Đề xuất Quy chế Quản lý tài chính của EVN

Theo chinhphu.vn

(Tài chính) Bộ Tài chính đang dự thảo Nghị định ban hành Quy chế Quản lý tài chính của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Ngành, nghề kinh doanh chính của EVN là sản xuất, truyền tải, phân phối và kinh doanh mua bán điện năng. Nguồn: internet
Ngành, nghề kinh doanh chính của EVN là sản xuất, truyền tải, phân phối và kinh doanh mua bán điện năng. Nguồn: internet

Theo dự thảo, vốn của EVN bao gồm vốn do Nhà nước đầu tư tại EVN, vốn do EVN tự huy động và các loại vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Vốn điều lệ của EVN được ghi trong Điều lệ tổ chức và hoạt động của EVN do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Dự thảo nêu rõ, trong quá trình kinh doanh, EVN được điều chỉnh tăng vốn điều lệ theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Nguồn bổ sung vốn điều lệ của EVN từ Quỹ đầu tư phát triển và các nguồn vốn bổ sung khác (nếu có). Trường hợp sử dụng Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp tại EVN để bổ sung vốn điều lệ phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép bằng văn bản. Trường hợp vốn nhà nước đầu tư tại EVN cao hơn vốn điều lệ mà EVN không có nhu cầu điều chỉnh tăng vốn điều lệ thì EVN báo cáo Bộ Tài chính để xử lý theo quy định.

Theo dự thảo, EVN được quyền chủ động sử dụng số vốn nhà nước đầu tư, các loại vốn khác, các quỹ do EVN quản lý vào hoạt động kinh doanh của EVN theo quy định của pháp luật và các quyết định của chủ sở hữu; quản lý sử dụng, bảo toàn và phát triển vốn có hiệu quả; báo cáo kịp thời cho chủ sở hữu, Bộ Tài chính về việc doanh nghiệp hoạt động thua lỗ, không đảm bảo khả năng thanh toán, không hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ do chủ sở hữu giao hoặc trường hợp sai phạm khác để thực hiện giám sát theo quy định. Việc sử dụng vốn, quỹ để đầu tư xây dựng phải tuân theo các quy định của pháp luật về quản lý đầu tư và xây dựng.

Huy động vốn đảm bảo hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu không vượt quá 3 lần

Bên cạnh đó, EVN được quyền huy động vốn của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật để đáp ứng nhu cầu vốn của EVN và tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn huy động, hoàn trả đầy đủ cả gốc và lãi vay cho chủ nợ mà EVN đã cam kết. Việc huy động vốn của EVN phải đảm bảo hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của EVN không vượt quá 3 lần, bao gồm cả các khoản bảo lãnh vay vốn đối với doanh nghiệp có vốn góp của EVN.

Dự thảo cũng nêu rõ hình thức huy động vốn EVN có thể áp dụng là: Phát hành trái phiếu, tín phiếu, kỳ phiếu; vay vốn của các tổ chức tín dụng, các tổ chức tài chính khác, của cá nhân, tổ chức ngoài doanh nghiệp; vay vốn của người lao động và các hình thức huy động vốn khác theo quy định của pháp luật.

Đặc biệt, EVN không được phát hành trái phiếu để đầu tư vào các lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm, quỹ đầu tư, bất động sản, tài chính.

Ngoài ra, EVN được quyền huy động vốn nhàn rỗi của các công ty con do EVN sở hữu 100% vốn điều lệ. Trường hợp EVN huy động vốn từ các Công ty có vốn góp dưới 100% vốn điều lệ thì phải có sự thoả thuận của các Công ty này. Lãi suất huy động do hai bên thỏa thuận nhưng không cao hơn lãi suất thị trường tại thời điểm huy động theo quy chế huy động vốn do EVN ban hành…

Đầu tư vốn ra ngoài EVN

Cũng theo dự thảo, EVN được quyền sử dụng vốn của EVN để đầu tư ra ngoài EVN thuộc các ngành nghề kinh doanh được quy định trong điều lệ tổ chức hoạt động của EVN. Việc đầu tư vốn ra ngoài EVN phải tuân thủ các quy định của pháp luật và đảm bảo nguyên tắc có hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn, tăng thu nhập và không làm thay đổi mục tiêu hoạt động của EVN.

Dự thảo nêu rõ, việc đầu tư vốn ra ngoài EVN nếu có liên quan đến đất đai phải tuân thủ các quy định của pháp luật về đất đai. EVN không được nhận đầu tư, góp vốn từ các công ty con của EVN, từ các công ty con của doanh nghiệp cấp II và các cấp tiếp theo; các công ty con do EVN nắm giữ 100% vốn điều lệ không được góp vốn mua cổ phần khi cổ phần hoá các đơn vị của EVN. EVN không được góp vốn hoặc đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, không được góp vốn, mua cổ phần tại ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, Quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư chứng khoán hoặc công ty đầu tư chứng khoán, trừ những trường hợp đặc biệt theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ…

Theo Điều lệ và tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được Chính phủ ban hành ngày 6/12/2013, EVN là công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu, tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp, các quy định pháp luật có liên quan và Điều lệ này.

Ngành, nghề kinh doanh chính của EVN là sản xuất, truyền tải, phân phối và kinh doanh mua bán điện năng; chỉ huy điều hành hệ thống sản xuất, truyền tải, phân phối và phân bổ điện năng trong hệ thống điện quốc gia; xuất nhập khẩu điện năng; đầu tư và quản lý vốn đầu tư các dự án điện; quản lý, vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng, đại tu, cải tạo, nâng cấp thiết bị điện, cơ khí, điều khiển, tự động hoá thuộc dây truyền sản xuất, truyền tải và phân phối điện, công trình điện; thí nghiệm điện.

Vốn điều lệ của EVN tại thời điểm 31/12/2012 là 143.404 tỷ đồng. Nhà nước là chủ sở hữu của EVN. Chính phủ thống nhất quản lý và tổ chức thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu Nhà nước đối với EVN.

EVN có 20 đơn vị trực thuộc công ty mẹ; 18 công ty con; 8 công ty EVN nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ.