Một số quy định mới về hoạt động đầu tư chứng khoán của nhà đầu tư ngoại tại Việt Nam

PV. (Tổng hợp)

Ngày 18/8/2015, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 123 /2015/TT-BTC hướng dẫn hoạt động đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01/10/2015 và thay thế cho Thông tư số 213/2012/TT-BTC ngày 06/12/2012 của Bộ Tài chính. Tại thông tư này quy định nhiều nội dung quan trọng, trong đó gồm hoạt động đầu tư chứng khoán, Đình chỉ giao dịch, hủy bỏ mã số giao dịch chứng khoán; Chế độ báo cáo của nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài trên TTCK Việt Nam...

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Hoạt động đầu tư chứng khoán của NĐT nước ngoài

NĐT nước ngoài thực hiện đầu tư trên TTCK Việt Nam dưới các hình thức sau:

- Trực tiếp hoặc ủy quyền cho đại diện giao dịch, tổ chức kinh doanh chứng khoán mua, bán cổ phiếu, trái phiếu và các loại chứng khoán khác; đầu tư góp vốn, mua, bán, hoán đổi cổ phần theo quy định pháp luật chứng khoán và TTCK;

- Gián tiếp đầu tư dưới hình thức ủy thác vốn cho công ty quản lý quỹ, chi nhánh tại Việt Nam của công ty quản lý quỹ nước ngoài quản lý.

Trước khi thực hiện các hoạt động đầu tư, NĐT nước ngoài phải đăng ký mã số giao dịch chứng khoán với Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam thông qua thành viên lưu ký theo quy định tại Điều 4 Thông tư này. NĐT nước ngoài thực hiện nghĩa vụ kê khai, nộp và quyết toán thuế, phí, lệ phí liên quan đến hoạt động chứng khoán tại Việt Nam theo quy định pháp luật Việt Nam hoặc ủy quyền cho thành viên lưu ký, tổ chức kinh doanh chứng khoán, văn phòng đại diện của mình, đại diện giao dịch thực hiện nghĩa vụ kê khai, nộp và quyết toán thuế, phí, lệ phí theo đúng quy định pháp luật Việt Nam...

NĐT nước ngoài, đại diện giao dịch, tổ chức kinh doanh chứng khoán cung cấp dịch vụ cho NĐT nước ngoài phải tuân thủ các quy định pháp luật về tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại các doanh nghiệp Việt Nam. Trường hợp thực hiện giao dịch hoán đổi với quỹ ETF, thực hiện chứng khoán phái sinh bằng phương thức chuyển giao vật chất dẫn tới tỷ lệ sở hữu nước ngoài đối với chứng khoán cơ cấu, chứng khoán cơ sở vượt quá tỷ lệ sở hữu nước ngoài theo quy định pháp luật thì Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam có trách nhiệm yêu cầu công ty quản lý quỹ, thành viên bù trừ, đối tác giao dịch của NĐT nước ngoài bán số chứng khoán cơ cấu, chứng khoán cơ sở vượt tỷ lệ sở hữu nước ngoài và thanh toán bằng tiền cho NĐT nước ngoài...

Ngoại trừ quỹ mở, tổ chức kinh tế có NĐT nước ngoài sở hữu từ 51% vốn điều lệ trở lên, bao gồm cả sở hữu gián tiếp thông qua ủy quyền, ủy thác đầu tư, phải đăng ký mã số giao dịch chứng khoán và tuân thủ quy định pháp luật về tỷ lệ sở hữu nước ngoài khi tham gia đầu tư trên TTCK Việt Nam.

Đình chỉ giao dịch, hủy bỏ mã số giao dịch chứng khoán

NĐT nước ngoài bị đình chỉ giao dịch tối đa sáu (06) tháng trong các trường hợp sau:

- Khi phát hiện hồ sơ đăng ký mã số giao dịch chứng khoán của NĐT nước ngoài có những thông tin sai lệch, không chính xác hoặc hồ sơ bỏ sót những nội dung quan trọng theo quy định phải có trong hồ sơ;

- NĐT nước ngoài báo cáo, cung cấp tài liệu không trung thực, không chính xác, không kịp thời theo yêu cầu của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam hoặc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; không thực hiện nghĩa vụ báo cáo sở hữu, công bố thông tin theo quy định pháp luật;

- NĐT nước ngoài thực hiện các hành vi bị cấm theo quy định tại Điều 9 Luật Chứng khoán và khoản 4 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán;

- NĐT nước ngoài vi phạm quy định về quản lý ngoại hối theo pháp luật Việt Nam; không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính khác đối với Nhà nước theo quy định pháp luật.

Bên cạnh đó, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam hủy mã số giao dịch chứng khoán của NĐT nước ngoài trong các trường hợp sau:

- NĐT nước ngoài thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 5 Điều 4 Thông tư này.

- Quá thời hạn đình chỉ giao dịch quy định tại khoản 1 Điều này mà những thiếu sót dẫn đến việc đình chỉ giao dịch của NĐT nước ngoài không được khắc phục.

- Theo yêu cầu của NĐT nước ngoài: Trong trường hợp này, NĐT nước ngoài, thông qua thành viên lưu ký, gửi giấy đề nghị Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam hủy mã số giao dịch chứng khoán theo mẫu tại Phụ lục 14 ban hành kèm theo Thông tư này (bản cứng hoặc bản sao điện SWIFT của ngân hàng lưu ký toàn cầu có xác nhận của thành viên lưu ký), kèm theo bản sao văn bản ủy quyền cho thành viên lưu ký thực hiện việc hủy mã số giao dịch chứng khoán (nếu là thành viên lưu ký mới của NĐT). NĐT nước ngoài bị hủy mã số giao dịch chứng khoán theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều này, không được xem xét cấp lại mã số giao dịch chứng khoán trong thời hạn hai (02) năm kể từ thời điểm mã số giao dịch chứng khoán bị hủy bỏ.

Về báo cáo của NĐT nước ngoài

NĐT nước ngoài, nhóm NĐT nước ngoài có liên quan thực hiện nghĩa vụ báo cáo sở hữu, công bố thông tin về các giao dịch chứng khoán theo quy định pháp luật về công bố thông tin trên TTCK theo nguyên tắc sau:

- NĐT nước ngoài tự thực hiện hoặc chỉ định một (01) thành viên lưu ký hoặc một (01) tổ chức kinh doanh chứng khoán hoặc văn phòng đại diện của mình (nếu có) hoặc một (01) tổ chức khác hoặc ủy quyền cho một cá nhân thực hiện nghĩa vụ báo cáo sở hữu và công bố thông tin theo quy định pháp luật;

- Nhóm các NĐT nước ngoài có liên quan có trách nhiệm chỉ định một (01) thành viên lưu ký hoặc một (01) tổ chức kinh doanh chứng khoán hoặc văn phòng đại diện của mình (nếu có) hoặc một (01) tổ chức khác hoặc ủy quyền cho một (01) cá nhân, thực hiện nghĩa vụ báo cáo sở hữu, công bố thông tin theo quy định pháp luật về công bố thông tin trên TTCK.

Thông báo về việc chỉ định hoặc thay đổi tổ chức, cá nhân thực hiện nghĩa vụ báo cáo sở hữu, công bố thông tin được lập theo mẫu quy định tại Phụ lục 15 ban hành kèm theo Thông tư này phải gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam tối thiểu ba (03) ngày làm việc trước khi việc chỉ định hoặc ủy quyền có hiệu lực, kèm theo bản sao hợp lệ Giấy phép thành lập và hoạt động hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy đăng ký thành lập quỹ hoặc tài liệu tương đương (của tổ chức được chỉ định) hoặc bản sao hợp lệ chứng minh thư nhân dân (thẻ căn cước công dân) hoặc hộ chiếu còn hiệu lực hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác (của cá nhân được ủy quyền).

- NĐT nước ngoài, nhóm NĐT nước ngoài có liên quan có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin về tình trạng sở hữu chứng khoán của mình để tổ chức được chỉ định hoặc cá nhân được ủy quyền công bố thông tin thực hiện đầy đủ nghĩa vụ báo cáo sở hữu, công bố thông tin theo quy định pháp luật.

- Nghĩa vụ báo cáo sở hữu, công bố thông tin của NĐT nước ngoài, nhóm NĐT nước ngoài có liên quan phát sinh trong trường hợp:

+ Tổng số cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đóng của NĐT nước ngoài, nhóm NĐT nước ngoài có liên quan đạt từ 5% trở lên số cổ phiếu đang lưu hành có quyền biểu quyết của một tổ chức phát hành, từ 5% trở lên chứng chỉ quỹ của quỹ đóng hoặc khi không còn sở hữu tỷ lệ đạt tới các mức nêu trên;

+ NĐT nước ngoài, nhóm NĐT nước ngoài có liên quan nắm giữ từ 5% trở lên số cổ phiếu đang lưu hành có quyền biểu quyết của một tổ chức phát hành, sở hữu từ 5% trở lên chứng chỉ quỹ của quỹ đóng, thực hiện giao dịch dẫn đến thay đổi tỷ lệ sở hữu qua các ngưỡng 1%;

+ NĐT nước ngoài hoặc trong nhóm NĐT nước ngoài có liên quan có NĐT là người nội bộ của công ty đại chúng, quỹ đại chúng theo quy định pháp luật về công bố thông tin trên TTCK;

Quy định tại điểm này không áp dụng trong trường hợp tỷ lệ thay đổi do tổ chức phát hành giao dịch cổ phiếu quỹ hoặc phát hành thêm cổ phiếu. Nội dung báo cáo sở hữu, công bố thông tin thực hiện theo mẫu quy định tại Phụ lục 18, Phụ lục 19 ban hành kèm theo Thông tư này. Thời điểm báo cáo sở hữu, công bố thông tin thực hiện theo quy định pháp luật về công bố thông tin trên TTCK.