40% tiền phí cho vay lại nộp vào Quỹ Tích lũy trả nợ

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 74/2016/TT-BTC quy định việc quản lý, sử dụng số tiền thu được từ phí cho vay lại và phần trích phí bảo lãnh tại Bộ Tài chính giai đoạn 2016-2020.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo quy định tạiThông tư, số tiền thu được từ phí cho vay lại và phần trích phí bảo lãnh được phân bổ như sau: Trích 40% số tiền thu được từ phí cho vay lại và phần trích phí bảo lãnh theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 1 Thông tư này để đưa vào Quỹ Tích lũy trả nợ.

Số tiền 60% còn lại được sử dụng để bổ sung kinh phí hoạt động của Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (ngoài phần ngân sách nhà nước cấp đảm bảo hoạt động thường xuyên theo quy định hiện hành) cho các nội dung chi quy định tại Điều 4 Quyết định số 05/2016/QĐ-TTg ngày 5/2/2016.

Nội dung chi, chi tăng cường hiệu quả công tác quản lý nợ công như xây dựng, duy trì, nâng cấp cơ sở dữ liệu nợ công và các phần mềm phục vụ quản lý nợ công và quản lý viện trợ không hoàn lại; tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về quản lý nợ công và viện trợ không hoàn lại; xây dựng, duy trì hoạt động của Trang thông tin điện tử về quản lý nợ công; xuất bản Bản tin nợ công (bao gồm cả xây dựng, duy trì việc phát hành Bản tin nợ công) và các ấn phẩm có liên quan đến công tác quản lý nợ công…

Các hoạt động nghiệp vụ quản lý nợ công, bao gồm: Chi cho hoạt động hỗ trợ thực hiện nghiệp vụ quản lý nợ công và viện trợ không hoàn lại như thuê chuyên gia tư vấn pháp luật; thuê tổ chức trong và ngoài nước thực hiện tư vấn và cung cấp dịch vụ phục vụ nghiệp vụ quản lý nợ công; chi xây dựng và thực hiện các nghiệp vụ quản lý nợ công; chi cho hoạt động tư vấn và hỗ trợ pháp lý đối với công tác quản lý nợ công như thuê chuyên gia, tổ chức trong và ngoài nước thực hiện tư vấn pháp luật về nội dung của hợp đồng vay, thỏa thuận phát hành trái phiếu, thư bảo lãnh.

Chi hỗ trợ hoạt động thẩm định và cấp ý kiến pháp lý đối với khoản vay nước ngoài hoặc hợp đồng vay có bảo lãnh của Chính phủ với quy mô lớn, tác động rộng, liên quan đến nhiều cấp, nhiều cơ quan, đơn vị tham gia theo đề nghị của cơ quan chủ trì cấp ý kiến pháp lý được Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định: Chi hội nghị, hội thảo, chi thuê chuyên gia, chi phiên dịch, biên dịch tài liệu nước ngoài; Chi hỗ trợ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về quản lý nợ công và viện trợ không hoàn lại…

Chế độ chi tăng cường hiệu quả công tác quản lý nợ công từ nguồn thu phí cho vay lại và phần trích phí bảo lãnh thực hiện theo chế độ chi tiêu tài chính hiện hành của nhà nước.

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15/7/2016 và thay thế Thông tư số 29/2013/TT-BTC ngày 15/3/2013 của Bộ Tài chính quy định việc quản lý, sử dụng số tiền thu được từ phí cho vay lại và phí bảo lãnh được trích tại Bộ Tài chính giai đoạn 2012-2015. Các nội dung quy định tại Thông tư này được áp dụng cho các năm ngân sách từ năm 2016 đến năm 2020./.