Các chế độ người lao động được hưởng sau khi nghỉ việc


Chế độ của công chức, viên chức, người lao động và chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH) sau khi nghỉ việc là nội dung được nhiều bạn đọc quan tâm.

Người lao động sau khi nghỉ việc được hưởng trợ cấp thất nghiệp, chế độ BHXH và trợ cấp thôi việc. Nguồn: internet
Người lao động sau khi nghỉ việc được hưởng trợ cấp thất nghiệp, chế độ BHXH và trợ cấp thôi việc. Nguồn: internet

Chị Ngọc Hiền ký hợp đồng làm việc tại trường Cao đẳng Kinh tế Tài chính Thái nguyên từ 9/2011 hưởng 85% lương, từ tháng 9/2012 hưởng 100% lương. Tháng 5/2017, chị Hiền đỗ viên chức. Đến tháng 10/2019 chị Hiền xin nghỉ việc. Chị Hiền hỏi chế độ của viên chức và chế độ của BHXH mà chị được hưởng.

Giải đáp vướng mắc trên, BHXH Việt Nam hướng dẫn, người lao động sau khi nghỉ việc được hưởng các quyền lợi như sau:

Thứ nhất, trợ cấp thất nghiệp

Nếu đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp và có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp thì trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc bạn đọc có thể làm hồ sơ gửi tới Trung tâm giới thiệu việc làm nơi cư trú để yêu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp (Điều 17, Nghị định số 28/NĐ-CP của Chính phủ).

Thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ 1 tới 3 năm đầu thì hưởng 3 tháng trợ cấp, đủ 12 tháng bảo hiểm thất nghiệp tiếp theo thì tính hưởng thêm 1 tháng trợ cấp. Mỗi tháng được hưởng 60% mức bình quân đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc.

Thứ hai, chế độ BHXH

Sau khi nghỉ việc, bạn đọc có thể bảo lưu thời gian đóng BHXH để cộng dồn khi có điều kiện tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc hoặc BHXH tự nguyện đến khi hết tuổi lao động mà có 20 năm đóng BHXH trở lên thì được nhận lương hưu và thẻ BHYT.

Trường hợp sau khi nghỉ việc bạn đọc không có mong muốn tiếp tục đóng BHXH mà có có nhu cầu hưởng BHXH một lần thì sau một năm nghỉ việc bạn đọc liên hệ với cơ quan BHXH nơi cư trú để làm thủ tục hưởng BHXH 1 lần.

Thứ ba, chế độ trợ cấp thôi việc.

Khoản trợ cấp thôi việc do đơn vị sử dụng lao động chi trả theo quy định của Bộ luật Lao động, không thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan BHXH.