Việt Nam có mức thuế Thu nhập doanh nghiệp hấp dẫn

Theo baohaiquan.vn

(Tài chính) Nhóm tư vấn chính sách kinh tế vĩ mô Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng: Việc Việt Nam thông qua lộ trình cắt giảm mạnh thuế Thu nhập doanh nghiệp xuống 20% vào năm 2016 là một chủ trương đúng đắn nhưng cũng nên giảm chi tiêu ngân sách không hợp lí.

 Các biện pháp giãn, giảm, miễn thuế có tác dụng hỗ trợ cho doanh nghiệp. Nguồn: internet
Các biện pháp giãn, giảm, miễn thuế có tác dụng hỗ trợ cho doanh nghiệp. Nguồn: internet

Giúp doanh nghiệp tích lũy nhiều hơn

Báo cáo Kinh tế vĩ mô 2013 với tiêu đề “Thách thức còn ở phía trước” vừa được Nhóm tư vấn chính sách kinh tế vĩ mô Ủy ban Kinh tế của Quốc hội công bố.

Trong phần đánh giá về chính sách giãn, giảm, miễn thuế, báo cáo nhận định: Các chính sách giãn, miễn thuế được áp dụng thường xuyên. Trong những năm nền kinh tế gặp khó khăn như 2009, 2011-2012 chính sách giãn, giảm, miễn các loại thuế (thuế Thu nhập cá nhân, thuế Giá trị gia tăng, thuế Thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất....) áp dụng cho nhiều đối tượng nộp thuế như doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp trong các lĩnh vực tạo nhiều công ăn việc làm như may mặc, nông, lâm, thuỷ sản…

Các biện pháp giãn, giảm, miễn… có tác dụng hỗ trợ cho doanh nghiệp nhưng chúng lại tạo ra sự bất định trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Thời điểm ban hành và kết thúc, đối tượng được hưởng thường xuyên thay đổi.

Vì vậy doanh nghiệp sẽ khó có thể đưa ra được các kế hoạch kinh doanh dài hạn dựa trên các khuyến khích này.

Để khu vực doanh nghiệp có thể tích lũy và tiếp cận được nguồn vốn phục vụ đầu tư phát triển, chính sách tài khóa quan trọng nhất là phải cắt giảm dần các mức thuế và cắt giảm chi tiêu thường xuyên, bất hợp lí, lãng phí.

Theo Nhóm tư vấn Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, mục đích của chính sách giảm tỷ lệ thuế và phí là để tạo ra khuyến khích giúp doanh nghiệp tích lũy được nhiều hơn. Qua đó tăng chi tiêu đầu tư, giúp hình thành lượng vốn và năng lực sản xuất nền kinh tế trong tương lai.

Trong năm 2013, Chính phủ và Quốc hội đã thông qua việc cắt giảm thuế Thu nhập doanh nghiệp trong các năm tới từ mức 25% hiện nay. Cụ thể, từ 1-1-2014 sẽ áp dụng thuế suất phổ thông 22% và từ 1-1-2016 áp dụng thuế suất 20%. Doanh nghiệp có tổng doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng áp dụng thuế suất 20% ngay từ 1-7-2013. Với mức thuế mới này, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia có mức thuế Thu nhập doanh nghiệp hấp dẫn trong khu vực châu Á.

Cần giảm chi tiêu bất hợp lí

Báo cáo cũng lưu ý: Việc giảm tỷ lệ thuế và phí cần đi song hành với cắt giảm chi tiêu thường xuyên, bất hợp lí. Nếu không ngân sách sẽ bị thâm hụt, nợ công sẽ tăng cao, không những làm tăng mặt bằng lãi suất mà còn đe dọa khả năng duy trì mức thuế và phí thấp trong dài hạn.

Với mức nợ công cuối 2012 lên tới 55,6% GDP thì nghĩa vụ trả nợ gốc và lãi trong những năm tới là rất lớn. Đây là một nguyên nhân quan trọng khiến cho Chính phủ phải phát hành trái phiếu với mức lãi suất tương đối cao để bù đắp thâm hụt, gián tiếp làm cho mặt bằng lãi suất bị duy trì ở mức cao, gây cản trở cho đà phục hồi của nền kinh tế.

Nhóm tư vấn Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá cao việc Việt Nam thông qua lộ trình cắt giảm mạnh thuế Thu nhập doanh nghiệp xuống 20% vào năm 2016. Đây là một chủ trương đúng đắn để hỗ trợ khu vực doanh nghiệp phát triển.

Tuy nhiên, Nhóm tư vấn cũng khuyến nghị Việt Nam cũng nên thực hiện giảm chi tiêu ngân sách, đặc biệt là chi thường xuyên, để có thể giảm mức bội chi ngân sách đạt dưới 4,5% vào năm 2015 (tính cả trái phiếu Chính phủ) thay vì xấp xỉ 5% GDP như hiện nay.

Báo cáo do Nhóm Tư vấn chính sách kinh tế vĩ mô thực hiện trong khuôn khổ Dự án “Hỗ trợ nâng cao năng lực tham mưu, thẩm tra và giám sát chính sách kinh tế vĩ mô” do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chủ trì, với sự tài trợ của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP).

Báo cáo kinh tế vĩ mô năm 2013 lựa chọn chủ đề “Thách thức còn ở phía trước” gồm 7 chương trong đó Chương 1 đánh giá tổng quan kinh tế Việt Nam năm 2012 và gợi mở những chủ đề được phân tích sâu hơn ở các chương sau.

Những chương tiếp theo đi sâu phân tích 6 vấn đề được lựa chọn cho báo cáo năm nay. Cụ thể là những khó khăn của khu vực doanh nghiệp đặt trong bối cảnh chu kỳ kinh tế suy thoái; vấn đề thặng dư cán cân thanh toán và chính sách tiền tệ trong ràng buộc bộ ba bất khả thi; đánh giá tính bền vững của ngân sách nhà nước trong ngắn và dài hạn; phân tích diễn biến thị trường lao động và triển vọng trong trung hạn; thực trạng và triển vọng sản xuất nông nghiệp và cuối cùng là đánh giá quá trình hội nhập và khả năng chống đỡ của kinh tế trong nước trước các cú sốc.