Hướng dẫn mới về xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2018

PV.

Ngày 13/7/2017, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 71/2017/TT-BTC hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 và kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 3 năm 2018-2020. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/8/2017.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Xây dựng dự toán thu, chi NSNN triệt để tiết kiệm

Thông tư quy định, việc xây dựng dự toán thu, chi ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2018 phải theo đúng các quy định của pháp luật về thu, chi và quản lý thu, chi ngân sách; trên cơ sở nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ dự toán NSNN; quán triệt chủ trương triệt để tiết kiệm, chống lãng phí ngay từ khâu lập dự toán.

Việc xây dựng dự toán thu, chi NSNN năm 2018 với chủ trương triệt để là tiết kiệm, chống lãng phí ngay từ khâu lập dự toán. Mọi khoản thu từ thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác phải được tổng hợp, phản ánh đầy đủ vào cân đối NSNN theo quy định của Luật NSNN.

Trên cơ sở đó, phấn đấu tỷ lệ huy động vào NSNN năm 2018 khoảng 21%/GDP. Loại trừ các yếu tố tăng, giảm thu do thay đổi chính sách, dự toán thu nội địa bình quân chung cả nước tăng tối thiểu 12-14% so với đánh giá ước thực hiện năm 2017, dự toán thu từ hoạt động xuất nhập khẩu tăng bình quân tối thiểu 5 - 7% so với đánh giá ước thực hiện năm 2017.

Về xây dựng dự toán chi NSNN, trường hợp dự toán chi đầu tư phát triển (ĐTPT), đối với các dự án dự kiến bố trí vốn đầu tư công giai đoạn 2016-2020 thấp hơn so với quyết định đầu tư phê duyệt, các bộ, ngành, địa phương cần rà soát, phê duyệt quyết định đầu tư điều chỉnh tổng mức đầu tư, xác định điểm dừng kỹ thuật hợp lý hoặc bổ sung nguồn hợp pháp khác để hoàn thành dự án phù hơp với quy mô vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương.

Dự toán chi ĐTPT nguồn NSNN cần phù hợp với quy định của Luật NSNN và sắp xếp các dự án theo thứ tự ưu tiên lần lượt như: Bố trí vốn để hoàn thành và đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia, chương trình mục tiêu, dự án có ý nghĩa lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội của cả nước; Vốn đối ứng các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; Vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án theo hình thức đối tác công tư PPP...

Đối với dự toán chi cấp bù chênh lệch lãi suất, hỗ trợ lãi suất sau đầu tư tín dụng đầu tư, tín dụng chính sách của Nhà nước, bổ sung nguồn vốn thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi, căn cứ vào quy định của cấp có thẩm quyền, tình hình thực hiện năm 2017 và dự kiến những thay đổi về đối tượng, chính sách, nhiệm vụ năm 2018 để xây dựng dự toán chi theo quy định.

Về xây dựng dự toán chi dự trữ quốc gia, căn cứ Chiến lược phát triển dự trữ quốc gia đến năm 2020, Kế hoạch dự trữ quốc gia 5 năm 2016-2020 và dự kiến mức tồn kho dự trữ quốc gia đến ngày 31/12/2017, các bộ, cơ quan Trung ương quản lý hàng dự trữ quốc gia xây dựng dự toán NSNN chi mua hàng dự trữ quốc gia năm 2018 trên tinh thần triệt để tiết kiệm, tập trung vào các mặt hàng chiến lược, thiết yếu; ưu tiên các mặt hàng dự trữ quốc gia phục vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, hỏa hoạn, cứu đói, phục vụ quốc phòng - an ninh...

Về dự toán chi thường xuyên, các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương, các cơ quan, đơn vị sử dụng NSNN lập dự toán chi thường xuyên triệt để tiết kiệm. Dự toán chi mua sắm, bảo dưỡng, sửa chữa tài sản phải căn cứ quy định về tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý; giảm tần suất và tiết kiệm tối đa kinh phí tổ chức lễ hội, nhất là lễ hội có quy mô lớn… sử dụng ngân sách.

Không ban hành các chính sách làm giảm thu ngân sách

Về yêu cầu lập kế hoạch, Thông tư nêu rõ, năm 2018 là năm đầu tiên các bộ, cơ quan trung ương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh triển khai lập kế hoạch tài chính - NSNN 3 năm 2018-2020 làm cơ sở cho việc lập, xem xét, quyết định dự toán NSNN năm 2018.

Theo đó, Thông tư quy định, các cơ quan, đơn vị đảm bảo nguyên tắc chỉ ban hành chính sách chi thực sự cần thiết và có nguồn lực đảm bảo, không ban hành các chính sách thu làm giảm thu ngân sách, trừ các chính sách thu phải thực hiện theo các cam kết hội nhập.

Việc lập, báo cáo, tổng hợp và trình kế hoạch tài chính - NSNN 03 năm 2018-2020 được tiến hành đồng thời với quá trình lập dự toán NSNN năm 2018, sử dụng số dự kiến dự toán thu, chi NSNN năm 2018 làm cơ sở xác định kế hoạch thu, chi NSNN cho 2 năm 2019 và năm 2020.   

Về kế hoạch thu NSNN 3 năm 2018-2020 được lập trên cơ sở dự kiến dự toán thu NSNN năm 2018 và mức tăng trưởng thu dự kiến cho năm 2019, năm 2020 theo quy định tại khoản 2 Điều này. Theo đó, cần đảm bảo nguyên tắc mọi khoản thu từ thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác theo quy định phải được tổng hợp, phản ánh đầy đủ vào cân đối NSNN theo quy định của Luật NSNN…

Trên cơ sở đó, phấn đấu năm 2019, năm 2020 tỷ lệ huy động từ thuế, phí vào NSNN so với GDP bình quân xấp xỉ 21%/năm. Loại trừ yếu tố thay đổi chính sách, thu nội địa (không kể thu từ dầu thô, thu tiền sử dụng đất, thu cổ tức và lợi nhuận còn lại, thu xổ số kiến thiết) tăng bình quân tối thiểu 13-15%/năm, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu tăng bình quân 5 - 7%/năm.

Đối với các khoản thu phí, lệ phí nộp ngân sách và để lại chi theo quy định, các bộ, địa phương căn cứ số dự kiến thu năm 2018 để xây dựng kế hoạch thu năm 2019, năm 2020 phù hợp theo từng khoản thu phí, lệ phí.

Trường hợp các khoản thu học phí, giá dịch vụ y tế, dịch vụ sự nghiệp không thuộc danh mục phí và lệ phí, các khoản thu chuyển sang cơ chế giá dịch vụ không thuộc nguồn thu NSNN, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương lập kế hoạch thu và xây dựng phương án sử dụng để gửi cơ quan có thẩm quyền giám sát và tiếp tục thực hiện cơ chế tạo nguồn từ khoản thu này để cải cách tiền lương theo quy định.