Hỗ trợ chi phí điều trị nghiện bằng thuốc thay thế

PV.

Ngày 17/7/2017, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 73/2017/TT-BTC về quản lý, sử dụng nguồn ngân sách nhà nước bảo đảm để hỗ trợ chi phí khám sức khỏe và điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, có hiệu lực từ ngày 1/9/2017.

Hỗ trợ chi phí điều trị nghiện bằng thuốc thay thế. Nguồn: internet
Hỗ trợ chi phí điều trị nghiện bằng thuốc thay thế. Nguồn: internet
Theo đó, Thông tư quy định quản lý và sử dụng nguồn ngân sách nhà nước bảo đảm, hỗ trợ chi phí khám sức khỏe và chi phí điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, trừ các khoản hỗ trợ có mục đích, địa chỉ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, hoặc các khoản hỗ trợ mà nhà tài trợ hoặc đại diện có thẩm quyền của nhà tài trợ và Bộ Tài chính đã có thoả thuận về nội dung và mức chi.

Thông tư hướng dẫn, kinh phí thực hiện hỗ trợ chi phí khám sức khỏe, chi phí điều trị nghiện của cấp nào do ngân sách cấp đó đảm bảo, bố trí trong dự toán của các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ theo phân cấp ngân sách hiện hành.

Trong đó, bố trí trong dự toán chi sự nghiệp đảm bảo xã hội đối với các cơ sở điều trị do ngành lao động thương binh xã hội quản lý; Bố trí trong dự toán chi quốc phòng, an ninh đối với các cơ sở điều trị do ngành công an quản lý; Bố trí trong dự toán chi sự nghiệp y tế đối với các cơ sở điều trị do ngành y tế và các ngành khác quản lý.

Thông tư nêu rõ, bảo đảm toàn bộ chi phí khám sức khỏe, điều trị nghiện theo hướng dẫn chuyên môn do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định và giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, giá dịch vụ điều trị nghiện do cơ quan có thẩm quyền quyết định đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước, cơ sở điều trị nghiện của Nhà nước (gọi tắt là chi phí khám sức khỏe, điều trị nghiện) cho người nghiện các chất dạng thuốc phiện tự nguyện tham gia điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế trong cơ sở cai nghiện bắt buộc, trại giam, trại tạm giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng.
Hỗ trợ tối thiểu 95% chi phí khám sức khỏe, điều trị nghiện cho các đối tượng: Thương binh; Người bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; Người nghèo; Người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa; Trẻ em mồ côi; Người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng.
Trong trường hợp hỗ trợ mức cao hơn mức tối thiểu trên, Thông tư hướng dẫn, đối với các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thì Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong phạm vi dự toán được giao và thực tế số người tự nguyện tham gia điều trị nghiện tại các cơ sở điều trị thuộc phạm vi quản lý, quyết định mức hỗ trợ cụ thể cao hơn mức tối thiểu để thực hiện cho phù hợp.

Đối với địa phương thì Hội đồng nhân dân cấp tỉnh căn cứ khả năng cân đối ngân sách địa phương và thực tế số người tự nguyện tham gia điều trị nghiện tại các cơ sở điều trị thuộc phạm vi quản lý của địa phương, quyết định mức hỗ trợ cụ thể cao hơn mức tối thiểu để thực hiện cho phù hợp.

Theo Thông tư, ngân sách nhà nước không tiếp tục hỗ trợ các đối tượng trên trong trường hợp chấm dứt điều trị hoặc được hỗ trợ từ nguồn kinh phí khác trong cùng một nội dung chi.