21 giải pháp liên hoàn "giải cứu" kinh tế 2013

Theo Báo Dân Trí

Ngày 20/12, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ đã có tờ trình đề xuất với Chính phủ 21 giải pháp tài chính tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường năm 2013.

21 giải pháp liên hoàn "giải cứu" kinh tế 2013
Quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường năm 2013

Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ thị trường gồm: Gia hạn 6 tháng thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đối với số thuế TNDN phải nộp quý I và 3 tháng thời hạn nộp thuế TNDN đối với số thuế TNDN phải nộp quý II và quý III/2013 cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp sử dụng người lao động, đầu tư - kinh doanh. Cũng như gia hạn 6 tháng thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT) của tháng 1, tháng 2 và tháng 3 năm 2013 đối với các đối tượng doanh nghiệp này.

Áp dụng thuế suất thuế TNDN 20% từ 01/7/2013 (sớm hơn 06 tháng so với lộ trình dự kiến thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TNDN) đối với doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ (sử dụng dưới 200 lao động làm việc toàn bộ thời gian và có doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng).

Kể từ 1/7/2013, áp dụng thuế suất thuế TNDN 10% (sớm hơn 06 tháng so với lộ trình dự kiến thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TNDN) đối với thu nhập từ đầu tư - kinh doanh (bán, cho thuê, cho thuê mua) nhà ở xã hội. Từ 1/7/2013 đến hết ngày 30/6/2014, giảm 50% số thuế GTGT đầu ra đối với hoạt động đầu tư - kinh doanh (bán, cho thuê, cho thuê mua) nhà ở xã hội. Cũng trong thời gian này, Bộ đề xuất giảm 30% số thuế GTGT đầu ra đối với hoạt động đầu tư - kinh doanh (bán, cho thuê, cho thuê mua) nhà ở là căn hộ có diện tích sàn dưới 70m2 và có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2.

Đặc biệt, Bộ đề xuất không thu phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đường bộ theo đầu phương tiện. Giảm lệ phí trước bạ đối với xe ô tô chở người dưới 10 chỗ ngồi theo hướng: Đối với ô tô đăng ký lần đầu, mức thu chung là 10%, các địa phương được điều chỉnh tăng không quá 50% mức quy định chung; Đối với ô tô đăng ký lần 2 trở đi, mức thu không quá 2% và thực hiện thống nhất trên toàn quốc…

Về nhóm giải pháp điều hành chính sách tài khoá, phối hợp đồng bộ chính sách tài khoá với chính sách tiền tệ, đảm bảo điều hành tốt dự toán Ngân sách nhà nước (NSNN) đã được Quốc hội quyết định. Duy trì nợ công, nợ nước ngoài quốc gia, nợ Chính phủ trong giới hạn an toàn. Theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình thu NSNN, tăng cường hiệu quả các biện pháp quản lý thu thuế.

Bộ Tài chính cũng sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra chống thất thu thuế, hạn chế nợ đọng thuế; xử lý dứt điểm các khoản nợ thuế không có khả năng thu để đảm bảo tiền nợ thuế đến 31/12/2013 không vượt quá 5% so với số thực hiện thu năm 2013.

Ngân hàng phát triển Việt Nam bổ sung tối đa 10.000 tỷ đồng (gồm 5.000 tỷ đồng trong hạn mức huy động vốn của Ngân hàng phát triển Việt Nam năm 2013 đã được Thủ tướng Chính phủ giao và phát hành thêm 5.000 tỷ đồng trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh ngoài hạn mức bảo lãnh cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam năm 2013) cho chương trình tín dụng đầu tư kiên cố hóa kênh mương, phát triển đường giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản và cơ sở hạ tầng làng nghề nông thôn ngoài số vốn 5.000 tỷ đồng hàng năm.

Về nhóm pháp về huy động vốn và phát triển thị trường tài chính, rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách về huy động, quản lý, sử dụng nguồn vốn ODA theo hướng nâng cao hiệu quả sử dụng, tập trung đầu mối. Đẩy nhanh việc giải ngân nguồn vốn ODA theo các hiệp định đã ký kết, các khoản vay về cho vay lại. Các tập đoàn, tổng công ty phải có lộ trình thực hiện các dự án vay vốn trong nước và vốn nước ngoài có bảo lãnh của Chính phủ phù hợp với năng lực tài chính để đảm bảo bố trí đủ vốn theo tiến độ dự án và khả năng trả nợ đúng hạn.

Về nhóm giải pháp điều hành giá, kiên trì mục tiêu điều hành giá theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước, nhất là đối với một số mặt hàng, dịch vụ mà nhà nước còn định giá hoặc kiểm soát giá như điện, than cho sản xuất điện, nước sạch, dịch vụ y tế, giáo dục. Minh bạch trong điều chỉnh giá các hàng hóa, dịch vụ nhằm đảm bảo sự rõ ràng và chủ động cho các doanh nghiệp, đảm bảo kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; đồng thời có các giải pháp hỗ trợ hợp lý đối với những ngành sản xuất gặp khó khăn, người nghèo, người có thu nhập thấp.

Bộ cũng sẽ khẩn trương sửa đổi Nghị định 84/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu phù hợp với điều kiện thực tế và đảm bảo việc kinh doanh xăng dầu theo cơ chế giá thị trường.

Đối với nhóm giải pháp tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, xử lý nợ xấu, bước vào năm 2013 cần triển khai quyết liệt, có kết quả Đề án “Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011-2015”, thúc đẩy các doanh nghiệp sắp xếp lại cơ cấu hợp lý, đưa ra lộ trình thoái vốn đầu tư ngoài ngành, thu hồi vốn để đầu tư đúng ngành nghề kinh doanh chính, thực hiện thoái vốn tại các tập đoàn, tổng công ty mà nhà nước không cần nắm giữ, để thu hồi vốn đầu tư phát triển nhà nước.

Hoàn thiện mô hình hoạt động của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) và Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng (DATC) nhằm tăng cường năng lực và hiệu quả đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng như hỗ trợ cho quá trình xử lý nợ tồn đọng và cổ phần hoá DNNN. Sử dụng nguồn tiền thu từ cổ phần hóa để bổ sung năng lực cho DATC để chủ động tham gia quá trình tái cơ cấu tài chính các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và nợ đọng của các ngân hàng thương mại.

Theo đánh giá từ Bộ Tài chính, những giải pháp về chính sách thuế dự kiến sẽ hỗ trợ thêm nguồn lực cho các doanh nghiệp và thị trường trên cơ sở gia hạn thời gian nộp thuế TNDN, thuế GTGT và tiền sử dụng đất khoảng 31 nghìn tỷ đồng; giảm thuế, giảm tiền thuê đất... khoảng 3.000 tỷ đồng. Giải pháp giảm thuế GTGT đầu ra đối với hoạt động bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở và giảm mức thuế suất thuế TNDN đối với thu nhập từ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội một mặt tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sở hữu nhà ở, mặt khác góp phần giải quyết hàng tồn kho vật liệu xây dựng và một số ngành hàng liên quan đến nhà ở.

Với việc thực hiện các giải pháp giảm, giãn thuế,... ước sẽ giảm thu ngân sách năm 2013 khoảng 5.000 tỷ đồng. Ngoài ra, ngân sách dự kiến sẽ phải tăng chi trả nợ, tăng chi cấp bù chênh lệch lãi suất; đồng thời, do việc mở rộng vốn vay được Chính phủ bảo lãnh nên cũng làm tăng dư nợ công, tuy mức độ không lớn. Ngược lại, việc thực hiện các giải pháp trên sẽ góp phần giảm hàng tồn kho, hỗ trợ thị trường, tăng vòng quay vốn và khuyến khích hình thành doanh nghiệp mới, thu hút vốn FDI, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người lao động, đồng thời góp phần giải quyết nợ xấu trong nền kinh tế, từ đó có thể tăng thu ngân sách.

Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ vẫn giữ dự toán tổng thể thu, chi cân đối ngân sách năm 2013 đã được Quốc hội quyết định. Trong quá trình điều hành, trường hợp có biến động lớn, Bộ Tài chính sẽ kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ xem xét, quyết định.