Nghị định mới quản lý chặt các tập đoàn

Theo Chinhphu.vn

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2012, Chính phủ đã thảo luận một Nghị định mới theo tinh thần chung là sẽ quản lý chặt các tập đoàn, tổng công ty. Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 28/10, trả lời câu hỏi của phóng viên về chủ trương tạm dừng thí điểm các tập đoàn kinh tế nhà nước, Người phát ngôn Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết khi xây dựng Luật Doanh nghiệp mới, chúng ta tính đến chuyện để các doanh nghiệp mở rộng quy mô, từ đó hình thành khái niệm tập đoàn. Do luật pháp chưa quy định cụ thể, nên Đảng và Nhà nước cho phép thí điểm các tập đoàn.

Nghị định mới quản lý chặt các tập đoàn

Hiện chúng ta có 11 tập đoàn kinh tế và 10 tổng công ty. Vừa qua, sau khi tổng kết, đánh giá việc thực hiện thí điểm, Chính phủ đã quyết định kết thúc thí điểm 2 tập đoàn xây dựng, được hình thành trên cơ sở sáp nhập các tổng công ty thuộc Bộ Xây dựng.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2012, Chính phủ đã thảo luận một Nghị định mới về việc quản lý các tập đoàn, tổng công ty. Nghị định quy định danh mục các tập đoàn mà Thủ tướng Chính phủ có một số trách nhiệm, quyền hạn trực tiếp. Với số còn lại, về cơ bản trách nhiệm, quyền hạn đó sẽ được giao cho các Bộ quản lý chuyên ngành, Bộ quản lý tổng hợp UBND tỉnh, thành phố.

Các thành viên Chính phủ đã thảo luận kỹ, các bộ, ngành đã trình ý kiến về các tập đoàn mà Thủ tướng Chính phủ có một số quyền hạn, trách nhiệm trực tiếp, số này có thể sẽ ít hơn 10. Tinh thần chung là sẽ quản lý chặt các tập đoàn, tổng công ty.

Riêng về Vinashin,Tập đoàn này đang tiến hành tái cơ cấu theo một đề án riêng. Những sai phạm trước đây tại Vinashin đã để lại những hậu quả rất lớn, nên việc tái cơ cấu Tập đoàn này rất quan trọng. Chính phủ đã bàn một số lần về vấn đề này, nhiều lần xin ý kiến Bộ Chính trị, Bộ Chính trị yêu cầu nghiên cứu, làm rõ hơn một số vấn đề trước khi quyết định phương án cuối cùng.

Bộ trưởng Vũ Đức Đam khẳng định 21 tập đoàn, tổng công ty sẽ không dừng hoạt động mà được sắp xếp lại, tập đoàn có thể giữ mô hình tập đoàn hoặc có thể chuyển thành tổng công ty. Cả các doanh nghiệp được giữ mô hình tập đoàn cũng phải cơ cấu lại, tập trung vào ngành nghề chính, quy mô hoạt động phù hợp với khả năng tài chính, năng lực quản trị và thị trường.

Theo Bộ trưởng, đây là một quá trình, không thể tiến hành theo cách chuyển từ cực này sang cực kia. Ví dụ, Chính phủ có thể quyết định Nhà nước không giữ 100% vốn nhà nước tại một tập đoàn, thậm chí không cần phải giữ đến 50% vốn, nhưng việc cổ phần hóa phải được tính toán trên nhiều phương diện, theo một lộ trình, nếu tiến hành cổ phần hóa ở thời điểm thị trường xấu thì nhà nước sẽ chịu thiệt.

Trả lời câu hỏi liệu công ty mua bán nợ khi thành lập có sử dụng “vốn mồi” từ ngân sách không, Bộ trưởng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước xây dựng đề án tổng thể giải quyết nợ xấu nhưng ngay khi chưa có đề án, chúng ta đã tiến hành nhiều biện pháp xử lý nợ xấu.

Việc thành lập công ty mua bán nợ là một trong rất nhiều giải pháp đồng bộ để giải quyết nợ xấu. Công ty mua bán nợ chỉ xử lý một phần nợ xấu, đồng thời không phải xử lý bao nhiêu nợ xấu thì cần bấy nhiêu vốn.

Ngân hàng Nhà nước đang lên phương án về quy mô cụ thể của công ty và các nguồn vốn huy động, nhưng chắc chắn Nhà nước sẽ không lấy tiền ngân sách trả nợ thay doanh nghiệp.