Lệ phí sở hữu công nghiệp được quy định như thế nào?

PV.

Ngày 14/11/2016, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 263/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí sở hữu công nghiệp.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo đó, kể từ ngày 1/1/2017, các tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài khi nộp đơn, hồ sơ yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước thực hiện công việc, dịch vụ bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp phải nộp phí, lệ phí theo quy định tại Thông tư này.

Thông tư này thay thế Thông tư số 22/2009/TT-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí sở hữu công nghiệp; khoản 1 Điều 1 Thông tư số 152/2013/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 158/2010/TT-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ tài chính đối với Cục Sở hữu trí tuệ. 

Thông tư số 263/2016/TT-BTC quy định rõ tại Biểu mức thu phí, lệ phí ban hành kèm theo, cụ thể:

Lệ phí nộp đơn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp được thu gọn từ 7 khoản thành 2 khoản, trong đó lệ phí nộp đơn được thống nhất lại ở mức 150 nghìn đồng thay vì 180 nghìn đồng; lệ phí yêu cầu gia hạn thời hạn trả lời thông báo của Tổ chức thu phí, lệ phí (mỗi lần được phép gia hạn) được giữ nguyên là 120 nghìn đồng.

Lệ phí cấp Văn bằng bảo hộ, cấp chứng nhận đăng ký Hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp cũng được tiết giảm từ 5 khoản còn 2 khoản là lệ phí cấp Văn bằng bảo hộ 120 nghìn đồng, bằng mức thu hiện hành và lệ phí cấp Giấy chứng nhận đăng ký Hợp đồng chuyển quyền sử dụng quyền sở hữu công nghiệp 120 nghìn đồng thay vì 150 nghìn đồng.

Lệ phí duy trì hiệu lực Văn bằng bảo hộ sáng chế sẽ không được thu từng năm với mức lệ phí từ 300 nghìn đồng đến 4,2 triệu đồng/năm tùy theo năm duy trì từ năm thứ nhất đến năm thứ 20. Thay vào đó, lệ phí duy trì hiệu lực Văn bằng bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích/gia hạn hiệu lực văn bằng bảo hộ nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp được thu mỗi năm đối với sáng chế/giải pháp hữu ích; 10 năm một lần đối với nhãn hiệu cho mỗi nhóm sản phẩm/dịch vụ; 5 năm đối với kiểu dáng công nghiệp. Mức thu được thống nhất là 100 nghìn đồng.

Lệ phí duy trì/gia hạn hiệu lực muộn vẫn được giữ là 10% lệ phí duy trì/gia hạn cho mỗi tháng nộp muộn. Lệ phí yêu cầu chấm dứt/hủy bỏ hiệu lực Văn bằng bảo hộ được giảm từ 180-300 nghìn đồng xuống còn 50 nghìn đồng.

Các khoản thu phí sở hữu công nghiệp được quy định cụ thể như sau:

Phí thẩm định đơn đăng ký sở hữu công nghiệp; yêu cầu sửa đổi thu hẹp phạm vi bảo hộ; để giải quyết khiếu nại có mức tăng khá cao từ khoảng 300- 420 nghìn đồng lên khoảng 550 nghìn đồng - 1,2 triệu đồng.

Phí tra cứu thông tin về sở hữu công nghiệp nhằm phục vụ việc thẩm định, giải quyết khiếu nại và các công việc khác trong phạm vi trách nhiệm cũng tăng từ 60- 120 nghìn đồng lên mức 180- 600 nghìn đồng tùy nhóm.

Thông tư 263/2016/TT-BTC có bổ sung thêm khoản phí sử dụng Văn bằng bảo hộ đối với sáng chế, giải pháp hữu ích cho mỗi điểm độc lập của yêu cầu  bảo hộ cho mỗi năm, đối với nhãn hiệu cho mỗi nhóm sản phẩm/dịch vụ cho 10 năm, đối với kiểu dáng công nghiệp cho mỗi phương án của từng sản phẩm cho 5 năm là 700 nghìn đồng. 

Phí sử dụng Văn bằng bảo hộ đối với sáng chế, giải pháp hữu ích được thu theo từng năm với mức thu tăng 2 năm một lần, từ 300 nghìn đồng đến 4,2 triệu đồng trong 20 năm.