Ân hạn thuế khi có bảo lãnh: Phù hợp với thông lệ quốc tế, chống thất thu ngân sách

PV.

(Tài chính) Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế đang được Bộ Tài chính trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội XIII, có quy định, người nộp thuế phải nộp trước thời điểm thông quan và áp dụng ân hạn nộp thuế khi có bảo lãnh của tổ chức tín dụng. Đề xuất này được thông qua sẽ tạo tiền đề trong việc chống thất thu ngân sách nhà nước, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp (DN) tham gia hoạt động xuất nhập khẩu (XNK).

Ân hạn thuế khi có bảo lãnh: Phù hợp với thông lệ quốc tế, chống thất thu ngân sách

Phù hợp với thông lệ quốc tế

Lý giải  nguyên nhân sửa đổi, bổ sung quy định DN chỉ được ân hạn thuế khi có bảo lãnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường, khi đưa ra đề xuất này, ban soạn thảo sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế đã nghiên cứu kỹ và đưa vấn đề này ra lấy ý kiến các bộ, ngành, cộng đồng doanh nghiệp trước khi trình Quốc hội, đến nay cơ bản đều nhận được sự đồng thuận.

Ban soạn thảo sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế có đề xuất một số nội dung, trong đó có, thay đổi một cách căn bản về ân hạn thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) nói chung trong đó có hàng nhập khẩu kinh doanh, hàng tạm nhập tái xuất và hàng SXXK. Đề xuất này xuất phát từ một số lý do cơ bản.

Thứ nhất, để nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý thuế, đặc biệt là khắc phục tình trạng chây ỳ của một số DN, giải quyết tình trạng chiếm dụng tiền thuế và bỏ trốn. Theo thống kê của chúng tôi, tỷ lệ DN nợ thuế bỏ trốn hiện nay khá lớn, chiếm khoảng 20% số DN hoạt động trong lĩnh vực SXXK.

Thứ hai, khi xây dựng Luật, ban soạn thảo tính đến sự bình đẳng giữa các nhóm hàng: nhập khẩu (NK) kinh doanh với hàng SXXK và hàng sản xuất trong nước. Đối với hàng NK kinh doanh hiện phải nộp thuế ngay, hàng sản xuất trong nước khi các DN mua bán cũng phải nộp thuế ngay. Bên cạnh đó, theo chủ trương của Đảng và Nhà nước là khuyến khích ưu tiên tiêu dùng hàng Việt Nam, do đó, chúng ta cũng phải tính đến những điều chỉnh về chính sách thuế để khuyến khích DN sử dụng nguyên liệu trong nước đưa vào sản xuất, đặc biệt là sản xuất để XK…

Thứ ba, trong bối cảnh hiện nay, các quy định về pháp luật của Việt Nam cũng phải phù hợp với các thông lệ quốc tế. Thực tế cho thấy, hầu hết các nước trên thế giới đều không cho nợ thuế (Thái Lan, Lào, Campuchia, Hoa Kỳ...). Chỉ có một một số nước cho chậm nộp thuế nhưng phải có bảo lãnh của ngân hàng, tổ chức tín dụng hoặc có tài khoản do cơ quan hải quan quản lý như Anh, Nhật Bản, New Zealand.

Vì một tầm nhìn dài hạn

Có luồng ý kiến cho rằng, nếu áp dụng quy định mới, không được ân hạn thuế (275 ngày) như hiện nay,  doanh nghiệp (DN) nhập khẩu sản xuất xuất khẩu (SXXK) trong các ngành dệt may, da giày, thủ sản…, có khả năng gặp khó khi phải nộp thuế trước, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường cũng bày tỏ, chia sẻ với những khó khăn của DN. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, khi xây dựng Luật, ban soạn thảo đã căn cứ vào tầm nhìn dài hạn, không chỉ nhìn vào những khó khăn trước mắt. Theo dự thảo, trong thời gian bảo lãnh, nguyên liệu NK để SXXK không phải trả lãi chậm nộp, nên DN được hưởng lợi từ việc sử dụng tiền thuế (lãi chậm nộp) để đầu tư sản xuất, kinh doanh, trong khi nếu là hàng hóa NK khác sẽ phải trả lãi chậm nộp này. Quy định như vậy, thực sự đã tính đến sự chia sẻ bớt những khó khăn của DN.

Theo tính toán cụ thể, mức phí bảo lãnh của ngân hàng cũng không ảnh hưởng nhiều đến giá thành sản phẩm. Mức bảo lãnh đang được các ngân hàng, tổ chức tài chính áp dụng khá thấp, thấp nhất là 0,05%/tháng, cao nhất là 0,29%/tháng. Căn cứ vào số liệu năm 2011, đối với mặt hàng dệt may, da giày, số tiền phí bảo lãnh đối với thuế NK nguyên phụ liệu dệt may, da giày, bông sợi trong thời gian 90 ngày làm giá thành nguyên liệu NK tăng thêm 0,013% (nếu phí bảo lãnh 0,05%/tháng) và tăng 0,058% (nếu phí bảo lãnh là 0,29%/tháng).

Trường hợp DN XNK thường xuyên (không có tài sản đảm bảo để giảm chi phi bảo lãnh), DN có thể sử dụng L/C của lô hàng kế tiếp hoặc chính hàng hóa NK để làm tài sản đăng ký cược bảo lãnh nên sẽ không phát sinh thêm tài sản ký quỹ...Hơn nữa, trên thực tế, nhiều hiệp hội, tập đoàn, tổng công ty…, cũng có tổ chức tài chính, tín dụng, có thể đứng ra thực hiện bảo lãnh cho DN.