Các khoản chi của Quỹ tích lũy trả nợ

PV.

Ngày 26/6/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 92/2018/NĐ-CP về quản lý và sử dụng Quỹ Tích lũy trả nợ, trong đó, các khoản chi của Quỹ đã được quy định rõ.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Quỹ Tích lũy trả nợ là quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước.Chính phủ thành lập Quỹ Tích lũy trả nợ và giao Bộ Tài chính thực hiện quản lý theo quy định tại Điều 56 của Luật Quản lý nợ công trên cơ sở Quỹ Tích lũy trả nợ được thành lập theo quy định tại Nghị định số 79/2010/NĐ-CP ngày 14/10/2010 của Chính phủ.

Theo đó, các khoản thu của Quỹ Tích lũy trả nợ gồm: Thu hồi nợ cho vay lại; Thu dự phòng rủi ro đối với khoản cho vay lại; Thu phí quản lý cho vay lại (phần Bộ Tài chính được hưởng theo quy định tại Nghị định của Chính phủ về cho vay lại vốn vay hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ); Phí bảo lãnh và lãi phạt chậm trả đối với khoản phí bảo lãnh (nếu có); Thu hồi các khoản ứng vốn từ Quỹ Tích lũy trả nợ; Thu từ nghiệp vụ cơ cấu lại nợ, danh mục nợ; Thu lãi tiền gửi, cho vay, ủy thác quản lý vốn và đầu tư của Quỹ và các khoản thu hợp pháp khác.

Bên cạnh việc quy định rõ các khoản thu, Nghị định số 92/2018/NĐ-CP cũng đã quy định cụ thể các khoản chi của Quỹ gồm:

Thứ nhất, chi trả nợ nước ngoài (gốc, lãi), phí (nếu có) đối với khoản vay về cho vay lại. Trường hợp ngân sách nhà nước đã ứng nguồn chi trả nợ nước ngoài, Quỹ Tích lũy trả nợ có trách nhiệm hoàn trả ngân sách nhà nước phần đã ứng.

Thứ hai, ứng vốn để trả nợ nước ngoài đối với các khoản vay về cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Thứ  ba, chi xử lý rủi ro theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Thứ tư, chi nghiệp vụ quản lý nợ công từ nguồn thu phí quản lý cho vay lại, phí bảo lãnh theo quy định của Thủ tướng Chính phủ theo nguyên tắc không trùng lắp với dự toán chi thường xuyên được ngân sách nhà nước đảm bảo.

Sau khi cân đối sử dụng cho các khoản chi theo quy định nêu trên, Quỹ được sử dụng nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi để cho ngân sách nhà nước vay, đầu tư vốn nhàn rỗi, mua trái phiếu chính phủ theo quy định của Luật Quản lý nợ công.

Nghị định số 92/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/7/2018.