Tăng cường hội nhập quốc tế trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán

“Chiến lược kế toán - kiểm toán đến năm 2020, tầm nhìn 2030” là một trong 9 chiến lược ngành của “Chiến lược Tài chính đến năm 2020” - đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 450/ QĐ-TTg ngày 18/4/2012.

Mục tiêu của Chiến lược này trước hết là hướng đến xây dựng và phát triển một hệ thống khuôn khổ pháp lý về kế toán, kiểm toán hoàn chỉnh và đồng bộ hơn, trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu về cơ bản các thông lệ quốc tế vào điều kiện cụ thể của Việt Nam. Chiến lược đã vạch rõ một lộ trình tạo lập hệ thống kế toán, kiểm toán hoàn chỉnh, phù hợp với cơ chế quản lý của Nhà nước và sự phát triển nghề nghiệp kế toán, kiểm toán trong khu vực và trên thế giới nhằm thỏa mãn yêu cầu thông tin cho quản lý, điều hành, kiểm kê, kiểm soát các nguồn lực của nền kinh tế, các hoạt động kinh tế - tài chính đất nước. Định hướng tới năm 2020 và giai đoạn tiếp theo, Việt Nam phải tạo lập được một môi trường pháp lý đầy đủ, chặt chẽ, phù hợp để thúc đẩy hoạt động kế toán, kiểm toán phát triển, đồng thời quản lý chặt chẽ, nâng cao chất lượng, đạo đức nghề nghiệp trong hành nghề kế toán, kiểm toán.

Một nội dung khác được bản Chiến lược đề cập là vấn đề nâng cao vai trò và năng lực quản lý nhà nước về kế toán, kiểm toán. Cơ quan quản lý nhà nước với nhiệm vụ được giao phải làm tốt việc quản lý, giám sát hoạt động kế toán, kiểm toán; kiểm tra, giám sát thực thi pháp luật về kế toán, kiểm toán cũng như hoạt động hành nghề kế toán, kiểm toán. Thực tế những năm qua, các cấp quản lý nhà nước đã không ngừng nâng cao năng lực quản lý, giám sát nhưng trước sự phát triển nhanh chóng và “bùng nổ” của thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán, công tác này cũng đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế… Bởi vậy, Chiến lược cũng chỉ rõ là vừa làm tốt vai trò quản lý nhưng vẫn tạo sự phát triển cho thị trường, bên cạnh việc tăng cường vai trò quản lý nhà nước thì việc đẩy mạnh hoạt động của các tổ chức nghề nghiệp nhằm thúc đẩy quản lý nghề nghiệp, hỗ trợ phát triển thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán phát triển lành mạnh là rất cần thiết. Như vậy, chức năng, vị thế và tiếng nói của hội nghề nghiệp phải trở nên có trọng lượng hơn, góp sức vào sự hoạt động lành mạnh, minh bạch thị trường…

Một trong các giải pháp thực hiện Chiến lược là xây dựng, ban hành chuẩn mực kế toán và kiểm toán Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện kinh tế trong nước. Cụ thể, đối với lĩnh vực kế toán, Việt Nam cần không ngừng cập nhật và xây dựng mới các chuẩn mực kế toán doanh nghiệp (DN). Trong giai đoạn từ 2012 - 2015, cần hoàn thành cập nhật 26 chuẩn mực kế toán đã ban hành; giai đoạn 2016 - 2020, tập trung xây dựng và ban hành đầy đủ các chuẩn mực kế toán còn lại, đồng thời xem xét hướng dẫn việc áp dụng chuẩn mực đối với các DN hoạt động đặc thù.

Đối với lĩnh vực kiểm toán độc lập, trước hết là việc đánh giá thực tiễn áp dụng 37 chuẩn mực kiểm toán mới, ban hành theo Thông tư số 214/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính. Các chuẩn mực này được chính thức áp dụng từ ngày 1/1/2014 và bên cạnh việc đánh giá, trong giai đoạn 2013 - 2015, phải nghiên cứu cập nhật bổ sung các chuẩn mực kế toán còn lại; giai đoạn 2016 - 2020 tiếp tục cập nhật chuẩn mực kiểm toán quốc tế cũng như đảm bảo tuân thủ các chuẩn mực kiểm toán quốc tế.

Nhằm tiếp tục minh bạch hóa tài chính DN, hướng đến xây dựng thị trường tài chính, thị trường chứng khoán lành mạnh, nâng cao sức hấp dẫn của nền kinh tế trong nỗ lực tái cơ cấu, “Chiến lược kế toán - kiểm toán đến năm 2020, tầm nhìn 2030” cũng đưa ra giải pháp phát triển thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán, trong đó chỉ đạo các đối tượng thuộc diện bắt buộc kiểm toán báo cáo tài chính thực hiện cơ chế kiểm toán; đồng thời khuyến khích mở rộng các đối tượng thực hiện kiểm toán độc lập nhằm nâng cao tính công khai, minh bạch các hoạt động kinh tế, tài chính. Trên thực tế, thời gian qua hoạt động này tại Việt Nam đã không ngừng được mở rộng.

Cụ thể, Thông tư số 52/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính, ban hành ngày 5/4/2012 hướng dẫn về việc công bố thông tin trên thị trường chứng khoán đã quy định các công ty đại chúng có quy mô vốn trung bình, báo cáo tài chính bán niên và thường niên cũng phải được các công ty kiểm toán độc lập có đủ tiêu chuẩn thực hiện soát xét… Với việc ra đời “Chiến lược kế toán - kiểm toán đến năm 2020, tầm nhìn 2030”, phạm vi điều chỉnh của các đối tượng DN bắt buộc phải có soát xét của kiểm toán độc lập nhất định sẽ rộng hơn trong tương lai…

Phát triển về số lượng, tăng nhanh về chất lượng

“Chiến lược kế toán - kiểm toán đến năm 2020, tầm nhìn 2030” đã chỉ rõ bên cạnh việc tăng nhanh về số lượng các DN dịch vụ kế toán, kiểm toán, chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng, tác động đến sự hoạt động lành mạnh của các thị trường này. Thậm chí, chất lượng nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán chính là yếu tố quyết định đến sự lành mạnh của các thị trường tài chính trong giai đoạn 2015 - 2020, tầm nhìn 2030...

Để phục vụ yêu cầu phát triển của nền kinh tế, thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán cần tăng nhanh số lượng DN và số lượng kiểm toán viên, kế toán viên hành nghề. Để thực hiện điều này, phải mở rộng thị trường dịch vụ kế toán - kiểm toán trong và ngoài nước; nâng cao chất lượng dịch vụ kế toán - kiểm toán; đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ kế toán - kiểm toán, đáp ứng yêu cầu quản lý của nền kinh tế. Bên cạnh đó, cần phát triển nguồn nhân lực về kế toán, kiểm toán đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng trên cơ sở triển khai hiệu quả các nội dung: Đổi mới và tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng; Kết hợp giữa đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu theo chuyên ngành và đào tạo nâng cao học vấn nhằm tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao; Xây dựng các chương trình và bộ tài liệu chuẩn, phù hợp thông lệ quốc tế về đào tạo, bồi dưỡng, thi lấy các chứng chỉ nghề nghiệp kế toán, kiểm toán…

Hướng đi phù hợp hiện nay của Việt Nam trong phát triển thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán là không ngừng mở cửa, hội nhập sâu rộng, đặt các chuẩn quy định quốc tế, đồng thời thông qua việc tham gia các thỏa thuận quốc tế và công nhận lẫn nhau đối với kiểm toán viên hành nghề trong khối ASEAN và giữa Việt Nam với các nước phát triển như Anh, Úc… để mở cửa lĩnh vực này. Phấn đấu đến năm 2020, các tổ chức nghề nghiệp của Việt Nam thực sự trở thành tổ chức nghề nghiệp tự quản, có đầy đủ chức năng, nhiệm vụ và tổ chức hoạt động như các tổ chức nghề nghiệp kế toán quốc tế khác nhằm tăng cường phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động, vai trò của hiệp hội nghề nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, kế toán, kiểm toán.

Để bổ sung cho nhiệm vụ này, Chiến lược cũng chỉ rõ cần tăng cường tổ chức hệ thống thông tin thông qua việc thiết lập hệ thống kết nối thông tin trực tuyến giữa các cấp, các ngành với các đơn vị kế toán cấp trên và cấp dưới; các DN dịch vụ kế toán, kiểm toán; tổ chức và phát triển trang điện tử của cơ quan quản lý, giám sát của tổ chức nghề nghiệp, tiến đến tổ chức thực hiện việc đăng ký và quản lý hành nghề trực tuyến…

Kế toán - kiểm toán là công cụ quản lý kinh tế quan trọng, có chức năng tạo lập hệ thống thông tin về kinh tế - tài chính - ngân sách phục vụ cho việc điều hành và quyết định kinh tế của Nhà nước cũng như của mỗi đơn vị, tổ chức, DN.

Vì vậy, việc ra đời “Chiến lược kế toán - kiểm toán đến năm 2020, tầm nhìn 2030” là rất cần thiết và hữu ích, đóng góp thêm một chiến lược nhánh, giúp “Chiến lược Tài chính đến năm 2020” đầy đủ và hoàn chỉnh hơn. Đặc biệt, việc ra đời Chiến lược này sẽ tạo động lực lớn thúc đẩy sự phát triển đồng bộ của các thị trường dịch vụ kế toán và kiểm toán theo hướng lành mạnh, hoàn chỉnh…

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số 4 - 2013

Xây dựng thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán hoàn chỉnh và đồng bộ

ThS. Dương Thị Hương Liên

(Tài chính) Ngày 18/03/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 480/QĐ-TTg, phê duyệt “Chiến lược kế toán - kiểm toán đến năm 2020, tầm nhìn 2030”. Đây là bản “Chiến lược kế toán - kiểm toán” đầu tiên trong 60 năm phát triển ngành nghề kế toán, kiểm toán ở Việt Nam, hứa hẹn một giai đoạn phát triển mới cho lĩnh vực này với những đóng góp lớn hơn vào sự phát triển của kinh tế - xã hội đất nước…

Xem thêm

Video nổi bật