Ưu đãi thuế để phát triển sản xuất kinh doanh

Theo mof.gov.vn

Dự thảo Luật Thuế Xuất khẩu, thuế nhập khẩu (thuế XNK) sửa đổi sẽ được Bộ Tài chính trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 vào tháng 10 tới. Theo đó, dự thảo Luật sẽ sửa đổi, bổ sung những quy định về ưu đãi thuế để khuyến khích phát triển sản xuất kinh doanh, xuất khẩu và đẩy mạnh xã hội hóa.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Ưu đãi thuế XNK nhiều loại hàng hóa

Đồng tình về sự cần thiết phải sửa Luật với cơ quan soạn thảo (Bộ Tài chính), Thường trực Ủy ban Tài chính- Ngân sách (TCNS) của Quốc hội cho rằng, phải sửa Luật Thuế XNK để tạo khuôn khổ pháp lý hoàn chỉnh, đồng bộ và thuận lợi trong quá trình tổ chức thực hiện, bởi qua 10 năm thực hiện, Luật thuế XNK đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập trước yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đó, dự thảo Luật sẽ sửa đổi, bổ sung nhiều quy định về ưu đãi thuế để khuyến khích phát triển sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, đẩy mạnh xã hội hóa, như: Sửa đổi, bổ sung quy định về miễn thuế hàng nhập khẩu tạo tài sản cố định (TSCĐ) của dự án ưu đãi đầu tư; Bổ sung quy định về miễn thuế nhập khẩu đối với giống cây trồng; giống vật nuôi; Sửa đổi, bổ sung quy định về ưu đãi thuế nhập khẩu đối với hàng hóa là nguyên liệu, vật tư, linh kiện cho sản xuất của dự án thuộc lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư, địa bàn có điều kiện đặc biệt khó khăn...

Về quy định về miễn thuế hàng nhập khẩu tạo TSCĐ của dự án ưu đãi đầu tư, Luật thuế XNK hiện hành quy định miễn thuế nhập khẩu tạo TSCĐ cho dự án ưu đãi đầu tư, dự án đầu tư bằng vốn ODA, bao gồm: phương tiện vận chuyển đưa đón công nhân (ô tô 24 chỗ trở lên), phương tiện vận chuyển chuyên dùng trong dây chuyền công nghệ, trang thiết bị nhập khẩu lần đầu và nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để tạo tài sản cố định. Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 đã bổ sung và điều chỉnh một số quy định về đối tượng miễn thuế nhập khẩu tạo tài sản cố định, theo đó, cần sửa đổi, bổ sung vào Luật thuế XNK để đảm bảo tính đồng bộ và thống nhất.

Do đó, tại Khoản 11, Điều 16 dự thảo Luật thuế XNK đã sửa đổi quy định về miễn thuế hàng nhập khẩu tạo tài sản cố định (TSCĐ) của dự án ưu đãi đầu tư theo hướng: Bổ sung quy định về miễn thuế hàng hóa tạo TSCĐ cho các đối tượng ưu đãi đầu tư tại Luật đầu tư số 67/2014/QH13 (gồm 5 đối tượng ưu đãi: lĩnh vực ưu đãi đầu tư; địa bàn ưu đãi đầu tư; dự án đầu tư có quy mô vốn từ 6000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 6.000 tỷ đồng trong thời hạn 03 năm; dự án đầu tư tại vùng nông thôn sử dụng từ 500 lao động trở lên; doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, tổ chức khoa học và công nghệ) và của dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ…

Bên cạnh đó, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung quy định về ưu đãi thuế nhập khẩu đối với hàng hóa là nguyên liệu, vật tư, linh kiện cho sản xuất của dự án thuộc lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư; địa bàn có điều kiện đặc biệt khó khăn; Bổ sung quy định miễn thuế đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu trong nước chưa sản xuất được để sản xuất, lắp ráp trang thiết bị y tế cần được ưu tiên nghiên cứu, chế tạo; Bổ sung quy định về ưu đãi thuế đối với ngành đóng tàu…

Về điều kiện và thủ tục miễn thuế, dự thảo Luật cũng bổ sung nhiều quy định nhằm tạo thuận lợi cho người nộp thuế. Luật thuế XNK hiện hành quy định tách riêng miễn thuế và xét miễn thuế thành 2 Điều để xử lý trong hoặc sau khi hàng hóa đã thông quan. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cho thấy quy định như vậy là không cần thiết vì bản chất là hàng hóa được miễn thuế nhưng được thực hiện theo các thủ tục khác nhau. Do đó, tại Điều 16 dự thảo Luật đã quy định thống nhất miễn, xét miễn thuế thành một Điều. Theo đó, chuyển hàng quà biếu, quà tặng từ trường hợp xét miễn thuế sang trường hợp miễn thuế; chuyển hàng hóa nhập khẩu chuyên dùng phục vụ an ninh, quốc phòng, nghiên cứu khoa học, giáo dục và đào tạo từ trường hợp xét miễn thuế sang trường hợp miễn. Ngoài ra, để khuyến khích sản xuất trong nước, dự thảo Luật quy định hàng hóa nhập khẩu chuyên dùng cho giáo dục, máy móc, thiết bị, phụ tùng sử dụng cho nghiên cứu khoa học và phương tiện vận tải chuyên dùng cho an ninh, quốc phòng phải là loại trong nước chưa sản xuất được.

Đồng thời, dự thảo Luật bổ sung quy định điều kiện miễn thuế cho các trường hợp thành 3 nhóm nhằm đảm bảo sự minh bạch của chính sách, đảm bảo việc thực hiện miễn thuế đúng đối tượng, tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện.

Tính toán cân đối để bù đắp hụt thu

Theo Dự thảo Luật quy định, có tới 24 khoản thuộc các ngành, lĩnh vực đã được miễn thuế. Với các quy định này, Thường trực Ủy ban TCNS cơ bản đồng tình với việc rà soát, bãi bỏ và bổ sung một số đối tượng được miễn thuế theo Tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, theo Thường trực Ủy ban này, phạm vi miễn thuế như Dự thảo Luật còn rộng, do đó, cần rà soát để đảm bảo phù hợp, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành (Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp, Luật Hải quan...).

Trong thời gian qua, để đáp ứng được yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế, hệ thống chính sách thuế của Việt Nam liên tục có sự điều chỉnh, đặc biệt việc điều chỉnh giảm thuế suất đối với thuế XNK và một số sắc thuế nội địa quan trọng, có số thu NSNN lớn. Ngoài ra, để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất trong nước, trong giai đoạn vừa qua Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách miễn, giảm, giãn, hoãn tiền thuế cho người dân và doanh nghiệp.

Đây là những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ động viên từ thuế và phí trên GDP còn thấp, có xu hướng giảm qua các năm. Trong bối cảnh sản xuất kinh doanh chưa thoát khỏi thời kỳ khó khăn, nhu cầu chi NSNN lại ngày một tăng, việc giảm tỷ lệ động viên đã gây khó khăn nhất định trong cân đối NSNN.

Cùng với đó, việc sửa đổi Luật thuế XNK lần này nhằm đáp ứng được các yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, phù hợp với các Hiệp định thương mại về thuế quan mà Việt Nam đã và đang ký kết, theo đó dự kiến trong vòng 10 năm tới mức độ tự do hóa thương mại sẽ đạt 97-98% dòng thuế.

Vì vậy, Thường trực Ủy ban TCNS đề nghị Chính phủ, ngoài việc đánh giá tác động tăng, giảm thu NSNN trong việc sửa đổi Luật thuế XNK, đề nghị cần bổ sung đánh giá một cách tổng thể của chính sách thuế, khả năng bù đắp số hụt thu NSNN do sửa đổi Luật thuế XNK từ các phương án khác để đảm bảo không làm giảm tỷ lệ huy động từ thuế, phí trên GDP trong giai đoạn tới, góp phần bảo đảm an ninh tài chính quốc gia.

Theo thống kê, giai đoạn 2005-2010 số thu bình quân chiếm khoảng 15-16% tổng thu NSNN. Những năm gần đây, do tác động của việc thực hiện các cam kết về cắt giảm thuế quan, tỷ trọng thu ngân sách từ thuế nhập khẩu, thuế xuất khẩu trong tổng thu NSNN giảm dần, cụ thể: năm 2011 số thu NSNN từ thuế XNK đạt 65.622 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 9,09%; năm 2012 số thu đạt 60.066 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 7,96%; năm 2013 số thu đạt 66.450 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 8,22%; năm 2014 số thu đạt 80.099 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 7,99%; ước năm 2015 số thu dự kiến là 81.200 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 8,11% tổng thu NSNN. Giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng thu từ thuế XNK ước đạt 5,8%năm.

Về cơ cấu thu, bình quân giai đoạn 2011-2015, thu từ thuế xuất khẩu chiếm 20,5%, thu từ thuế nhập khẩu chiếm 79,5% tổng thu thuế XNK. Thu thuế xuất khẩu chủ yếu từ xuất khẩu khoáng sản chưa qua chế biến (dầu thô, than đá), giai đoạn 2011-2015 ước chiếm 76,6% tổng thu thuế xuất khẩu.