Xử phạt vi phạm hành chính khi hàng hoá không thể hiện xuất xứ

Theo báo Hải quan

(Tài chính) Đó là đề xuất của Tổng cục Hải quan gửi Bộ Công Thương và Bộ Khoa học và Công nghệ trong việc quản lý và thực hiện các quy định về kiểm tra xuất xứ hàng hoá nhập khẩu (NK).

 Xử phạt vi phạm hành chính khi hàng hoá không thể hiện xuất xứ
Hải quan cảng Sài Gòn khu vực 1 kiểm tra hàng hóa nhập khẩu
Theo quy định, tại khoản 3 Điều 9 và khoản 3 Điều 10 của Nghị định 89/2006/NĐ-CP về nhãn hàng hoá, đối với trường hợp hàng hoá NK thuộc diện bắt buộc ghi nhãn mác trên sản phẩm trong đó phải ghi xuất xứ hàng hoá, nhưng đối với trường hợp nhãn chính không có thông tin xuất xứ thì DN được bổ sung nhãn phụ trước khi đưa ra lưu thông.

Một trong những yêu cầu kiểm tra và xác định xuất xứ hàng hoá của cơ quan Hải quan là trên sản phẩm NK phải thể hiện được nhãn mác xuất xứ phù hợp với C/O và các chứng từ khác trong bộ hồ sơ hải quan, chỉ trừ khi có thông tin về gian lận xuất xứ mới yêu cầu kiểm tra hàm lượng xuất xứ theo quy định.

Tuy nhiên, Tổng cục Hải quan cho biết, quy định là thế nhưng trong quá trình làm thủ tục hải quan cho hàng hoá NK, có nhiều trường hợp không có nhãn, mác xuất xứ (nước sản xuất) trên sản phẩm NK, mặc dù các sản phẩm này thuộc diện phải có đầy đủ nhãn mác.

Từ thực tế quản lý, Tổng cục Hải quan thấy rằng, việc thực hiện quy định về ghi nhãn phụ đã nảy sinh vướng mắc: Nếu cho phép bổ sung nhãn phụ sau khi thông quan như quy định thì không đảm bảo yêu cầu quản lý và khó kiểm soát được việc DN có bổ sung nhãn phụ trước khi đưa hàng ra lưu thông ngoài thị trường (việc kiểm tra này thuộc trách nhiệm của cơ quan Quản lý thị trường).

Bởi, thực tế hiện nay, có rất nhiều hàng hoá lưu thông trên thị trường nhưng trên nhãn không thể hiện xuất xứ hàng hoá hoặc thông tin trên nhãn, mác thiếu chính xác, không phản ánh đúng bản chất của hàng hoá. Như vậy, làm cho người tiêu dùng hiểu sai lệch về nước sản xuất hàng hoá và làm ảnh hưởng quyền lợi người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, việc yêu cầu hàng hoá NK phải có nhãn mác xuất xứ trước khi đưa vào lãnh thổ Việt Nam đặt ra cho người NK phải có ý thức, trách nhiệm đối với hàng hoá do mình mua bán khi đưa vào thị trường trong nước. Bên cạnh đó, đối với nhà sản xuất chân chính hay người XK tuân thủ tốt pháp luật đều muốn giữ uy tín về sản phẩm của mình.

So sánh với một số nước, đối với một số nước phát triển như Mỹ, EU, hàng hoá NK vào các nước này phả có nhãn mác nước xuất xứ trên sản phẩm (made in…)

Từ những phân tích trên, theo Tổng cục Hải quan, quy định đối với hàng hoá thuộc diện phải có nhãn mác thì trên nhãn gốc phải thể hiện thông tin xuất xứ/ nơi sản xuất hàng hoá.

Trường hợp nhãn gốc không thể hiện xuất xứ/ nơi sản xuất hàng hoá, theo Tổng cục Hải quan, không được áp dụng thuế suất ưu đãi theo biểu thuế hiện hành quy định và xử phạt vi phạm hành chính. Đồng thời, với việc dán nhãn phụ, để bổ sung các thông tin còn thiếu phải được hoàn tất trước khi đưa ra lưu thông theo quy định của Nghị định 89/2006/NĐ-CP và Thông tư 09/2007/TT-BKNCN.

Tuy nhiên, để vấn đề này được hiểu thống nhất và nhanh chóng đưa được ra các giải pháp hiệu quả, phù hợp, Tổng cục Hải quan cho rằng, Bộ Khoa học và Công nghệ phải chủ trì tổ chức cuộc họp có sự tham gia của Bộ Công Thương và Tổng cục Hải quan để trực tiếp trao đổi.