Một số chính sách thuế có hiệu lực từ tháng 2/2014

Theo thanhtra.com.vn

(Tài chính) Sau đây là một số chính sách thuế có hiệu lực từ tháng 2/2014 và tháng 3/2014

* Thông tư số 202/2013/TT-BTC quy định về mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý sử dụng lệ phí phân bổ và phí sử dụng kho số viễn thông.

Có 4 đối tượng không chịu phí, lệ phí gồm: Mạng viễn thông dùng riêng của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng phục vụ trực tiếp an ninh, quốc phòng; mạng thông tin liên lạc phục vụ phòng chống thiên tai và hoạt động nhân đạo; mạng viễn thông dùng riêng của các cơ quan Đảng, Nhà nước; mạng viễn thông dùng riêng của các cơ quan và tổ chức quốc tế tại Việt Nam được hưởng quy chế miễn trừ ngoại giao.

Còn lại, tất cả các tổ chức, DN được cấp giấy phép hoạt động viễn thông và được phân bổ mã, số viễn thông là đối tượng phải đóng lệ phí phân bổ và phí sử dụng kho số viễn thông.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 6/2/2014.

* Thông tư số 01/2014/TT-BTC hướng dẫn chế độ quản lý tài chính đối với doanh nghiệp (DN) kinh doanh xổ số, chính thức có hiệu lực từ ngày 1/3/2014.

Theo quy định, mức chi hoa hồng đại lý cụ thể do DN kinh doanh xổ số quyết định trong từng thời kỳ nhưng phải bảo đảm nguyên tắc không vượt quá 15% doanh thu bán vé xổ số có thuế của DN (giá trị vé xổ số đã bán). Mức chi hoa hồng đại lý được ghi cụ thể tại hợp đồng đại lý xổ số được ký giữa DN kinh doanh xổ số và đại lý xổ số.

Mức phí uỷ quyền trả thưởng cho đại lý xổ số tối đa không quá 0,2% tổng giá trị giải thưởng mà đại lý xổ số đã thanh toán theo uỷ quyền.

Thông tư cũng yêu cầu DN kinh doanh xổ số chỉ được đầu tư ra bên ngoài đối với các ngành nghề liên quan trực tiếp đến hoạt động kinh doanh xổ số và chỉ được phép huy động vốn để đầu tư cho hoạt động kinh doanh xổ số và ngành nghề liên quan trực tiếp đến hoạt động này…

Nguyên tắc, hình thức, giới hạn đầu tư vốn ra ngoài DN và thẩm quyền của DN kinh doanh xổ số thực hiện theo chế độ quản lý tài chính đối với DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và Điều lệ tổ chức và hoạt động của DN.

* Thông tư số 215/2013/TT-BTC hướng dẫn về cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế.

Thông tư quy định rõ: Từ ngày 21/2/2014, có 5 trường hợp bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế.

Đối với người nộp thuế (NNT), các trường hợp bị cưỡng chế gồm: NNT nợ tiền thuế, tiền chậm nộp tiền thuế đã quá 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế, hết thời hạn gia hạn nộp thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế và của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; NNT còn nợ tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp tiền thuế có hành vi bỏ trốn, tẩu tán tài sản; NNT không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế thì bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế.

Trường hợp quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế có thời hạn thi hành nhiều hơn 10 ngày mà NNT không chấp hành quyết định xử phạt theo thời hạn ghi trên quyết định xử phạt thì bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế (trừ trường hợp được hoãn hoặc tạm đình chỉ thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế).

Ngoài ra, các tổ chức tín dụng không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế và Luật Xử lý vi phạm hành chính; tổ chức bảo lãnh nộp tiền thuế cho NNT quá thời hạn quy định 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp tiền thuế. Kho bạc Nhà nước các cấp không thực hiện việc trích chuyển tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế mở tại Kho bạc Nhà nước để nộp vào ngân sách Nhà nước theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế của cơ quan thuế; các tổ chức, cá nhân có liên quan không chấp hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế của cơ quan có thẩm quyền cũng thuộc đối tượng bị cưỡng chế.

Thông tư cũng quy định 6 biện pháp thi hành cưỡng chế đối với các trường hợp trên.