Kinh phí cho công tác phòng ngừa, giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế thực hiện thế nào?

PV.

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 85/2018/TT-BTC hướng dẫn lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí NSNN cho công tác phòng ngừa, giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo đó, chi phí phát sinh từ việc thực hiện nhiệm vụ đại diện pháp lý cho Chính phủ được cấp trong kinh phí hoạt động hàng năm của Bộ Tư pháp.

Chi phí phát sinh từ việc thực hiện các hoạt động khác phục vụ công tác phòng ngừa, giải quyết vụ việc tranh chấp đầu tư quốc tế được cấp cho cơ quan chủ trì là cơ quan nhà nước ở Trung ương do ngân sách trung ương đảm bảo. Trường hợp cơ quan chủ trì là cơ quan nhà nước ở địa phương do ngân sách địa phương đảm bảo theo quy định về phân cấp ngân sách.

Thông tư số 85/2018/TT-BTC nêu rõ, trong giai đoạn nhà đầu tư nước ngoài khiếu nại và yêu cầu tham vấn hoặc gửi thông báo ý định khởi kiện thực hiện chi theo các nội dung sau: Chi phục vụ hoạt động nghiên cứu pháp luật, điều ước quốc tế; Chi tham vấn chuyên gia trong nước và quốc tế; Chi phục vụ hoạt động tham vấn, thương lượng với nhà đầu tư nước ngoài...

Trong giai đoạn nhà đầu tư nước ngoài nộp đơn khởi kiện ra trọng tài quốc tế hoặc cơ quan tài phán nước ngoài có thẩm quyền thực hiện chi theo các nội dung sau: Xây dựng chiến lược, phương án tham gia giải quyết tranh chấp; Chi công tác chuẩn bị tài liệu, chứng cứ liên quan đến vụ việc; Xây dựng bản trả lời thông báo trọng tài theo quy định của Quy tắc trọng tài trong trường hợp không hoặc chưa thuê luật sư tư vấn cho Chính phủ...

Thông tư số 85/2018/TT-BTC quy định một số mức chi cụ thể như sau: Chi cho hoạt động tố tụng trọng tài quốc tế hoặc cơ quan tài phán nước ngoài có thẩm quyền thực hiện chi trả theo thông báo chi phí hoạt động tố tụng của trọng tài quốc tế hoặc cơ quan tài phán nước ngoài có thẩm quyền; Chi phí thuê luật sư và chuyên gia được chi trả theo hợp đồng được ký giữa cơ quan chủ trì với các chủ thể này; Chi phí mời nhân chứng; Chi thuê địa điểm xét xử...

Đối với nội dung chi xây dựng bản kháng biện cho Chính phủ và xây dựng phương án khi tham dự các phiên xét xử tại Hội đồng trọng tài quốc tế hoặc cơ quan tài phán nước ngoài có thẩm quyền trong trường hợp không hoặc chưa thuê luật sư tư vấn cho Chính phủ: Tùy theo tính chất phức tạp của từng loại báo cáo, thủ trưởng cơ quan chủ trì quyết định mức chi hỗ trợ cụ thể, nhưng tối đa không quá 12 triệu đồng/báo cáo được cấp có thẩm quyền thông qua.

Cùng với các nội dung trên, Thông tư số 85/2018/TT-BTC cũng quy định chi tiết về lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước cho công tác phòng ngừa, giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế.

Thông tư số 85/2018/TT-BTC có hiệu lực thi hành từ ngày 1/11/2018.