Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung về tổ chức và hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển địa phương

Thanh Hải

(Tài chính) Ngày 27/12/2012, Bộ Tài chính đã có Tờ trình số 125/TTr-BTC trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 138/2007/NĐ-CP ngày 28 tháng 8 năm 2007 về tổ chức và hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển địa phương.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Hệ thống Quỹ Đầu tư phát triển địa phương (ĐTPTĐP) được thành lập từ năm 1997 nhằm mục đích huy động vốn để cho vay và đầu tư trực tiếp vào các dự án kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội nhằm góp phần phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.

Quỹ ĐTPTĐP đầu tiên (Quỹ TP.Hồ Chí Minh, nay là Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TP.Hồ Chí Minh) được thành lập vào năm 1997. Sau 10 năm thực hiện thí điểm, mô hình này đã được nhân rộng tại một số tỉnh, thành phố và đã đạt được những kết quả tích cực bước đầu.

Để tạo hành lang pháp lý thống nhất cho các Quỹ hoạt động, ngày 28/8/2007, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 138/2007/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Quỹ ĐTPTĐP.

Sau 5 năm triển khai thực hiện, bên cạnh các kết quả tích cực đã đạt được, quá trình triển khai Nghị định 138/2007/NĐ-CP cho thấy hệ thống Quỹ ĐTPTĐP vẫn chưa đạt được sự phát triển như mong muốn, nguồn vốn điều lệ của Quỹ thấp, nguồn vốn huy động hạn chế, đối tượng cho vay chưa tập trung, hoạt động đầu tư trực tiếp còn lúng túng, chưa linh hoạt.

Để đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng cao của hệ thống Quỹ ĐTPTĐP, Bộ Tài chính đã chủ trì soạn thảo, trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 138/2007/NĐ-CP ngày 28/8/2007 của Chính phủ, tập trung vào các vấn đề sau:

(i) Đối tượng cho vay hoặc đầu tư trực tiếp được quy định cụ thể theo danh mục kèm theo Nghị định; phân định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của HĐND, UBND cấp tỉnh trong việc quyết định danh mục của địa phương,

(ii) Sửa đổi cách thức xác định mức lãi suất cho vay theo hướng phù hợp với chi phí đầu vào của Quỹ ĐTPTĐP,

(iii) Sửa đổi bổ sung các giới hạn cho vay, đầu tư trực tiếp, đảm bảo an toàn cho các Quỹ trong quá trình hoạt động,

(iv) Sửa đổi việc cho vay hợp vốn và cho vay liên vùng theo hướng cho phép cho vay hợp vốn với các Quỹ ĐTPTĐP, tổ chức tín dụng và các tổ chức khác, và (v) cơ chế tiền lương, tiền thưởng, xếp hạng doanh nghiệp…

Tính đến năm 2012, toàn hệ thống có tổng số 28 Quỹ, trong đó có một số Quỹ hoạt động tích cực, hiệu quả như  Quỹ Đầu tư phát triển Bình Dương, Đồng Nai, Đà Nẵng, Cần Thơ và Công ty đầu tư tài chính Nhà nước TP.Hồ Chí Minh.