Áp dụng biện pháp bình ổn giá với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi

Trang Trần

(Tài chính) Trước những biến động về giá của mặt hàng cho trẻ em sữa thời gian qua, Bộ Tài chính đã ra Quyết định 1079/QĐ-BTC về việc áp dụng các biện pháp bình ổn giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi ngày 20/5/2014.

Bộ Tài chính đã ra Quyết định 1079/QĐ-BTC về việc áp dụng các biện pháp bình ổn giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 06. Nguồn: internet
Bộ Tài chính đã ra Quyết định 1079/QĐ-BTC về việc áp dụng các biện pháp bình ổn giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 06. Nguồn: internet
Quyết định nêu rõ, thực hiện bình ổn giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi (gọi chung là sản phẩm sữa) bằng hai biện pháp chính, cụ thể:

Thứ nhất, quản lý giá tối đa theo quy định tại khoản 7 Điều 17 Luật Giá đối với sản phẩm sữa trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực;

Thứ hai, thực hiện biện pháp đăng ký giá theo quy định tại khoản 4 Điều 17 Luật Giá đối với sản phẩm sữa trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực.

Bên cạnh đó, Quyết định cũng quy định rõ về mức giá tối đa của các sản phẩm sữa, cụ thể:

Về giá tối đa trong khâu bán buôn

Mộ là
, ban hành mức giá tối đa trong khâu bán buôn đối với 25 sản phẩm sữa tại Phụ lục kèm theo Quyết định này;

Hai là, trên cơ sở mức giá tối đa của 25 sản phẩm sữa quy định tại điểm a khoản này, tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh sản phẩm sữa (gọi là tổ chức, cá nhân) có trách nhiệm xác định giá tối đa theo hướng dẫn sau: Đối với những sản phẩm sữa khác đang lưu thông trên thị trường, tổ chức, cá nhân căn cứ vào quy định phương pháp định giá chung đối với hàng hóa, dịch vụ do Bộ Tài chính ban hành và so sánh về giá của sản phẩm sữa đó với sản phẩm sữa đã công bố giá tối đa để xác định giá tối đa, gửi cơ quan có thẩm quyền quản lý giá; Đối với những sản phẩm sữa mới, chưa lưu thông trên thị trường, tổ chức, cá nhân căn cứ vào quy định phương pháp định giá chung đối với hàng hóa, dịch vụ do Bộ Tài chính ban hành và so sánh với giá của sản phẩm sữa đang lưu thông trên thị trường đã công bố giá tối đa để xác định giá tối đa cho sản phẩm sữa mới, gửi cơ quan có thẩm quyền quản lý giá.

Về giá tối đa trong khâu bán lẻ

Một là, giá tối đa trong khâu bán lẻ được xác định bằng giá tối đa trong khâu bán buôn cộng chi phí khác có liên quan theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền quản lý giá nhưng tối đa không quá 15% của giá tối đa trong khâu bán buôn;

Hai là, tổ chức, cá nhân bán lẻ thuộc đối tượng phải đăng ký giá theo quy định tại Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật giá, căn cứ quy định tại điểm a khoản này và hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền quản lý giá, để xác định giá tối đa trong khâu bán lẻ gửi cơ quan có thẩm quyền quản lý giá.

Ngoài ra, trong quá trình thực hiện quy định về mức giá tối đa đối với sản phẩm sữa (bao gồm cả giá tối đa công bố tại điểm a khoản 1 Điều này) nếu có yếu tố dẫn đến phải thay đổi thì căn cứ vào diễn biến thị trường, cơ sở hình thành giá, chi phí sản xuất kinh doanh thực tế của tổ chức, cá nhân, cơ quan quản lý giá sẽ xem xét điều chỉnh. Trường hợp có phản ánh của tổ chức, cá nhân, cơ quan quản lý giá sẽ xem xét, giải quyết trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ khi được cung cấp đủ thông tin.

Quyết định cũng quy định rõ trách nhiệm thực hiện Quyết định này của các tổ chức, cá nhân, cụ thể:

Các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm sữa căn cứ Quyết định này, xác định giá tối đa trong khâu bán buôn, giá tối đa trong khâu bán lẻ, gửi cơ quan có thẩm quyền quản lý giá để làm cơ sở thực hiện quy định về đăng ký giá; trên cơ sở giá tối đa gửi cơ quan có thẩm quyền quản lý giá đã được chấp thuận, thực hiện đăng ký giá bán theo quy định tại Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật giá và văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính. Đồng thời, thực hiện công khai giá tại trụ sở, tại nơi bán sản phẩm, cho các kênh phân phối (đối với giá tối đa trong khâu bán buôn) theo đúng quy định.

Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức thực hiện biện pháp bình ổn giá tại địa phương theo hướng dẫn của Bộ Tài chính; hướng dẫn chi phí khác có liên quan trong phạm vi mức tối đa quy định tại điểm a khoản 2 Điều 2 Quyết định này; căn cứ hướng dẫn của Bộ Tài chính để tiếp nhận đề nghị về giá tối đa và đăng ký giá, thực hiện kiểm soát chi phí hình thành giá tối đa, kiểm soát việc đăng ký giá theo quy định của pháp luật đối với tổ chức, cá nhân thuộc diện đăng ký giá trên địa bàn theo thẩm quyền; công khai mức giá tối đa sản phẩm sữa của tổ chức, cá nhân thuộc diện đăng ký giá trên địa bàn theo thẩm quyền; báo cáo kết quả thực hiện biện pháp bình ổn giá hàng tháng và trong trường hợp có yêu cầu khác về Bộ Tài chính; chỉ đạo cơ quan quản lý thị trường và các lực lượng khác có chức năng thanh tra, kiểm tra, kiểm soát trong phạm vi quản lý có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện bình ổn giá quy định tại Quyết định này; xử lý hành vi vi phạm theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xử lý.

Quyết định trên có hiệu lực kể từ ngày 01/6/2014; thực hiện trong khâu bán buôn chậm nhất sau 10 ngày kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành; thực hiện trong khâu bán lẻ chậm nhất sau 20 ngày kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành.