Áp dụng quy định mới về chế độ kế toán đối với DNBH

Theo mof.gov.vn

(Tài chính) Kể từ ngày 1/1/2014, một số quy định về chế độ kế toán mới đối với doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) phi nhân thọ, doanh nghiệp tái bảo hiểm và chi nhánh DNBH phi nhân thọ nước ngoài chính thức có hiệu lực.

Áp dụng quy định mới về chế độ kế toán đối với DNBH
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Theo đó, tại Thông tư số 232/2012/TT-BTC, Bộ Tài chính quy định chi tiết một số tài khoản, nguyên tắc, phương pháp hoạch toán, mẫu Báo cáo tài chính áp dụng cho các DNBH phi nhân thọ, sức khỏe, tái bảo hiểm và chi nhánh DNBH phi nhân thọ nước ngoài được thành lập và hoạt động theo pháp luật tại Việt Nam với nhiều nội dung mới đáng lưu ý.

Đối với nội dung Báo cáo tài chính, điểm mới đáng lưu ý là DNBH không được bù trừ các khoản dự phòng cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm (KDBH) gốc, nhận tái bảo hiểm với dự phòng cho hoạt động nhượng tái bảo hiểm. Các khoản dự phòng này phải được trình bày riêng biệt, trong đó các khoản dự phòng phí chưa được hưởng và dự phòng bồi thường của hoạt động KDBH gốc và nhận tái bảo hiểm, dự phòng dao động lớn được phản ánh là Nợ phải trả; Dự phòng phí chưa được hưởng và dự phòng bồi thường nhượng tái bảo hiểm được phản ánh là Tài sản tái bảo hiểm; Thuyết minh cơ sở và định lượng của số trích lập bổ sung hoặc hoàn nhập các khoản dự phòng này nếu xác định được; Thuyết minh báo cáo tài chính (BCTC): DNBH trình bày các thông tin khác về: Thuyết minh các thông tin về rủi ro bảo hiểm và chính sách quản lý rủi ro; Phân tích độ nhạy của các rủi ro bảo hiểm; Phân tích mức độ tập trung của các rủi ro bảo hiểm; thuyết minh về tình hình bồi thường: Các DN phải thực hiện thống kê tình hình bồi thường theo số liệu thực tế kể từ ngày 1/1/2014 để lập “Bảng tổng hợp số liệu về tình hình bồi thường” kể từ năm tài chính 2016.

Tài khoản kế toán cũng có những nội dung mới đối với kế toán doanh thu hoạt động KDBH, kế tóan các khoản giảm trừ doanh thu, kế toán doanh thu chưa thực hiện; kế toán dự phòng phải trả; kế toán chi phí KDBH; kế toán chi phí khai thác bảo hiểm của hoạt động KDBH gốc và nhận tái bảo hiểm; kế toán các khoản đầu tư tài chính và cuối cùng là kế toán hoạt động đồng bảo hiểm.

Theo đó, đối với Kế toán doanh thu hoạt động KDBH: Doanh thu phí bảo hiểm gốc, phí nhận tái bảo hiểm và doanh thu hoa hồng bảo hiểm có thể tăng, giảm khi có sự điều chỉnh HĐBH do khách hàng (bên mua bảo hiểm) thay đổi số tiền, phạm vi bảo hiểm hoặc thời hạn bảo hiểm. Trường hợp tăng số tiền, phạm vi bảo hiểm kế toán ghi Nợ các tài khoản (TK) 111, 112, 131.../Có TK 511; Trường hợp giảm ghi Nợ TK 511/Có các TK 111, 112, 131...; Các DN nhượng tái và nhận tái bảo hiểm phải thực hiện thông báo, đối chiếu kịp thời để đảm bảo ghi nhận doanh thu hoa hồng nhượng tái bảo hiểm phải thu, phí nhượng tái bảo hiểm (đối với DN nhượng tái bảo hiểm) và doanh thu phí nhận tái bảo hiểm, hoa hồng nhận tái bảo hiểm phải trả (đối với DN nhận tái bảo hiểm) tại đúng thời điểm khi phát sinh trách nhiệm theo HĐBH đã giao kết chậm nhất trong cùng kỳ kế toán quý.

Đối với Kế toán các khoản giảm trừ doanh thu: Thông tư quy định  Hoàn phí, hoa hồng bảo hiểm: TK 531 dùng để phản ánh các khoản phí bảo hiểm gốc, phí nhận tái bảo hiểm, hoa hồng bảo hiểm do DNBH; Giảm phí, hoa hồng bảo hiểm (TK 532): Phản ánh các khoản phí bảo hiểm gốc, phí nhận tái bảo hiểm, hoa hồng bảo hiểm bị giảm do DNBH phải trả lại cho khách hàng trong các trường hợp khi kết thúc HĐBH, đối tượng bảo hiểm không xảy ra tai nạn, tổn thất theo HĐBH đã giao kết hoặc do duy trì quan hệ lâu năm giữa DNBH với khách hàng và các trường hợp theo cam kết khác ghi trong HĐBH; Phí nhượng tái bảo hiểm (TK 533): DNBH phải phản ánh tại cùng một thời điểm phí nhượng tái bảo hiểm phải chuyển trả và hoa hồng nhượng tái bảo hiểm phải thu của DN nhận tái bảo hiểm khi phát sinh trách nhiệm theo HĐBH đã giao kết.

Các DN nhượng tái và nhận tái bảo hiểm phải thực hiện thông báo, đối chiếu kịp thời để đảm bảo ghi nhận doanh thu hoa hồng nhượng tái bảo hiểm phải thu, phí nhượng tái bảo hiểm (đối với DN nhượng tái bảo hiểm) và doanh thu phí nhận tái bảo hiểm, hoa hồng nhận tái bảo hiểm phải trả (đối với DN nhận tái bảo hiểm) tại đúng thời điểm khi phát sinh trách nhiệm theo hợp đồng bảo hiểm (HĐBH) đã giao kết chậm nhất trong cùng kỳ kế toán quý.

Về Kế toán doanh thu chưa thực hiện: DN nhượng tái bảo hiểm phải theo dõi chi tiết các khoản doanh thu hoa hồng nhượng tái bảo hiểm thực tế đã phát sinh chưa được hưởng chờ phân bổ cho hoạt động nhượng tái bảo hiểm; Toàn bộ hoa hồng nhượng tái bảo hiểm phải thu của DN nhận tái bảo hiểm theo hợp đồng nhượng tái bảo hiểm đã giao kết hạch toán vào bên Có TK 511 (5113); Cuối kỳ kế toán, DN nhượng tái bảo hiểm phải xác định doanh thu hoa hồng nhượng tái bảo hiểm chưa được hưởng tương ứng với khoản phí nhượng tái bảo hiểm chưa được ghi nhận kỳ này để chuyển sang phân bổ vào các kỳ sau theo phương pháp trích lập dự phòng phí đã đăng ký với Bộ Tài chính.

Về Kế toán dự phòng phải trả: TK 352 dùng để phản ánh các khoản dự phòng phải trả hiện có, tình hình trích lập và sử dụng các khoản dự phòng phải trả của DNBH, bao gồm dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm và dự phòng phải trả; Các khoản dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm được lập vào cuối kỳ kế toán quý và cuối kỳ kế toán năm khi lập BCTC theo quy định của chế độ tài chính hiện hành; Cuối kỳ kế toán năm (hoặc quý), DNBH xác định các khoản dự phòng nghiệp vụ phải lập cho kỳ kế toán tiếp theo.

Kế toán chi phí KDBH: Thông tư quy định chỉ phản ánh vào TK 624 các chi phí thực tế phát sinh (đã chi tiền hoặc chưa chi tiền) có liên quan đến hoạt động KDBH trong kỳ kế toán; các khoản phải thu để giảm chi phát sinh trong kỳ như thu bồi thường nhượng tái bảo hiểm, thu đòi người thứ ba bồi hoàn, thu hàng đã xử lý bồi thường 100%, hoa hồng bảo hiểm chờ phân bổ các kỳ sau, các khoản hoàn nhập dự phòng nghiệp vụ; Chi tiết theo từng loại hoạt động KDBH gốc, nhận tái bảo hiểm, nhượng tái bảo hiểm và hoạt động kinh doanh khác; Các DN nhận tái và nhượng tái bảo hiểm phải thực hiện thông báo, đối chiếu kịp thời để đảm bảo ghi nhận chi bồi thường và các khoản chi phí khác như chi đòi người thứ ba bồi hoàn, chi xử lý hàng tổn thất đã giải quyết bồi thường 100%; số thu bồi thường nhượng tái bảo hiểm và các khoản thu khác như thu đòi người thứ ba bồi hoàn, thu hàng đã xử lý bồi thường 100%, chi phí hoa hồng nhận tái bảo hiểm tại đúng thời điểm khi phát sinh trách nhiệm theo HĐBH đã giao kết chậm nhất trong cùng kỳ kế toán quý; Chi phí hoạt động kinh doanh dịch vụ khác của hoạt động KDBH dở dang cuối kỳ (nếu có) được kết chuyển sang TK 154 – “Chi phí sản xuất kinh doanh dở dang”. Giá thành các dịch vụ này hoàn thành được xác định là bán trong kỳ được kết chuyển sang TK 911 để xác định kết quả kinh doanh.

Đối với Kế toán chi phí khai thác bảo hiểm của hoạt động KDBH gốc và nhận tái bảo hiểm: Không phản ánh các khoản chi phí khai thác bảo hiểm vào TK 642; Các khoản chi phí khai thác bảo hiểm khi phát sinh xác định được cụ thể, rõ ràng thì phản ánh vào TK 624; Khi phát sinh những chi phí quản lý chung không xác định được cụ thể, rõ ràng cho hoạt động khai thác bảo hiểm và quản lý DN thì kế toán DNBH phản ánh vào bên Nợ TK 642. Cuối kỳ kế toán, DNBH phải tiến hành tính toán, phân bổ phần chi phí quản lý chung theo tiêu thức phù hợp và đảm bảo nhất quán. Phần chi phí khai thác bảo hiểm được phân bổ ghi Nợ TK 624/Có TK 642, DNBH phải thuyết minh BCTC tiêu thức phân bổ các khoản chi phí này mà DN áp dụng trong kỳ.

Nội dung Kế toán các khoản đầu tư tài chính: TK phản ánh bao gồm 2 nhóm, nhóm TK 121- Đầu tư tài chính ngắn hạn và nhóm TK 221- Đầu tư tài chính dài hạn. Nguyên tắc của nội dung này gồm: Tuân thủ Pháp luật và đảm bảo tính an toàn hiệu quả và tách bạch. Đồng thời, cuối kỳ kế toán, DNBH phải căn cứ vào sổ kế toán chi tiết của các khoản đầu tư theo từng hình thức đầu tư phát sinh trong kỳ để lập báo cáo hoạt động đầu tư theo quy định của chế độ tài chính.

Kế toán hoạt động đồng bảo hiểm: DN đứng đầu phản ánh toàn bộ khoản phí bảo hiểm (bao gồm cả thuế Giá trị gia tăng) phải thu của khách hàng vào bên Nợ TK 131; Số phí bảo hiểm phải trả cho các DN tham gia đồng bảo hiểm, kế toán DN đứng đầu phản ánh vào bên Có TK 331 (chi tiết phải trả cho từng DN tham gia đồng bảo hiểm); Số phải thu về chi bồi thường và các chi phí khác của các DN tham gia đồng bảo hiểm, kế toán phản ánh vào bên Nợ TK 131 (chi tiết phải thu của từng DN tham gia đồng bảo hiểm); DNBH phải tiến hành thông báo, đối chiếu kịp thời để đảm bảo tất cả DN tham gia đồng bảo hiểm đều ghi nhận doanh thu, chi phí theo đúng thời điểm phát sinh trách nhiệm trong HĐBH đã giao kết chậm nhất trong kỳ kế toán quý.