Giảm lệ phí cấp thị thực để thu hút du lịch, đầu tư

Theo baohaiquan.vn

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 157/2015/TT-BTC quy định chế độ thu, nộp và quản lý sử dụng lệ phí cấp hộ chiếu, thị thực, giấy tờ về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh và cư trú tại Việt Nam, trong đó đặc biệt có nhiều thay đổi liên quan đến người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Giảm nhiều khoản thu

Cụ thể, các mức thu đối với người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài được điều chỉnh như sau: Lệ phí thị thực có giá trị một lần giảm từ 45 USD xuống 25 USD; thị thực loại có giá trị đến 3 tháng giảm từ 95 USD còn 50 USD; loại có giá trị trên 3 tháng đến 6 tháng và loại có giá trị trên 6 tháng đến 1 năm giữ nguyên là 95 USD và 135 USD.

Thông tư bổ sung mức thu lệ phí cấp thị thực loại có giá trị trên 1 năm đến 2 năm là 145 USD; loại có giá trị trên 2 năm đến 3 năm, trên 3 năm đến 4 năm và trên 4 năm đến 5 năm có mức thu chung là 155 USD.

Lệ phí chuyển ngang giá trị thị thực, tạm trú còn giá trị từ hộ chiếu cũ sang hộ chiếu mới giảm từ 15 USD còn 5 USD; cấp thẻ tạm trú có giá trị trên 1 năm đến 2 năm tăng từ 100 USD lên 145 USD; thẻ tạm trú có giá trị trên 2 năm đến 5 năm tăng từ 120 USD lên 155 USD.

Ngoài ra, việc sửa đổi, bổ sung các nội dung khác đã ghi trong thị thực thay vì phải trả lệ phí 10 USD như trước đây thì sẽ không thu nữa.

Lệ phí xuất nhập cảnh thu bằng Việt Nam đồng. Đối với mức thu quy định bằng USD thì được thu bằng USD hoặc thu bằng Việt Nam đồng trên cơ sở quy đổi từ USD ra đồng Việt Nam theo tỷ giá mua, bán ngoại tệ bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm thu tiền lệ phí.

Những mức thu này sẽ có hiệu lực từ 23-11-2015 và thay thế Thông tư số 66/2009/TT-BTC của Bộ Tài chính và các văn bản sửa đổi, bổ sung chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí cấp hộ chiếu, thị thực, giấy tờ về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh và cư trú tại Việt Nam.

Thu hút du lịch, đầu tư

Chia sẻ về những thay đổi này, ông Vũ Khắc Liêm - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thu, Bộ Tài chính cho biết: Những thay đổi về mức thu lệ phí thị thực cho người nước ngoài đến Việt Nam (trong đó có bao gồm khách du lịch) nhằm phù hợp với các quy định mới của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam số 47/2014/QH13 và khuyến khích phát triển du lịch.

Cụ thể, tại các quy định cũ, mức thu lệ phí cấp thị thực có giá trị một lần là 45 USD. Tuy nhiên, Bộ Tài chính nhận thấy, thị thực có giá trị một lần chủ yếu là áp dụng đối với khách du lịch, vì vậy để phù hợp với chủ trương của Chính phủ nhằm khuyến khích hoạt động du lịch và qua tham khảo mức thu của các nước trong khu vực, Bộ Tài chính đã điều chỉnh mức lệ phí cấp thị thực có giá trị một lần từ 45 USD xuống còn 25 USD.

Tương tự, đối với thị thực có giá trị nhiều lần, thị thực có thời hạn không quá 3 tháng được cấp cho người vào dự hội nghị, hội thảo hoặc du lịch, để khuyến khích du lịch thì việc giảm mức thu lệ phí thị thực loại có giá trị nhiều lần, thời hạn không quá 3 tháng là cần thiết. Vì vậy, Bộ Tài chính điều chỉnh mức thu thị thực nhiều lần, thời hạn không quá 3 tháng từ 95 USD xuống còn 50 USD.

Việc cấp thị thực có thời hạn không quá 15 ngày cho người nước ngoài vào theo diện đơn phương miễn thị thực vừa xuất cảnh, vừa nhập cảnh trở lại trong thời gian chưa quá 30 ngày cũng được Bộ Công an đánh giá là còn cao (45 USD) vì trong cùng một chuyến đi khách du lịch thường đi vào Việt Nam, sau đó sang Lào, Campuchia... và quay lại Việt Nam (trong vòng 30 ngày) để xuất cảnh về nước. Vì vậy, Bộ Tài chính đưa mức thu lệ phí này về 5 USD.

Với đối tượng là người lao động, đầu tư, ông Liêm cho biết: Thị thực có giá trị đến 5 năm là quy định mới của Luật Xuất nhập cảnh, vì vậy trước đây chưa quy định thu lệ phí cấp thị thực cho thời hạn này.

Theo quy định mới, thị thực ký hiệu LĐ (cấp cho người vào lao động) có thời hạn không quá 2 năm; thị thực ký hiệu ĐT (cấp cho nhà đầu tư) có thời hạn không quá 5 năm.

Do đó, căn cứ vào thời hạn của thị thực, Bộ Tài chính quy định mức thu từ 1 đến 2 năm là 145 USD và từ trên 2 năm đến 5 năm mức thu là 155 USD. Như vậy, chênh lệch là 10 USD và 20 USD so với loại thị thực từ 6 tháng đến 1 năm. Mức thu này vẫn đảm bảo nguyên tắc công bằng, hợp lý theo giá trị và thời hạn của thị thực.

Đối với thẻ tạm trú, trước đây chia làm 3 loại là: Loại có giá trị đến 1 năm là 80 USD; có giá trị trên 1 năm đến 2 năm là 100 USD; có giá trị trên 2 năm đến 3 năm là 120 USD.

Theo quy định tại Điều 38 Luật Xuất nhập cảnh, thời hạn thẻ tạm trú cũng có giá trị không quá 5 năm, vì vậy, để thống nhất mức thu giữa thị thực (do cơ quan đại diện ở nước ngoài cấp) và thẻ tạm trú (do cơ quan quản lý xuất nhập cảnh cấp), Bộ Tài chính quy định mức thu thẻ tạm trú loại từ 1 năm đến 2 năm là 145 USD; loại từ trên 2 năm đến 5 năm là 155 USD.