Dự án Luật Phí và lệ phí có gì đáng quan tâm?

Theo baohaiquan.vn

(Taichinh) - Tại phiên họp ngày 26/5/2015 kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII, Dự án Luật Phí và lệ phíđãđược Chính phủ trình Quốc hội.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

19 khoản phí chuyển thành giá

Danh mục phí ban hành kèm theo Pháp lệnh Phí và lệ phí năm 2001 gồm 73 khoản phí, được sắp xếp thành 12 nhóm theo tính chất công việc gắn với lĩnh vực, nhóm ngành và Chính phủ đã quy định chi tiết thành 171 loại phí. Qua 13 năm thực hiện, đến nay một số khoản phí đã và đang chuyển sang cơ chế giá theo quy định của Luật chuyên ngành (đặc biệt là một số khoản phí có tác động lớn đến người dân như học phí và viện phí); một số khoản phí được quy định trong Danh mục nhưng qua 13 năm chưa phát sinh và một số khoản phí được quy định tại các Luật chuyên ngành ban hành sau Pháp lệnh Phí và lệ phí.

Để đảm bảo quy định thống nhất về phí, lệ phí; khuyến khích xã hội hóa; thu hút nguồn lực xã hội đầu tư cung cấp dịch vụ công, dự thảo Luật đưa ra khỏi Danh mục phí 18 khoản, gồm: 2 khoản phí được quy định trong Danh mục nhưng qua 13 năm chưa phát sinh (phí bảo vệ nguồn lợi thủy sản và phí giám định hàng hóa xuất, nhập khẩu); 5 khoản phí trước đây có quy định thu nhưng nay đã dừng thu để phù hợp với tình hình thực tế (phí xây dựng; phí an ninh trật tự; phí phòng, chống thiên tai; phí niêm phong, kẹp chì hải quan; phí chứng nhận xuất xứ hàng hoá); 6 khoản phí có cùng đối tượng điều chỉnh cần rà soát thu gọn Danh mục (phí sử dụng đường thủy nội địa và phí luồng lạch có cùng đối tượng điều chỉnh là sử dụng đường thủy nội địa; phí sử dụng đường biển và phí bảo đảm hàng hải có cùng đối tượng điều chỉnh là sử dụng đường); 5 khoản phí quy định trong Danh mục nhưng pháp luật chuyên ngành đã quy định thực hiện theo cơ chế giá (phí đấu thầu; học phí; viện phí; phí giám định tư pháp; phí kiểm định đo lường chất lượng).

Ngoài 18 khoản phí nêu trên, để khuyến khích thu hút các thành phần kinh tế tham gia cung cấp dịch vụ công cần tiếp tục rà soát chuyển các khoản phí sang cơ chế giá dịch vụ, chỉ các dịch vụ công liên quan trực tiếp đến hoạt động quản lý Nhà nước như: Phí phòng dịch y tế, phí thẩm định cấp giấy phép hành nghề,... thì quy định thu phí. Với nguyên tắc này, có thêm 19 khoản phí trong Danh mục chuyển sang thực hiện theo cơ chế giá. Việc chuyển các khoản phí này đã có tính đến sự phù hợp với quy định của pháp luật về giá. Cụ thể, chuyển sang cơ chế giá thị trường đối với các khoản phí dịch vụ đã có DN tham gia cung cấp như phí giới thiệu việc làm; phí kiểm nghiệm chất lượng hàng hóa; phí kiểm nghiệm trang thiết bị y tế; phí đo đạc, lập bản đồ địa chính; phí giám định di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia,... Các khoản phí chuyển sang cơ chế giá do Nhà nước định giá gồm các khoản phí thu từ dịch vụ có liên quan đến một số lĩnh vực Nhà nước cần quản lý giá để ổn định sản xuất và đời sống hoặc dịch vụ dễ độc quyền như phí sử dụng đường bộ hoàn vốn các dự án BOT; phí chợ; phí bến bãi; phí vệ sinh; phí thẩm định kết quả đấu thầu; phí sử dụng cảng, nhà ga;... Thực tế, các khoản thu này cơ bản đang thực hiện theo cơ chế giá. DN bỏ vốn đầu tư và thu phí hoàn vốn, không nộp NSNN.

Bổ sung 15 khoản phí đã được quy định tại các Luật chuyên ngành (như phí bay qua vùng trời, phí công chứng, phí sử dụng kho số viễn thông,...).

Như vậy, Danh mục phí kèm theo dự án Luật bao gồm 51 khoản phí, trong đó, 36/73 khoản trong Danh mục phí hiện hành được kế thừa và 15 khoản phí quy định tại các Luật chuyên ngành được bổ sung vào Danh mục.

Loại bỏ 12 khoản lệ phí

Danh mục lệ phí theo Pháp lệnh hiện hành gồm 42 khoản lệ phí, được sắp xếp thành 5 nhóm và đã được Chính phủ quy định chi tiết thành 130 khoản lệ phí.

Qua tổng kết đánh giá tình hình thực hiện và rà soát pháp luật chuyên ngành, dự án Luật Phí và lệ phí đã đưa ra khỏi Danh mục 12 khoản, trong đó có 8 khoản lệ phí đã được quy định trong Danh mục ban hành kèm theo Pháp lệnh nhưng đến nay chưa thu hoặc dừng thu; 4 khoản lệ phí bãi bỏ để cải cách thủ tục hành chính.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật bổ sung 9 khoản, gồm 8 khoản lệ phí quy định tại Luật chuyên ngành mà chưa được quy định tại Danh mục kèm Pháp lệnh (lệ phí thẩm định hồ sơ đề nghị hưởng miễn trừ, lệ phí cấp giấy phép quy hoạch)... để đảm bảo thống nhất

Khoản còn lại là đưa thuế môn bài hiện đang thực hiện thu theo quy định tại Pháp lệnh Thuế công thương nghiệp thành lệ phí môn bài. Thống kê của Bộ Tài chính cho thấy số thu hàng năm của thuế môn bài khoảng 1.700 tỷ đồng, nộp ngân sách địa phương. Theo Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020, thuế môn bài chuyển thành khoản thu lệ phí kinh doanh thu hàng năm. Khi sửa đổi, bổ sung các Luật thuế thời gian qua đã dự định bỏ thuế môn bài, tuy nhiên, Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội cho rằng đây là nguồn thu ổn định cần bổ sung vào Luật Phí và lệ phí khi trình Quốc hội và đề nghị bổ sung quy định lệ phí môn bài thu hàng năm vào Danh mục lệ phí.

Như vậy, Danh mục lệ phí kèm theo Luật gồm 39 khoản. Trong đó, 30/42 khoản trong Danh mục hiện hành được kế thừa và 9 khoản lệ phí quy định tại Luật chuyên ngành được bổ sung vào Danh mục.

Xác định mức thu phí

Thực tế, các khoản phí gắn với dịch vụ công trong các ngành, lĩnh vực. Mỗi dịch vụ có tính chất, đặc điểm, đối tượng sử dụng và khả năng xã hội hóa khác nhau nên mức thu phí được xác định khác nhau, có khoản phí mức thu chỉ nhằm bù đắp một phần chi phí, có khoản phí mức thu đảm bảo bù đắp toàn bộ chi phí.

Hiện, các khoản phí trong Danh mục kèm dự thảo Luật đều do cơ quan Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp. Tuy nhiên, trong tương lai một số khoản phí có khả năng xã hội hóa cao có thể chuyển giao cho DN cung cấp, do đó, đối với một số khoản phí, việc xác định mức thu phí cần tính đến mức “lợi nhuận phù hợp” để khuyến khích thu hút DN đầu tư cung cấp dịch vụ công. Vì vậy, tại dự thảo Luật trình Quốc hội có nhấn mạnh nguyên tắc xác định mức thu phí như sau: "Mức thu phí được xác định đảm bảo bù đắp chi phí, có lợi nhuận phù hợp và tính đến chính sách của Nhà nước trong từng thời kỳ".

Dự kiến Luật Phí và lệ phí được Quốc hội thông qua tháng 10/2015 và có hiệu lực kể từ ngày 1/12017.

Pháp lệnh Phí và lệ phí được ban hành ngày 28-8-2001, có hiệu lực thi hành từ 1-1-2002. Qua 13 năm thực hiện, Pháp lệnh đã tạo khuôn khổ pháp lý quan trọng để tăng cường quản lý thu, sử dụng hiệu quả các khoản thu phí và lệ phí, đồng thời góp phần tạo nguồn thu cho NSNN.

Tuy nhiên, qua tổng kết việc thực hiện Pháp lệnh Phí và lệ phí đã bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế cần khắc phục: Phí và lệ phí là các khoản thu liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công dân nên cần thiết phải nâng Pháp lệnh Phí và lệ phí lên thành luật để đảm bảo địa vị pháp lý; Danh mục phí và lệ phí kèm theo Pháp lệnh Phí và lệ phí hiện hành không còn phù hợp với thực tiễn, một số khoản phí đã chuyển sang cơ chế giá dịch vụ; một số khoản phí có tên trong Danh mục nhưng chưa phát sinh; một số loại phí, lệ phí cần được bãi bỏ để phù hợp với tình hình mới, giảm thủ tục hành chính và chi phí hành thu; Chế độ quản lý các khoản thu từ phí, lệ phí thiếu thống nhất, nhiều khoản thu, chi từ phí, lệ phí chưa đảm bảo đúng các quy định của pháp luật, tình trạng lạm thu hoặc bỏ sót nguồn thu vẫn diễn ra; chế độ quản lý thu nộp, sử dụng phí, lệ phí thiếu thống nhất, sử dụng còn lãng phí, thiếu minh bạch, công bằng và hiệu quả; Thực hiện cơ chế thị trường về phí đối với một số khoản phí có tính chất dịch vụ còn chậm, chưa đảm bảo theo lộ trình, định hướng tại các Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội.

Xuất phát từ những lý do trên, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách tán thành về sự cần thiết ban hành Luật Phí và lệ phí để tạo khuôn khổ pháp lý hoàn chỉnh, đồng bộ và thuận lợi trong quản lý thu, nộp và sử dụng phí và lệ phí.

(Trích Báo cáo thẩm tra sơ bộ về Dự án Luật phí và lệ phí của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội)