VAMC chỉ là nơi xác nhận nợ

Theo daidoanket.vn

(Tài chính) "Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) không phải là công ty mua nợ mà chỉ là công ty xác nhận nợ. Như vậy, rõ ràng bản thân ngân hàng thương mại (NHTM) có nợ xấu đã phải chịu thiệt hại”. Ông Trần Hoàng Ngân, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh đã khẳng định như vậy khi trao đổi.

VAMC không phải là công ty mua nợ mà chỉ là Công ty xác nhận nợ? Nguồn: internet
VAMC không phải là công ty mua nợ mà chỉ là Công ty xác nhận nợ? Nguồn: internet
Phóng viên: Thưa ông, khi các NHTM dồn dập xếp hàng bán nợ xấu, chúng ta có nên lo ngại năng lực giải quyết của VAMC? 

Ông Trần Hoàng Ngân: VAMC không phải là công ty mua nợ mà chỉ là Công ty xác nhận nợ. VAMC kiểm chứng lại tài sản nợ xấu của NHTM đang bị doanh nghiệp mắc nợ. Nếu khoản nợ xấu đó đã trích lập dự phòng 20%, thì khoản nợ 100 tỷ đồng chỉ được xác nhận là 80 tỷ thôi. Rõ ràng VAMC chỉ làm nhiệm vụ đó. Nó giống như trạm đầu tiên của Ngân hàng Nhà nước  trước khi quyết định cho NHTM có nợ xấu vay. Như vậy, đó là đơn vị thẩm định bước đầu về tài sản nợ xấu của NHTM. Chứ bây giờ làm sao mà mua được nợ xấu, ai dám mua nợ xấu, người mua liệu có bán được nợ xấu không khi thị trường bất động sản chưa khởi sắc. Tốt nhất là trì hoãn khoản nợ xấu đó lại một thời gian, có thể là 2 năm, 3 năm hoặc 5 năm. 

Mục tiêu Ngân hàng Nhà nước đặt ra là đến 2015 sẽ giải quyết xong nợ xấu. Vậy với cách mua bán như hiện nay có thực hiện được không? 

Hiện nay Chính phủ đang có nhiều giải pháp khác bên cạnh VAMC, bản thân NHTM có nợ xấu cũng phải lo tự trích lập dự phòng. Nếu không bán được nợ xấu cho VAMC, thì cũng vẫn phải trích lập. Thời gian qua, Chính phủ đã cùng với một số bộ ngành tạo nhiều gói kích thích kinh tế, như gói 170 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, gói hỗ trợ cho thị trường nhà ở hiện đang tháo gỡ tiếp các vấn đề liên quan đến miễn giảm thuế. Tất cả các chính sách đó, cùng với chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước hợp thành bài toán tổng thể giải quyết nợ xấu, chứ không phải chỉ một mình Ngân hàng Nhà nước đơn độc thực hiện. 

Cùng với đó là, quyết tâm trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế. Vì trong nợ xấu này có nợ xấu của các Tập đoàn, danh nghiệp Nhà nước, nên  phải đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu. Để làm việc này, vừa qua Chính phủ cũng đã hoàn thiện thể chế, đưa ra nhiều văn bản hướng dẫn để làm sao cho doanh nghiệp Nhà nước sớm được cổ phần hóa. Doanh nghiệp Nhà nước có thể thoái vốn được ở những nơi đầu tư đa ngành. Năm 2013 cơ bản đã làm song, cho nên chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng vào kết quả tích cực trong việc xử lý nợ xấu thời gian tới.

Thế nhưng, trước khi VAMC ra đời bản thân các NHTM đã trích lập dự phòng rồi?

- Đúng vậy. Ngân hàng thương mại đem tài sản nợ xấu đến VAMC đã là minh bạch. Tại sao các  NHTM lại tiếp tục đem nợ xấu đến nhiều? Nghĩa là bản thân họ đã không che dấu được nữa. Không che giấu được nữa, nên Ngân hàng Nhà nước đã mở cho họ một cánh cửa là  hãy mang nợ xấu đến đây để bán đi, rồi sẽ thẩm định. Sau đó sẽ cấp cho giấy để đến Ngân hàng Nhà nước tái chiết khấu, để có thêm dòng vốn. Cách xử lý này hay ở chỗ làm giảm áp lực cạnh tranh vốn. Như chúng ta thấy, hiện nay tình trạng cạnh tranh trong huy động vốn đã giảm đi vì NHTM có được nguồn vốn vay từ Ngân hàng Nhà nước. Vấn đề hiện nay cần kiến nghị là Ngân hàng Nhà nước phải kéo giảm thêm lãi suất, tiếp tục hỗ trợ cho NHTM, vì nếu Ngân hàng Nhà nước chiết khấu cho  NHTM với lãi suất thấp, thì NHTM sẽ có điều kiện bơm vốn ra thị trường với lãi suất thấp. 

Vậy theo ông hiện nay lãi suất bao nhiêu là phù hợp? 

Thứ nhất, hiện nay với nhà ở xã hội, Ngân hàng Nhà nước chỉ cho NHTM vay với lãi suất khoảng hơn 4%. Các NHTM tham gia chương trình cho vay được hưởng một khoản phụ phí. Một điểm rất thuận lợi khác là năm 2013, lạm phát chỉ khoảng từ 6 đến 6,5% là tối đa, trong khi trước đây chúng ta dự báo tới 7-8%. Như vậy, đây là cơ hội vàng để lãi suất trái phiếu Chính phủ có thể kéo từ 8% xuống còn đến 6 hoặc 6,5%. Ngân sách nhà nước sẽ giảm gánh nặng cho việc trả lãi nguồn vốn vay từ trái phiếu Chính phủ sẽ phát hành trong thời gian tới. Vấn đề là chúng ta phải mạnh dạn, và cần có sự hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước. Thời gian qua đã làm rất tốt việc kéo giảm lãi suất, nhưng còn cần phải tiếp tục kéo xuống nữa để giúp nền kinh tế phục hồi. 

Ông có đánh giá gì về mức tăng trưởng tín dụng năm 2013. Năm 2014, tăng trưởng tín dụng, theo ông,  ở mức bao nhiêu là hợp lý?

Tôi cho rằng, tăng tín dụng năm 2014 khoảng 10-11% là hợp lý. Quan trọng hiện nay là ưu tiên dành cho chất lượng tăng trưởng tín dụng. Chính vì vậy, nên mục tiêu kinh tế -xã hội năm 2014 vẫn là ưu tiên kiềm chế lạm phát, ưu tiên ổn định vĩ mô và tăng trưởng chỉ ở mức 5,8%. Các báo cáo của ANZ, IMF đều cho rằng, Việt Nam sẽ tăng trưởng nhanh ở những năm 2016. Còn từ nay đến 2015, vẫn chấp nhận tăng trưởng ở mức hợp lý, còn lại ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô.
 
Xin cảm ơn ông!