Đến năm 2020, đưa dư nợ thị trường trái phiếu đạt 45% GDP

PV.

Ngày 14/8/2017, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 1191/QĐ-TTg phê duyệt Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Phấn đấu đưa dư nợ thị trường trái phiếu đạt khoảng 45% GDP vào năm 2020 và khoảng 65% GDP vào năm 2030. Nguồn: Internet
Phấn đấu đưa dư nợ thị trường trái phiếu đạt khoảng 45% GDP vào năm 2020 và khoảng 65% GDP vào năm 2030. Nguồn: Internet

Mục tiêu Quyết định đưa ra nhằm phát triển thị trường trái phiếu ổn định, cấu trúc hoàn chỉnh, đồng bộ về các yếu tố cung - cầu; mở rộng cơ sở nhà đầu tư, tăng quy mô và chất lượng hoạt động, đa dạng hóa các sản phẩm, nghiệp vụ, đảm bảo thị trường hoạt động công khai, minh bạch và hiệu quả; chủ động hội nhập thị trường quốc tế, từng bước tiếp cận với các chuẩn mực và thông lệ quốc tế.

Đồng thời, tại Quyết định, Chính phủ đã đặt ra mục tiêu cụ thể:

Thứ nhất, phấn đấu đưa dư nợ thị trường trái phiếu đạt khoảng 45% GDP vào năm 2020 và khoảng 65% GDP vào năm 2030, trong đó dư nợ thị trường trái phiếu Chính phủ, trái phiếu Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương đạt khoảng 38% GDP vào năm 2020 và khoảng 45% GDP vào năm 2030, dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt khoảng 7% GDP vào năm 2020 và khoảng 20% GDP vào năm 2030.

Thứ hai, phấn đấu kỳ hạn bình quân danh mục phát hành trái phiếu Chính phủ trong nước giai đoạn 2017 - 2020 đạt 6 - 7 năm; giai đoạn 2021 - 2030 đạt 7 - 8 năm. Tăng khối lượng giao dịch trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương bình quân phiên lên mức 1% dư nợ trái phiếu niêm yết vào năm 2020 và 2% dư nợ trái phiếu niêm yết vào năm 2030; tăng tỷ trọng trái phiếu Chính phủ do các công ty bảo hiểm, bảo hiểm xã hội, quỹ hưu trí, quỹ đầu tư và các tổ chức tài chính phi ngân hàng nắm giữ lên mức 50% năm 2020 và mức 60% vào năm 2030.

Để đạt được mục tiêu trên, Thủ tướng đã đặt ra nhiều giải pháp thực hiện như: trong giai đoạn 2017 - 2020 sẽ hoàn thiện khung khổ chính sách về thị trường trái phiếu; phát triển thị trường sơ cấp, thứ cấp; phát triển và đa dạng hóa hệ thống nhà đầu tư; phát triển định chế trung gian và dịch vụ thị trường...

Trong đó, về thị trường sơ cấp: Đa dạng hóa các sản phẩm trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương để đáp ứng nhu cầu đầu tư của nhà đầu tư, thiết lập các sản phẩm tài chính và đường cong lãi suất chuẩn trên thị trường tài chính. Đồng thời, tiếp tục tập trung phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh theo phương thức đấu thầu.

Về thị trường thứ cấp: Cải tiến mô hình tổ chức thị trường và hệ thống giao dịch trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương tại Sở Giao dịch chứng khoán phù hợp với tính chất giao dịch thỏa thuận, bảo đảm chế độ báo cáo giao dịch kịp thời, chính xác để xây dựng đường cong lãi suất chuẩn trên thị trường.

Tăng cường trách nhiệm của thành viên thị trường thứ cấp trong công tác báo cáo giao dịch. Nghiên cứu xây dựng chuyên trang thông tin về trái phiếu doanh nghiệp tại Sở Giao dịch Chứng khoán để cung cấp thông tin về tình hình phát hành, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp, thúc đẩy giao dịch thứ cấp trái phiếu doanh nghiệp.