầu của xã hội.

 Đơn vị sự nghiệp công cung cấp các dịch vụ GD-ĐT có khả năng xã hội hóa cao, tự đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động. Nguồn: internet
Đơn vị sự nghiệp công cung cấp các dịch vụ GD-ĐT có khả năng xã hội hóa cao, tự đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động. Nguồn: internet

Chỉ 0,6% đơn vị tự đảm bảo chi phí hoạt động

Thực hiện lộ trình cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2001-2010, cơ chế chính sách của Nhà nước đối với lĩnh vực sự nghiệp công đã từng bước đổi mới. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 quy định về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các đơn vị sự nghiệp công lập. Theo đó, có chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp GD-ĐT công lập đã thực hiện theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính.

Cùng với đổi mới cơ chế chính sách, Nhà nước đã ưu tiên dành nguồn vốn cho phát triển cung cấp các dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực GD-ĐT giai đoạn 2001-2010 với tổng nguồn vốn dành cho GD-ĐT là 603.870 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ trên 20% tổng chi ngân sách nhà nước từ năm 2008.

Theo tổng kết của Vụ Hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính), tính đến cuối năm 2011 theo báo cáo chưa đầy đủ, cơ quan bộ, ngành trung ương và các địa phương (không tính lực lượng vũ trang) đã có 20.226 đơn vị sự nghiệp GD-ĐT công lập được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính.

Trong đó, có 117 đơn vị tự đảm bảo chi phí hoạt động thường xuyên (chiếm tỷ lệ 0,6%), 6.902 đơn vị đảm bảo một phần chi phí hoạt động thường xuyên (chiếm tỷ lệ 34,1%) và 13.207 đơn vị do ngân sách nhà nước đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động (chiếm tỷ lệ 65,3%).

Theo đó, số đơn vị GD-ĐT tự đảm bảo kinh phí còn rất thấp, chủ yếu vẫn là các đơn vị sự nghiệp do nhà nước đảm bảo một phần hoặc toàn bộ kinh phí. Cụ thể, đối với cơ quan bộ, ngành trung ương, trong tổng số 238 đơn vị sự nghiệp GD-ĐT công lập được giao quyền tự chủ tự chịu trách nhiệm về tài chính, có 33 đơn vị tự đảm bảo chi phí hoạt động thường xuyên (chiếm tỷ lệ 11,7%), 238 đơn vị đảm bảo một phần chi phí hoạt động thường xuyên (chiếm tỷ lệ 84%) và 12 đơn vị do ngân sách nhà nước đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động (chiếm 4,3%).

Đối với cơ quan địa phương, trong tổng số 19.943 đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ tự chịu trách nhiệm về tài chính, chỉ có 0,4% tương đương với 84 đơn vị tự đảm bảo chi phí hoạt động thường xuyên. Còn lại, số đơn vị do ngân sách nhà nước đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động lên đến 13.195, tương đương 66,2%.

Tăng cường phân cấp, tự chủ tự chịu trách nhiệm cao hơn

Theo ông Nguyễn Việt Hồng, Vụ trưởng Vụ Hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính), về lâu dài vẫn tiếp tục thực hiện đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với đơn vị sự nghiệp GD-ĐT phù hợp với nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN. Nhà nước tiếp tục giữ vai trò chủ đạo trong việc đầu tư cơ sở vật chất các hoạt động dịch vụ sự nghiệp giáo dục; đảm nhiệm vai trò cung cấp một số loại hình dịch vụ sự nghiệp GD-ĐT có tính chất thiết yếu phổ cập.

Cùng với đó, Nhà nước đảm bảo kinh phí để các đối tượng chính sách, gia đình có công và người nghèo thụ hưởng các dịch vụ sự nghiệp GD-ĐT cơ bản, thiết yếu.

Cũng theo ông Nguyễn Việt Hồng, sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế về cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp GD-ĐT công lập. Trong đó, tăng cường phân cấp và thực hiện trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao hơn cho các đơn vị đồng bộ cả về tổ chức thực hiện nhiệm vụ, nhân lực, tài chính trên cơ sở có tính đến đặc điểm từng loại hình đơn vị, khả năng và nhu cầu thị trường, trình độ quản lý.

Trong đó, đối với các đơn vị sự nghiệp GD-ĐT công lập được nhà nước giao nhiệm vụ, biên chế và tài chính (chủ yếu các đơn vị sự nghiệp giáo dục phổ thông và một số trường đại học, dạy nghề ở vùng có điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn) thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm có hạn chế trong nguồn ngân sách nhà nước đảm bảo và biên chế được cấp có thẩm quyền giao theo vị trí việc làm của đơn vị.

Đối với nhóm các đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp các dịch vụ GD-ĐT có khả năng xã hội hóa cao, tự đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động (các trường đại học, dạy nghề), ông Nguyễn Việt Hồng nhấn mạnh, sẽ giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đồng bộ cả về tổ chức thực hiện nhiệm vụ, nhân lực, tài chính, tài sản khi cung cấp dịch vụ gắn với nhu cầu của xã hội, được quyết định thu giá dịch vụ trên cơ sở khung giá tính đủ các chi phí hợp lý, đúng pháp luật do cấp có thẩm quyền ban hành.

Ngoài ra, sẽ được Nhà nước giao vốn, xác định giá trị tài sản để giao cho đơn vị quản lý theo cơ chế giao vốn cho doanh nghiệp; được quyền quyết định việc huy động vốn, sử dụng vốn, tài sản gắn với nhiệm vụ được giao theo quy định để mở rộng việc cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, tự quyết định số người làm việc và trả lương trên cơ sở thang bảng lương của nhà nước và hiệu quả, chất lượng công việc theo kiểu hạch toán như doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Việt Hồng cho rằng, nhóm các đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp các dịch vụ GD-ĐT có khả năng xã hội hóa cao, tự đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động này sẽ thực hiện minh bạch hóa các hoạt động liên doanh, liên kết của các đơn vị sự nghiệp công lập, khắc phục tình trạng công- tư lẫn lộn.