Hỗ trợ tài chính cho các tổ chức sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số

PV.

Ngày 13/6/2017, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 58/2017/TT-BTC hướng dẫn một số chính sách hỗ trợ tài chính cho các tổ chức, đơn vị sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số tại khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Chính sách hỗ trợ đào tạo nghề ngắn hạn

Thông tư số 58/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định rõ các nguyên tắc hỗ trợ đối với đào tạo nghề ngắn hạn.

Theo đó, lao động là người dân tộc thiểu số thuộc diện phải đào tạo theo kế hoạch tuyển dụng, đào tạo của đơn vị sử dụng lao động được hỗ trợ đào tạo nghề ngắn hạn (trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 03 tháng) mỗi người một lần.

Kinh phí hỗ trợ đào tạo được cấp trực tiếp cho đơn vị sử dụng lao động theo kế hoạch đào tạo đã được cơ quan quản lý cấp trên phê duyệt (tập đoàn kinh tế nhà nước, tổng công ty nhà nước đối với các đơn vị trực thuộc; Bộ, ngành đối với đơn vị thuộc Bộ, ngành; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với đơn vị thuộc địa phương quản lý bao gồm cả các hợp tác xã, doanh nghiệp ngoài nhà nước, các công ty cổ phần được chuyển đổi từ công ty mẹ và doanh nghiệp thành viên của tập đoàn kinh tế nhà nước, tổng công ty nhà nước có trụ sở chính đóng trên địa bàn).

Việc đào tạo nghề ngắn hạn cho người lao động được thực hiện tại các cơ sở đào tạo đủ điều kiện hoạt động giáo dục nghề nghiệp theo quy định của pháp luật.

Nơi cư trú của người lao động để làm căn cứ xác định mức hỗ trợ chi phí đào tạo quy định tại Thông tư này được xác định theo quy định tại Luật Cư trú và các văn bản hướng dẫn.

Về hỗ trợ chi phí đào tạo, theo quy định của Thông tư số 58/2017/TT-BTC, người thuộc hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo: mức tối đa 04 triệu đồng/người/khóa học. Người dân tộc thiểu số: mức tối đa 03 triệu đồng/người/khóa học.

Về hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại, hỗ trợ tiền ăn 30.000 đồng/người/ngày thực học. Hỗ trợ tiền đi lại 200.000 đồng/ người/khóa học nếu địa điểm đào tạo ở xa nơi cư trú từ 15 km trở lên.

Riêng đối với người học là người dân tộc thiểu số cư trú ở xã, thôn, bản thuộc vùng khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, mức hỗ trợ tiền đi lại 300.000 đồng/người/khóa học nếu địa điểm đào tạo ở xa nơi cư trú từ 5 km trở lên.

Thông tư số 58/2017/TT-BTC cũng quy định rõ, trường hợp đối tượng được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ cùng một nội dung thì chỉ được hưởng chính sách cao nhất.

Chính sách hỗ trợ về bảo hiểm và nguồn kinh phí hỗ trợ đào tạo, bảo hiểm

Thông tư số 58/2017/TT-BTC quy định, ngân sách nhà nước hỗ trợ nộp thay cho các đơn vị sử dụng lao động tối đa 05 năm đối với một người lao động.

Việc hỗ trợ bảo hiểm được thực hiện đối với lao động là người dân tộc thiểu số được đơn vị sử dụng lao động ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng.

Về nguồn kinh phí hỗ trợ đào tạo, bảo hiểm, ngân sách trung ương hỗ trợ 100% kinh phí về đào tạo, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho lao động là người dân tộc thiểu số.

Các địa phương chủ động bố trí ngân sách địa phương để cùng với ngân sách trung ương hỗ trợ triển khai có hiệu quả chính sách đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 03 tháng cho lao động là người dân tộc thiểu số.

Nguồn lồng ghép kinh phí đào tạo thường xuyên, các chương trình (trong đó có chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới), dự án khác trên địa bàn để tổ chức đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 03 tháng cho lao động là người dân tộc thiểu số.

Đối với đơn vị sử dụng lao động hoạt động theo hình thức đơn vị sự nghiệp công lập có thu, nếu phương án tự chủ của đơn vị đã bao gồm dự toán chi bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho lao động là người dân tộc thiểu số thì đơn vị không được ngân sách nhà nước hỗ trợ theo quy định tại Khoản 1 Điều này.

Miễn, giảm tiền thuê đất

Miễn, giảm tiền thuê đất cũng là một trong những nội dung đáng chú ý trong chính sách hỗ trợ tài chính đối với các tổ chức, đơn vị sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số tại khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn.

Về nguyên tắc miễn, giảm, Thông tư số 58/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định chỉ xem xét miễn, giảm tiền thuê đất đối với diện tích đất sử dụng cho mục đích sản xuất nông, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản.

Lao động có mặt làm việc thường xuyên là lao động đang làm việc theo bảng chấm công của đơn vị (không bao gồm lao động làm việc không trọn thời gian và lao động có hợp đồng lao động dưới 12 tháng) và lao động làm việc theo hợp đồng giao nhận khoán (một hợp đồng giao nhận khoán được thay thế một hợp đồng lao động và hợp đồng giao nhận khoán phải có thời hạn thực hiện hợp đồng từ đủ 12 tháng trở lên).

Người dân tộc thiểu số tại hợp đồng giao nhận khoán là người trực tiếp ký hợp đồng giao nhận khoán với đơn vị sử dụng lao động. Tỷ lệ giữa số lao động là người dân tộc thiểu số so với tổng số lao động có mặt làm việc thường xuyên tại đơn vị để làm căn cứ miễn giảm tiền thuê đất được xác định theo công thức sau:

Hỗ trợ tài chính cho các tổ chức sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số - Ảnh 1
Trong đó:

A: là tỷ lệ (%) giữa số lao động là người dân tộc thiểu số với số lao động có mặt làm việc thường xuyên trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản.

B: là số lao động là người dân tộc thiểu số bình quân năm, được xác định bằng tổng số lao động là người dân tộc thiểu số có hợp đồng lao động hoặc hợp đồng giao nhận khoán từ đủ 12 tháng trở lên, làm việc trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản trong 12 tháng của năm trước liền kề năm lập dự toán chia cho 12.

C: là số lao động có mặt làm việc thường xuyên bình quân năm, được xác định bằng tổng số lao động có mặt làm việc thường xuyên trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản (được xác định theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này) trong 12 tháng của năm trước liền kề năm lập dự toán chia cho 12.

Trường hợp doanh nghiệp mới bắt đầu hoạt động thì số tháng trong năm được tính theo số tháng hoạt động trong năm.

Về mức miễn, giảm, đơn vị sử dụng lao động có sử dụng từ 30% đến dưới 50% lao động là người dân tộc thiểu số so với tổng số lao động có mặt làm việc thường xuyên tại đơn vị được giảm 50% tiền thuê đất trong năm đối với diện tích đất của đơn vị thuộc diện phải thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

Đơn vị sử dụng lao động có sử dụng từ 50% lao động là người dân tộc thiểu số trở lên so với tổng số lao động có mặt thường xuyên làm việc tại đơn vị được miễn 100% tiền thuê đất trong năm đối với diện tích đất của đơn vị thuộc diện phải thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

Các quy định tại Thông tư này áp dụng từ năm tài chính 2017 và  bắt đầu có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày ký.