Nghị định mới về đăng ký doanh nghiệp: Những thay đổi nổi bật

Theo chinhphu.vn

Ngày 14/09/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp (ĐKDN), hướng dẫn Luật Doanh nghiệp năm 2014.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/11/2015, thay thế Nghị định 43/2010/NĐ-CP (Nghị định 43) ngày 15/4/2010 về đăng ký doanh nghiệp.

Nhiều người cho rằng, dư địa để cải cách, để hướng dẫn của các Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Doanh nghiệp 2014 không còn nhiều. Tuy vậy, Nghị định 78 vẫn cho thấy có những điểm mới nổi bật, cụ thể như sau:

Những chương, điều, khoản, mục mới rất có giá trị thực tiễn

Khoản 2, điều 6 Nghị định 78 nêu: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (GCN ĐKDN) không phải là giấy phép kinh doanh. Việc tưởng chừng đơn giản này nhưng có ý nghĩa rất lớn trong thực tế khi từ trước tới nay, không ít người vẫn cho rằng GCN ĐKDN là một loại giấy phép.

Nghị định 78 cụ thể hóa điểm rất mới của Luật Doanh nghiệp 2014 về việc một công ty TNHH, công ty cổ phần có thể có từ hai người đại diện theo pháp luật trở lên, khi quy định trường hợp doanh nghiệp có nhiều người đại diện theo pháp luật, chữ ký của những người đại diện theo pháp luật trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp có giá trị pháp lý như nhau. Quy định này sẽ nâng cao sự chủ động, tiết kiệm thời gian và chi phí, đặc biệt là các doanh nghiệp quy mô lớn với nhiều người đại diện theo pháp luật. Hy vọng, không chỉ đối với lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp, ở các lĩnh vực khác (thuế, hải quan, lao động…) cũng có cách tiếp cận như vậy để thực sự tạo điều kiện cho doanh nghiệp.

Chương V, ĐKDN qua mạng điện tử có đến 5 điều (so với một điều duy nhất của Nghị định 43), qua đó, doanh nghiệp muốn thực hiện thủ tục bằng hình thức này đã có cơ sở rõ ràng hơn, có thể sử dụng chữ ký số công cộng hoặc tài khoản đăng ký kinh doanh. Điều này góp phần minh bạch hóa thủ tục hành chính đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử, nhất định sẽ đưa dịch vụ này đạt cấp độ cao nhất, cấp độ 4 về ứng dụng công nghệ thông tin.

Những quy định hoàn toàn mới về hồ sơ, trình tự, thủ tục ĐKDN đối với tổ chức tín dụng đã giải quyết căn bản được khó khăn vướng mắc đối với các tổ chức tín dụng bị kiểm soát đặc biệt. Các quy định mới tạo ra căn cứ pháp lý để thay đổi người đại diện theo pháp luật hay việc chỉ định tổ chức tín dụng khác thực hiện việc góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng bị kiểm soát đặc biệt…

Về con dấu, chốt lại là doanh nghiệp có thể có nhiều con dấu với hình thức và nội dung như nhau. Quy định này có thể chưa đáp ứng được kỳ vọng của một số doanh nghiệp khi họ muốn có nhiều con dấu nhưng với hình thức và nội dung khác nhau, dễ cho việc quản lý, sử dụng, lưu giữ của họ. Tuy vậy, sự thay đổi về con dấu của Luật Doanh nghiệp 2014 là quá lớn nên có lẽ việc quy định như vậy cũng tương đối phù hợp với giai đoạn này.

Về cổ đông sáng lập, quy định mới sẽ chấm dứt mọi tranh cãi về việc ai là cổ đông sáng lập khi nêu rất rõ ràng rằng, cổ đông sáng lập là người (cá nhân, tổ chức) được kê khai trong Danh sách cổ đông sáng lập và nộp cho Phòng Đăng ký kinh doanh tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp.

Về đăng ký hộ kinh doanh, đối tượng nhận được sự quan tâm đặc biệt ngay từ khâu soạn thảo, Nghị định 78 đã dành đến 14 điều so với chỉ 8 điều của Nghị định 43. Tuy vẫn chưa thể đạt được như mong muốn nhưng cũng đã có thêm những quy định rất mới như Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cũng sẽ được cấp trong thời gian 03 ngày làm việc; chấm dứt việc hộ kinh doanh bị ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận khi chuyển từ quận, huyện này sang quận, huyện khác, từ nay được phép chuyển đổi trụ sở giống như doanh nghiệp; quy định về tạm ngừng kinh doanh, chấm dứt hộ kinh doanh; cấp lại GCN đăng ký hộ kinh doanh. Đặc biệt điều 78 quy định về thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh quy định những tình huống rất cụ thể, chi tiết, tháo gỡ khó khăn đã tồn tại rất lâu về nghiệp vụ này.

Quy định về điều khoản chuyển tiếp nằm ở cuối Nghị định 78 nhưng lại có ý nghĩa rất lớn. Thực tế cho thấy, việc chuyển đổi từ các Giấy chứng nhận đầu tư (Giấy phép đầu tư) kiêm đăng ký kinh doanh thành Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư riêng, GCN ĐKDN riêng tuy có gặp những bỡ ngỡ ban đầu nhưng càng ngày càng tỏ rõ giá trị khi tháo gỡ được hàng loạt các khó khăn, vướng mắc do đồng nghĩa hoạt động của pháp nhân với dự án như trước.

Trao quyền nhiều hơn cho doanh nghiệp, đẩy mạnh việc truy cập, sử dụng cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia dangkykinhdoanh.gov.vn

Liên quan đến thay đổi nội dung ĐKDN, doanh nghiệp có được hai thuận lợi rất lớn. Một là, chỉ còn 4 đến 5 trường hợp phải đăng ký và phải cấp mới GCN ĐKDN, do nội dung Giấy chứng nhận chỉ còn ghi nhận 4 đến 5 nội dung đăng ký; doanh nghiệp cũng không phải nộp lại GCN ĐKDN cũ nên rất thuận lợi cho việc chứng minh tính lịch sử của Doanh nghiệp đối với các bên.

Hai là, với tất cả những sự thay đổi còn lại, nhất là về ngành nghề kinh doanh, doanh nghiệp không phải thực hiện việc đăng ký thay đổi mà chỉ là thực hiện việc thông báo thay đổi. Doanh nghiệp lại có quyền nhận hay không nhận Giấy xác nhận đã thay đổi vì mọi nội dung thay đổi đã được cập nhật trên dangkykinhdoanh.gov.vn. Từ khi có quy định này, việc truy cập, tương tác với dangkykinhdoanh.gov.vn tăng lên rất nhiều, từng bước góp phần đưa được việc ứng dụng công nghệ thông tin trong thực tế, ở mọi lúc, mọi nơi, thuận tiện, nhanh chóng.

Do chi nhánh, văn phòng đại điện, địa điểm kinh doanh không còn ghi trong GCN ĐKDN nên ngay địa điểm kinh doanh cũng có thể được cấp Giấy chứng nhận địa điểm kinh doanh, khi doanh nghiệp có nhu cầu, rõ ràng đây là quy định hoàn toàn mới.

Về chuyển nhượng vốn, mua bán cổ phần, mua bán doanh nghiệp..., dù chỉ có sự thay đổi từ chữ thành chữ hoặc nhưng đã là một thay đổi cực kỳ lớn lao và hết sức có giá trị. Từ nay, trong số giấy tờ khi nộp cho cơ quan ĐKKD sẽ là Hợp đồng chuyển nhượng hoặc giấy tờ chứng minh hoàn tất việc chuyển nhượng thay vì Hợp đồng chuyển nhượng giấy tờ chứng minh hoàn tất việc chuyển nhượng.

Những ai đã từng chuyển nhượng vốn, mua bán cổ phần, đã gặp vướng mắc, thậm chí đã từng đưa nhau ra tòa vì việc này sẽ thấm thía giá trị của chữ hoặc thay cho chữ và. Theo quy định cũ thì khi mới đặt bút ký hợp đồng, chưa hề hoàn tất việc mua, bán mà người mua đã phải nộp đủ hết tiền cho người bán, rủi có vướng mắc thì rất khó giải quyết, ngay cả ở Tòa án.

Đưa thêm các quy định nhằm giúp đỡ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tháo gỡ các vướng mắc từ trước đến nay

Một là, quy định việc tiếp tục kinh doanh trước thời hạn (tạm ngừng) của doanh nghiệp. Khi đang tạm ngừng, doanh nghiệp thấy có cơ hội kinh doanh đương nhiên có nhu cầu kinh doanh ngay. Quy định mới nêu rõ doanh nghiệp muốn kinh doanh trước thời hạn tạm ngừng thì gửi thông báo đến Phòng ĐKKD chậm nhất 15 ngày (tuy bị đánh giá là dài) trước khi tiếp tục kinh doanh.

Hai là, theo quy định cũ, khi doanh nghiệp có vi phạm đến mức bị thu hồi GCN ĐKDN, mặc dù sau đó đã khắc phục được vi phạm, có nhu cầu quay trở lại kinh doanh, thì cũng không thể có cách nào phục hồi cho doanh nghiệp hoạt động trở lại được. Quy định mới ghi nhận cơ sở pháp lý của việc khôi phục tình trạng pháp lý của doanh nghiệp và ra quyết định hủy bỏ quyết định thu hồi GCN ĐKDN. Việc này đã tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc tồn tại từ nhiều năm, giúp cho các Trưởng phòng ĐKKD có thể "mạnh tay" hơn với việc ký thu hồi GCN ĐKDN khi doanh nghiệp có vi phạm bởi nếu doanh nghiệp khắc phục được hậu quả, hoàn toàn có thể được phục hồi GCN ĐKDN.

Ba là, bước tiến lớn trong việc xử lý đối với trường hợp tên doanh nghiệp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp. Quy định trước đây chưa rõ sẽ xử lý như thế nào sau khi yêu cầu doanh nghiệp vi phạm đổi tên và xử phạt hành chính mà doanh nghiệp vẫn chây ì không chấp hành. Nay bổ sung quy định cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm thông báo cho Phòng ĐKKD để yêu cầu doanh nghiệp báo cáo giải trình. Trường hợp doanh nghiệp không báo cáo, Phòng ĐKKD thực hiện thu hồi GCN ĐKDN.

Bốn là, quy định mới đã bỏ việc xóa tên doanh nghiệp trong Sổ đăng ký doanh nghiệp bằng việc cập nhật tình trạng giải thể, nghĩa là dù có thêm một hay vài trăm năm nữa, tình trạng pháp lý của doanh nghiệp luôn được cập nhật trên mạng, ngay cả khi doanh nghiệp đã "chết" thì tên tuổi vẫn còn đó, không bị xóa đi như trước kia. Việc này không chỉ hữu ích cho doanh nghiệp mà còn cho cả cộng đồng khi muốn tìm hiểu, muốn chứng minh .v.v. những điều gì đó liên quan đến doanh nghiệp.