Ngành Hải quan được xử phạt hành vi xuất nhập khẩu, buôn bán hàng giả tối đa 100 triệu đồng

Theo Tổng cục Hải quan

Ngày 10/01/2013, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký ban hành Nghị định số 08/2013/NĐ-CP, quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả. Trong đó quy định, cơ quan hải quan được xử phạt vi phạm hành chính tối đa 100 triệu đồng với hành vi xuất khẩu, nhập khẩu, buôn bán hàng giả qua biên giới.

Ngành Hải quan được xử phạt hành vi xuất nhập khẩu, buôn bán hàng giả tối đa 100 triệu đồng
Người có thẩm quyền của cơ quan hải quan có thẩm quyền xử phạt hành chính đối với hành vi xuất khẩu, nhập khẩu hàng giả, buôn bán hàng giả qua biên giới theo quy định tại Nghị định này thuộc địa bàn quản lý của mình. Cụ thể:

Nhân viên Hải quan đang thi hành công vụ có quyền: Phạt cảnh cáo; Phạt tiền đến 200.000 đồng.

Đội trưởng Đội nghiệp vụ thuộc Chi cục Hải quan, Đội trưởng Đội nghiệp vụ thuộc Chi cục kiểm tra sau thông quan có quyền: Phạt cảnh cáo; Phạt tiền đến 5 triệu đồng.

Chi cục trưởng Hải quan, Chi cục trưởng Chi cục kiểm tra sau thông quan, Đội trưởng Đội kiểm soát thuộc Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Cục Hải quan), Đội trưởng Đội kiểm soát chống buôn lậu và Hải đội trưởng Hải đội kiểm soát trên biển thuộc Cục điều tra chống buôn lậu Tổng cục Hải quan có quyền: Phạt cảnh cáo; Phạt tiền đến 20 triệu đồng; Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính.

Cục trưởng Cục điều tra chống buôn lậu, Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan thuộc Tổng cục Hải quan, Cục trưởng Cục Hải quan có quyền: Phạt cảnh cáo; Phạt tiền đến mức tối đa đến 70 triệu đồng đối với lĩnh vực hải quan, và phạt tiền đến mức tối đa 100 triệu đồng đối với lĩnh vực thuế; Tước quyền sử dụng giấy phép thuộc thẩm quyền; Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính; Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính như buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc buộc tái xuất hàng hóa, vật phẩm, phương tiện; Buộc tiêu hủy vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi và cây trồng, văn hóa phẩm độc hại.

Nghị định cũng quy định về các loại hàng giả, các mức xử phạt, hình thức phạt bổ sung, các biện pháp khắc phục hậu quả cụ thể.

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 1/3/2013.

Một số khái niệm được quy định trong Nghị định số 08/2013/NĐ-CP

“Sản xuất hàng giả” là việc thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động chế tạo, chế bản, in ấn, gia công, đặt hàng, sơ chế, chế biến, chiết xuất, tái chế, lắp giáp, pha trộn, san chia, sang chiết, nạp, đóng gói và hoạt động khác làm ra hàng giả để đưa vào lưu thông.

“Buôn bán hàng giả” là việc thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động chào hàng, trưng bày, giới thiệu, quảng cáo, khuyến mại, lưu giữ, bảo quản, vận chuyển, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu và hoạt động khác để đưa hàng giả vào lưu thông.

“Tem, nhãn, bao bì giả” gồm đề can, nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa, các loại tem chất lượng, phiếu bảo hành, niêm màng co hàng hóa hoặc vật phẩm khác của cá nhân, tổ chức kinh doanh có chỉ dẫn giả mạo quy định tại khoản 2, Điều 4 Nghị định này.