Chính sách mới nào có hiệu lực từ tháng 10/2017?

PV. (Tổng hợp)

20 loại hàng hóa, dịch vụ thực hiện độc quyền Nhà nước; Bổ sung quy định xác định đối tượng vi phạm hành chính là tổ chức; Quy định mới về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức... là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 10/2017.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

20 loại hàng hóa, dịch vụ thực hiện độc quyền Nhà nước

Theo Nghị định 94/2017/NĐ-CP về hàng hóa, dịch vụ, địa bàn thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại có hiệu lực từ 01/10/2017, 20 hàng hóa, dịch vụ thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại.

Nghị định nêu rõ, chỉ thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại đối với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu mà Nhà nước cần phải độc quyền liên quan đến quốc phòng, an ninh, đảm bảo lợi ích quốc gia hoặc các thành phần kinh tế khác không có nhu cầu và khả năng tham gia..

Bổ sung quy định xác định đối tượng vi phạm hành chính là tổ chức

Có hiệu lực từ ngày 05/10/2017, Nghị định số 97/2017/NĐ-CP 18/08/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính.

Trong đó, Nghị định bổ sung quy định về các tiêu chí xác định đối tượng vi phạm hành chính là tổ chức. Theo quy định mới, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính khi có đủ các điều kiện: 1- Là pháp nhân theo quy định của pháp luật dân sự hoặc các tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật; 2- Hành vi vi phạm hành chính do người đại diện, người được giao nhiệm vụ nhân danh tổ chức hoặc người thực hiện hành vi theo sự chỉ đạo, điều hành, phân công, chấp thuận của tổ chức và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính.

Quy định mới về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức

Nghị định 101/2017/NĐ-CP ngày 01/09/2017 về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức có hiệu lực từ 21/10/2017, trong đó Nghị định quy định về đối tượng, điều kiện đào tạo, hình thức bồi dưỡng.

4 biện pháp bảo đảm phải đăng ký

Theo Nghị định 102/2017/NĐ-CP ngày 1/9/2017 quy định thủ tục đăng ký biện pháp bảo đảm, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm bằng tài sản, quản lý nhà nước về đăng ký biện pháp bảo đảm có hiệu lực từ 15/10/2017,  4 các biện pháp bảo đảm phải đăng ký gồm: 1- Thế chấp quyền sử dụng đất; 2- Thế chấp tài sản gắn liền với đất trong trường hợp tài sản đó đã được chứng nhận quyền sở hữu trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; 3- Cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay; 4- Thế chấp tàu biển.